Tôn vinh, nhân lên giá trị sống đẹp của con người Việt Nam mới
Tối 8/6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức kỷ niệm 10 năm phát động CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; tổng kết trao giải CTV lần thứ 9 (2017-2018) và Chương trình giao lưu nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”.
Tiết mục văn nghệ tại chương trình.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2018) và 10 năm phát động Cuộc thi viết (CTV) “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, tối 8/6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), tổ chức kỷ niệm 10 năm phát động CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; tổng kết trao giải CTV lần thứ 9 (2017-2018) và Chương trình giao lưu nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Buổi lễ vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương.
Dự chương trình có bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND-Trưởng ban Tổ chức.
Cùng dự có các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh, đông đảo nhân dân, cùng 70 đại biểu được tôn vinh và đã đồng hành trong CTV suốt 10 năm qua.
Sức lan tỏa sâu rộng làm nên những điển hình tiêu biểu
Tâm trạng chung của những người có mặt tại buổi lễ là niềm vui được chứng kiến một mùa bội thu về các tác phẩm, tác giả xuất sắc trong CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9.
Tiếp nối những thành công, so với các cuộc thi lần trước, CTV lần thứ 9 tăng về số lượng giải và giá trị giải thưởng. Đặc biệt, các nhân vật được phản ánh trong cuộc thi thực sự là những điển hình tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng yêu nước, luôn ra sức thi đua học tập, công tác, cống hiến cho xã hội; góp phần làm rạng rỡ thêm hình ảnh con người Việt Nam mới với những phẩm chất đáng trân trọng.
Cảm nhận ấy được minh chứng sinh động qua cuộc trao đổi giữa người dẫn chương trình với ông Ngô Văn Léo, đến từ phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng-người trong 40 năm đã cứu sống gần 200 người gặp nạn trên sông Cẩm Lệ. Ông cũng là nhân vật trong một bài viết tham dự CTV lần thứ 10.
Tâm sự khi giao lưu, ông Léo cho biết: "Từ nhỏ, tôi nhiều lần được chứng kiến cha mình cứu người trên sông. Vì thế, sau này tôi và vợ, con trai cũng nối nghiệp cha. Tôi đã được đọc Báo QĐND về nhiều tấm gương khác cũng cứu người trên sông, như anh Nghị, cứu được 70 người trên sông Lô; anh Phan Thuận, cứu hàng trăm người ở Quảng Ngãi trong trận lũ... nên tôi học tập họ, cố gắng giúp đỡ nhiều người không bị đuối nước".
Hay câu chuyện về 3 cô giáo: Nông Thị Dương, Lý Thị Kiều, Nguyễn Thị Nhung trong tác phẩm “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng” đoạt giải Nhất CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 của tác giả Đặng Thu Hà, Báo QĐND thực sự để lại những cảm xúc hết sức đặc biệt tại buổi lễ.
Vượt qua những hoàn cảnh, khó khăn riêng, với tình yêu nghề, yêu trẻ, các cô đã nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gieo nên những mầm xanh hy vọng, niềm tin tương lai trên đỉnh núi Lùng Cúng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), ở độ cao gần 3.000m.
Cả 3 cô giáo đều có những khó khăn riêng, trong đó, cô Nguyễn Thị Nhung, kinh tế gia đình còn hạn chế, trường học cách xa nhà, con lại bị bệnh tim bẩm sinh…
Mặc dù vậy, cả 3 cô vẫn vượt qua tất cả để yêu trường, yêu lớp, yêu học sinh, lo tròn nhiệm vụ của người giáo viên. Khi được hỏi động lực nào đã giúp các cô vượt khó, cô Nguyễn Thị Nhung trả lời thật giản dị: “Đó là tinh thần trách nhiệm và tình thương đối với các em. Chúng tôi coi các em như con ruột của mình, nên phải phấn đấu để mang đến cho các em những điều tốt nhất”.
Để khắc họa được những phẩm chất bình dị mà cao quý trong mỗi nhân vật, các tác giả phải chấp nhận gian khó, không quản ngại vất vả, ngày đêm trăn trở, sáng tạo, sáng tác.
