Đến sau hai ông lớn, Viettel vẫn tự tin về cơ hội tại Myanmar

Theo Zing 08/06/2018 20:29

Tham gia thị trường muộn hơn hai đối thủ là Telenor và Ooredoo, Mytel của Viettel vẫn rất “sáng cửa” nhờ những ưu thế cạnh tranh riêng.

Đến sau hai ông lớn, Viettel vẫn tự tin về cơ hội tại Myanmar

Thị trường viễn thông Myanmar đang là sân chơi của ba nhà mạng, trong đó có 2 ông lớn từ các nước phát triển. Ảnh: Zing.

Ngày 9/6, Viettel sẽ chính thức khai trương Mytel, liên doanh của nhà mạng quân đội tại thị trường Myanmar. Đây sẽ là thị trường nước ngoài thứ 10 của Viettel và là thị trường lớn nhất từ trước tới nay với dân số 55 triệu người.

Dù đến sau hai nhà mạng là Telenor đến từ Na-uy (top 13 nhà mạng lớn nhất thế giới, theo GSMA Intelligence) và Ooredoo đến từ Qatar (xếp thứ 1 trong nhóm các nhà mạng khu vực Trung Đông), Viettel vẫn khẳng định mục tiêu của Mytel rất rõ ràng là trở thành nhà mạng viễn thông lớn nhất Myanmar.

Hai ông lớn đến trước

Thị trường viễn thông Myanmar trước năm 2013 là sân chơi của một mình MPT. Đây là nhà mạng của Chính phủ Myanmar và đã độc quyền phân phối dịch vụ viễn thông trong nước trong hàng chục năm.

Cũng trong thời kỳ kinh doanh độc quyền này, một SIM điện thoại tại Myanmar có giá lên tới 2.000 USD và giá cước duy trì cũng không hề rẻ. Sử dụng điện thoại di động gần như là đặc quyền của giới thượng lưu khi giá SIM bằng thu nhập trung bình một năm của người Myanmar thời điểm đó.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Myanmar, năm 2012, tỷ lệ sử dụng SIM di động tại nước này chỉ đạt 9%, tương đương 5,4 triệu dân tiếp cận dịch vụ viễn thông di động.

Tới năm 2013, viễn thông Myanmar mở cửa khi Chính phủ nước này cho mở đấu thầu 2 giấy phép kinh doanh viễn thông. Sau nhiều năm “mai phục” thị trường, Viettel đã nhanh chóng tham gia cuộc đua với 91 nhà mạng toàn cầu để có quyền triển khai kinh doanh tại Myanmar.

Lọt vào tới 11 nhà mạng tốt nhất, tuy nhiên may mắn chưa mỉm cười với Viettel. Chính phủ Myanmar thông báo hai nhà mạng thắng thầu là Telenor và Ooredoo.

Sự tham gia của hai ông lớn nước ngoài đã khiến số lượng thuê bao di động tại Myanmar tăng nhanh chóng, kèm theo đó là mặt bằng giá cước cũng giảm mạnh. Việc sử dụng điện thoại trở nên phổ biến tại đây. Tới tháng 7/2015, theo Myanmar Times, tỷ lệ dân số sử dụng SIM di động đã tăng lên 54,6%.

Giá một chiếc SIM di động tại Myanmar sau sự xuất hiện của Telenor và Ooredoo đã giảm còn 1,5 USD, tức giảm hơn 1.300 lần so với trước đó 5-6 năm.

Bức tranh thị phần cũng đã có sự dịch chuyển. MPT phải chia sẻ sân chơi với hai hãng nước ngoài và hiện nhà mạng này chiếm thị phần 42%, xếp sau là Telenor với 35% thị phần và Ooredoo với 23%.

Mytel với những nước đi khác biệt

“Việc Mytel vươn lên dẫn đầu thị trường dù đến sau là rất khả thi bởi nếu nhà mạng này mang đến được cho người dân Myanmar một mức giá tốt, chất lượng dịch vụ ổn định, độ phủ sóng cao . Hiện 3 nhà mạng tại Myanmar đều chưa thực sự làm hài lòng người tiêu dùng, hơn nữa tại Myanmar người sử dụng viễn thông rất quan tâm vấn đề giá thành”, ông Thien Htike, chủ một doanh nghiệp lớn tại Monywa, Myanmar chia sẻ cùng Zing.vn.

Nhận định của ông Thien không phải là không có cơ sở khi giá cước thoại mà Mytel đưa ra cho người dùng sẽ rẻ hơn các đối thủ khoảng 15-20% trong khi cước data của Mytel sẽ tạo đột phá so với mặt bằng của thị trường.

Đến sau hai ông lớn, Viettel vẫn tự tin về cơ hội tại Myanmar - 1

Mytel được đánh giá cao nhờ nhiều ưu thế cạnh tranh cả về giá cước lẫn hạ tầng. Ảnh: Zing.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của đại diện Mytel, nhờ nhân lực đã có kinh nhiệm triển khai hạ tầng tại nhiều thị trường nước ngoài của Viettel nên hạ tầng của Mytel sẽ có nhiều lợi thế. Cụ thể, Mytel chỉ mất 1 năm để đuổi kịp số trạm BTS của đối thủ đã xây dựng trong 3 năm.

Tới nay, Mytel đã có khoảng hơn 4.000 trạm BTS trên khắp Myanmar và dự kiến sẽ hoàn thành 7.200 trạm phủ sóng di động, 33.000 km cáp quang tại Myanmar trong năm 2018. Dù việc triển khai hạ tầng tại Myanmar theo chia sẻ của cán bộ nhà mạng này là khó hơn rất nhiều so với các thị trường khác mà Viettel Global từng tham gia khai thác, Mytel vẫn khẳng định quyết tâm sẽ hoàn thành các mục tiêu về hạ tầng.

Tại Myanmar, Mytel cũng là mạng di động đầu tiên và duy nhất phủ sóng 4G trên phạm vi toàn quốc khi khai trương.

Đánh giá về thị trường Myanmar, thị trường mà Viettel “mai phục” suốt 10 năm, lãnh đạo Viettel cho biết, Myanmar là thị trường mới nổi, có GDP tăng trưởng bình quân tới 8%/năm, rất tiềm năng với mức doanh thu trên người dùng đạt 4 USD, hơn 55 triệu dân trong đó có 60% dùng smartphone (Việt Nam mới chỉ 35%), người dân ưa chuộng trải nghiệm công nghệ …

Theo Zing