Cấp cứu bệnh nhân nguy kịch vì hóc hạt sen

Quốc Trung 08/06/2018 09:53

Sáng 8/6, BS.CKII. Nguyễn Minh Nghiêm – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Người phát ngôn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, Bệnh viện vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân nguy kịch vì bị hóc hạt sen.

Cấp cứu bệnh nhân nguy kịch vì hóc hạt sen

Hạt sen bị mắc ở cổ họng khiến bệnh nhân khó thở.

Theo đó, khoảng 20h25 ngày 7/6, khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Cao Thị G, 84 tuổi, ngụ tại khu vực Bình Phước, phường Phước Thới, Ô Môn, TP Cần Thơ, được chuyển từ một bệnh viện khác đến trong tình trạng suy hô hấp có đặt nội khí quản.

Theo người thân của bệnh nhân, bệnh nhân suy kiệt nằm tại giường 6 tháng nay. Khoảng 8h sáng, ngày 7/6, trước lúc nhập viện bệnh nhân được người nhà cho ăn cháo tổ yến và hạt sen. Trong khi đang ăn đột ngột lên cơn ho sặc sụa, khó thở nhiều và khò khè, sau khoảng một giờ bệnh nhân không trả lời được. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nguy kịch người thân đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại một cơ sở y tế và sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Tại đây, bệnh nhân được các bác sỹ tại Khoa cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khám ban đầu và xác định bệnh nhân bị dị vật đường thở. Ê-kíp nội soi phế quản cấp cứu gồm: Bs. Hà Tấn Đức, Bs. Nguyễn Anh Kiệt, và điều dưỡng dụng cụ Lê Văn Thắng đã nhanh chóng tiến hành nội soi can thiệp cho bệnh nhân. Khi soi thám sát đã phát hiện dị vật nằm ở phế quản thùy dưới bên phải. Ê-kíp đã dùng rọ để bẫy và kéo dị vật ra khỏi phế quản. Dị vật là mảnh hạt sen có kích thước khoảng 0,5 x 0,5 x 1,2 cm. Thời gian từ lúc bệnh nhân đến cấp cứu đến khi dị vật được lấy ra khoảng 35 phút.

Sau khi lấy dị vật, tình trạng hô hấp ở bệnh nhân nhanh chóng cải thiện. Hiện tại, bệnh nhân tiếp xúc được, các dấu hiệu sinh tồn tạm ổn.

Cấp cứu bệnh nhân nguy kịch vì hóc hạt sen - 1

Hạt sen sau khi được gắp từ cổ họng bệnh nhân.

BS.CKII. Nguyễn Minh Nghiêm khuyến cáo thêm: Dị vật đường thở rất thường gặp ở trẻ em và người già, đặc biệt các trường hợp người già bệnh mãn tính nằm lâu ngày không đi lại được, các trường hợp khác không còn răng để nhai nhuyễn thức ăn... Nên khi cho người bệnh ăn tư thế ngồi hoặc nằm đầu kê cao, không nên cho ăn tư thế nằm ngang, đầu thấp rất dễ rơi thức ăn vào đường thở gây nghẹt thở. Thức ăn nên được tán nhuyển và cho ăn từng ít một để dễ nuốt tránh nghẹn thức ăn lọt vào đường thở nguy hiểm tính mạng…

Quốc Trung