Thay đổi chất lượng khám chữa bệnh

Xuân Thủy 09/06/2018 08:15

Lâu nay nhà vệ sinh bệnh viện đã trở thành nỗi sợ lớn đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đi khám tại các bệnh viện lớn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhóm phóng viên, chất lượng nhà vệ sinh cũng như công tác vệ sinh tại nhà vệ sinh ở các bệnh viện hiện đang từng bước được cải thiện.

Thay đổi chất lượng khám chữa bệnh

Nhà vệ sinh Bệnh viện E- Hà Nội.

Kém hài lòng nhất là nhà vệ sinh

Được biết, tình trạng nhà vệ sinh bệnh viện bẩn không phải là vấn đề nhỏ, mà là điều người bệnh và người nhà người bệnh rất quan tâm. Thế nhưng lâu nay, vấn đề này chưa được các bệnh viện coi trọng, dù là việc thiết yếu hàng ngày và liên quan đến tất cả mọi người.

Theo ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Tổ chức Sáng kiến Việt Nam đã khảo sát thí điểm sự hài lòng của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện thông qua phỏng vấn trên điện thoại tại 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước đã cho thấy chỉ số hài lòng trung bình đạt 3,98 điểm; tương ứng với mức độ hài lòng đạt gần 80% kỳ vọng. Người bệnh hài lòng nhất với việc phục vụ cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc, kém hài lòng nhất với nhà vệ sinh bệnh viện. Nhiều ý kiến phản ánh về nhà vệ sinh ở các bệnh viện được ông Khuê thẳng thắn chỉ ra: Nhiều nhà vệ sinh bệnh viện vẫn rất bẩn khi có nước đọng sàn nhà, rác bẩn, mùi khó chịu, hôi thối. Có tình trạng một tầng nhà không có nhà vệ sinh cho người bệnh và người nhà người bệnh; khoa lâm sàng thiếu nhà vệ sinh cho người bệnh người nhà người bệnh.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sẽ trừ điểm nặng các bệnh viện không đạt chuẩn và quyết tâm đưa tất cả các nhà vệ sinh bệnh viện phải đạt từ mức 3 trở lên (mức 1,2 là kém). Nếu bệnh viện nào không đạt từ mức 3 trở lên sẽ trừ điểm nặng.

Từng bước cải thiện

Mới đây, theo ghi nhận của nhóm phóng viên ở các nhà vệ sinh tại Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Đức và Viện Huyết học và truyền máu trung ương thì hầu hết các bệnh nhân được hỏi đều có ý kiến tỏ ra hài lòng về chất lượng vệ sinh tại nhà vệ sinh của các bệnh viện.

Tại Bệnh viện E có khá đông bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Khi được hỏi, nhiều bệnh nhân cho biết, mặc dù là lần đầu tiên đến khám, chữa bệnh tại đây nhưng ấn tượng ban đầu về cơ sở vật chất của bệnh viện và chất lượng nhà vệ sinh của bệnh viện là khá tốt.

Còn tại Bệnh viện Việt Đức và Viện Huyết học và truyền máu trung ương, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân tại đây đều cảm thấy chất lượng nhà vệ sinh tại bệnh viện đã được cải thiện một cách đáng kể, có người dọn rửa liên tục.

Trong khi chất lượng vệ sinh tại nhà vệ sinh ở các bệnh viện lớn đã và đang từng bước được cải thiện, thì tại các bệnh viện tuyến dưới chất lượng vệ sinh vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử như tại Trung tâm Y tế huyện Ân Thi (Hưng Yên), những người đi chăm bệnh nhân ở đây cho hay, mặc dù chỉ đi bên ngoài hành lang nơi có nhà vệ sinh của tung tâm y tế nhưng họ đã cảm thấy bốc mùi; cơ sở vật chất khu vệc sinh chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh và người nhà bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại đây.

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết, sắp tới sẽ coi tiêu chí nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Nếu nhà vệ sinh ở mức 1,2 thì chất lượng xếp loại kém (coi như điểm liệt). Do đó, để nhà vệ sinh ở bệnh viện công sạch sẽ, yêu cầu trước tiên là người sử dụng nhà vệ sinh phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Các bệnh viện công nên có bố trí lao công trực giữ vệ sinh nhà vệ sinh, có thu nhập tương xứng để họ tận tụy với công việc. Tại nhà vệ sinh, bệnh viện cần đặt nhiều bảng tuyên truyền, nhắc nhở ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.

Xuân Thủy