Kể về hành trình thực hiện tác phẩm của mình, nữ nhà báo Đặng Thu Hà cho biết, bản thân chị phải vượt hành trình hàng trăm cây số từ Hà Nội lên bản Lùng Cúng. Sự dấn thân ấy đã giúp nữ nhà báo có cảm xúc mạnh mẽ để viết nên tác phẩm có chất lượng và giành được giải Nhất trong CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9.
Như vậy, chính các nhà báo, cộng tác viên là lực lượng quan trọng góp phần làm cho CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 (2017-2018) và các CTV trước đó thành công tốt đẹp.
Ghi nhận đóng góp đó, tại buổi lễ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban tổ chức CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 15 giải khuyến khích tặng các tác giả.
Khách mời tham gia giao lưu.
Bên cạnh việc giao lưu với các tấm gương bình dị cao quý, trao giải tặng các tác giả có tác phẩm xuất sắc, chương trình còn xen lẫn các phóng sự phản ánh sinh động, chân thực kết quả, thành công trong suốt 10 năm tổ chức CTV.
Cùng với đó, buổi lễ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu, giàu tính nghệ thuật với hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ thể hiện nhiều tiết mục văn nghệ, múa hát đặc sắc, truyền tải nội dung ca ngợi công lao Bác Hồ, ca ngợi Đảng quang vinh, đất nước và con người Việt Nam; trao gửi niềm nhớ thương sâu sắc của người dân Việt Nam đến Bác Hồ kính yêu và hình ảnh của Bác mãi mãi trong trái tim người dân Việt Nam.
Các tác phẩm nghệ thuật cũng toát lên quyết tâm, tâm nguyện suốt đời học tập và làm theo gương Bác của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Khẳng định ý nghĩa sâu sắc của cuộc thi tròn một thập kỷ
Được phát động cách đây 10 năm (tháng 4/2008), tính đến nay đã có gần 4.000 tác phẩm báo chí của các tác giả trên khắp cả nước, viết về hàng nghìn tấm gương bình dị mà cao quý là biểu hiện sinh động về tình cảm, tâm huyết của người làm báo hướng về Bác Hồ kính yêu.
Những tác phẩm này được dẫn đăng, nhân rộng trong hệ thống báo chí Trung ương, địa phương, đến với bạn đọc cả nước, tạo hiệu ứng tuyên truyền, cổ vũ, động viên mạnh mẽ toàn dân học tập và làm theo Bác; làm cho cái hay, cái đẹp trở thành chủ lưu trong dòng chảy thông tin đời sống xã hội.
BàTòng Thị Phóng và ông Võ Văn Thưởng trao giải Nhất cho tác giả Đặng Thu Hà.
Hơn thế, sau mỗi cuộc thi, Báo QĐND đều phối hợp với Nhà xuất bản QĐND lựa chọn các tác phẩm xuất sắc được đăng tải để xuất bản các tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Đến nay, 14 tập sách với số lượng khá lớn đã được xuất bản và phát hành rộng rãi trong toàn quốc, toàn quân.
Đây là nguồn tư liệu phong phú, vừa phục vụ học tập, nghiên cứu, vừa là những tấm gương tạo nên phong trào sâu rộng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhiều đại biểu cho rằng, Ban tổ chức và các đơn vị đồng hành đã tổ chức cuộc thi bằng mệnh lệnh con tim, duy trì cuộc thi bằng cái tâm, nên CTV có sức lan tỏa mạnh mẽ, sức vươn sâu rộng trong suốt 10 năm qua.
Bởi lẽ, viết về người tốt, việc tốt là một đề tài không mới, nhưng Báo QĐND và Ban tổ chức đã khéo vận hành nên các tác phẩm luôn bảo đảm tính thời sự, giàu tính nhân văn; thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc; cổ vũ cái hay, cái đẹp, tạo sự lan tỏa sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Phóng sự về hành trình 10 năm mà CTV đi qua đã phác họa lại bức tranh tổng thể về chặng đường và dấu ấn của một cuộc thi đầy ý nghĩa. Qua đó có thể thấy được những giá trị không chỉ ở việc tuyên truyền mà còn chứng thực bằng hiệu ứng xã hội cụ thể. CTV đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ cho cả nhân vật và tác giả của các tác phẩm trong học tập, công tác, cống hiến.
Nhiều nhân vật được phản ánh qua các tác phẩm dự thi những năm qua, được tổ chức, đơn vị ghi nhận, tôn vinh, trọng dụng trong công tác và cuộc sống.
Ví như cách đây hai năm, Đại tá Nguyễn Đình Chiến là nhân vật trong một bài viết của cuộc thi trên cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel, nay đã giữ vị trí Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội.
Cùng với đó, hàng trăm cán bộ, đảng viên, sĩ quan là những tấm gương bình dị mà cao quý, được tổ chức, đơn vị bổ nhiệm các chức vụ cao hơn hoặc được thăng quân hàm trước niên hạn...
Đặc biệt, qua cuộc thi, nhiều tác giả có thêm nhiệt huyết sáng tác, dấn thân với quyết tâm cao hơn vào những đề tài khó. Cũng qua đó, các nhân vật có thêm nguồn động lực vượt qua hoàn cảnh éo le, vươn lên trong cuộc sống; nỗ lực cống hiến, làm nhiều việc tốt cho xã hội, cộng đồng... Đó cũng chính là giá trị nhân văn, tạo “thương hiệu”, sức lan tỏa của CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong suốt 10 năm qua.
Có lẽ xuất phát từ chính ý nghĩa của CTV như vậy mà Báo QĐND là một trong số 19 tập thể trong toàn quốc được Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải thưởng tập thể xuất sắc về sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt I, giai đoạn 2016-2018 mới đây.
Và tại chương trình lần này, sau khi phát biểu ý kiến biểu dương những nỗ lực của Ban tổ chức cuộc thi và mong muốn cuộc thi tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn nữa (toàn văn bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng đăng trên số báo hôm nay), Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã trao Bằng khen tặng Báo QĐND và Ban tổ chức CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý” vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm qua.
Thêm những tấm gương thầm lặng đồng hành cùng cuộc thi
Trong phóng sự trình chiếu tại buổi lễ, chúng ta bắt gặp hình ảnh của chị Đinh Thị Kim Xoa trong buổi lễ trao giải CTV cách đây 5 năm. Khi đó, chồng chị-Trung úy Đinh Văn Nam vừa hy sinh, bố mẹ già, sức khỏe yếu; bản thân chị lại chưa có việc làm. Nhưng ngay chính trong buổi giao lưu năm ấy, chị Xoa và gia đình đã nhận được sự giúp đỡ rất thiết thực của Ban tổ chức.
Tại buổi lễ lần này, chị Xoa bùi ngùi xúc động kể lại: "Khi chồng hy sinh, bản thân tôi chưa có việc làm nhưng phải đứng lên làm trụ cột gia đình, chăm sóc cha mẹ già và con gái mới chưa đầy 2 tuổi. Trong thời gian ấy, Ban tổ chức CTV kịp thời giúp đỡ để tôi có việc làm tại Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Sau đó, được sự quan tâm của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân, tôi được tuyển dụng vào công tác tại Quân chủng Hải quân, chung một màu áo với chồng tôi. Tôi và gia đình luôn mang ơn trước sự giúp đỡ chí tình ấy!".
Bà Tòng Thị Phóng và ông Võ Văn Thưởng cùng đại biểu và Ban tổ chức tặng hoa chúc mừng các tác giả, nhân vật điển hình, cá nhân, tập thể tích cực đồng hành cùng cuộc thi viết.
Xung quanh cuộc thi này, nhiều người vẫn còn nhớ một câu chuyện cảm động khác. Đó là việc PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (nhân vật trong tác phẩm “Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mang tên “Dr Trần Ngọc Lương”, đoạt giải Ba CTV lần thứ 9) đã tự nguyện trao số tiền 50 triệu đồng, thông qua Báo QĐND giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, trong 10 năm qua, Ban tổ chức CTV đã huy động, quyên góp hàng chục tỷ đồng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng người có công, người nghèo, neo đơn, yếu thế; hàng triệu con tim đã được thắp sáng...
Tại chương trình, phần giao lưu với cô giáo Nguyễn Thị Nhung ở Điểm trường Mầm non Lùng Cúng đã diễn ra một câu chuyện bất ngờ nhưng ngập tràn cảm xúc. Ấy là khi MC Mỹ Lan đón nhận một tờ giấy được chuyển lên từ phía khán giả, mang đến niềm vui vỡ òa cho các nhân vật trong tác phẩm “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng”.
Theo đó, trước những khó khăn của gia đình cô giáo Nguyễn Thị Nhung và Điểm trường Mầm non Lùng Cúng, Ban tổ chức CTV và PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương quyết định tặng cô trò Điểm trường Mầm non Lùng Cúng và gia đình cô giáo Nhung 100 triệu đồng. Kinh phí được sử dụng vào việc mua trang thiết bị học tập tặng nhà trường và chi phí mổ tim cho con gái chị Nhung. Vui hơn nữa, khi ca mổ tim đặc biệt này sẽ do Thầy thuốc Nhân dân, GS, TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E trực tiếp thực hiện.
Trước sự lay động lòng người của câu chuyện ấy, ngay sau khi chương trình kết thúc, Ban tổ chức đã đón nhận thông tin về sự ủng hộ của một doanh nghiệp ở phía Nam, hỗ trợ cô trò Điểm trường Mầm non Lùng Cúng 200 triệu đồng. Nhiều khán giả theo dõi chương trình đã gặp gỡ, gọi điện thoại đến các đồng chí trong Ban tổ chức để chia sẻ, bày tỏ nguyện vọng muốn được hiểu thêm hoàn cảnh nhà trường và các cô giáo để có thể hỗ trợ, giúp đỡ…
Những câu chuyện chan chứa tình người ấy cho thấy, Báo QĐND, Ban tổ chức CTV không chỉ phát động, tuyển chọn, đăng tải, chấm, xét giải, trao giải cuộc thi, mà còn luôn đồng hành, giúp đỡ từng nhân vật, tác giả; thực hiện trọn vẹn sứ mệnh nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt.
Không ít cán bộ, phóng viên ở Báo QĐND đã dành trọn tâm huyết góp công, góp sức để cuộc thi hoàn thành chặng đường một thập kỷ với nhiều dấu ấn đã qua. Có những lãnh đạo Ban biên tập báo trong suốt 10 năm dành nhiều tâm huyết, trách nhiệm chỉ đạo, tham gia, trực tiếp xây dựng kịch bản, tổ chức điều hành để CTV được thành công trọn vẹn nhất.
Không ít cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo lão thành cách mạng đóng góp công sức, tham gia Hội đồng sơ khảo, chung khảo CTV...
Đặc biệt, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị luôn quan tâm, dành thời gian đến dự, động viên các nhân vật, tác giả trong mỗi dịp tổng kết trao giải...
Cùng với đó, để lan tỏa sức sống của hàng ngàn “bông hoa bình dị mà cao quý” đến với đông đảo quần chúng nhân dân, hành trình 10 năm CTV đã có không ít sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân, tập thể, cơ quan, các văn-nghệ sĩ, trí thức…
Trong đó, Đài Truyền hình Việt Nam luôn tích cực phối hợp, dành “giờ vàng” truyền hình trực tiếp các buổi lễ trao giải cuộc thi đã qua. Đó còn là nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà tài trợ, các nghệ sĩ, ca sĩ... luôn sát cánh đồng hành, với tâm nguyện góp sức tôn vinh người tốt, việc hay ra toàn xã hội.
Tất cả những tập thể, cá nhân ấy đã thầm lặng đồng lòng, chung sức suy tôn cái đẹp, vinh danh những tấm gương bình dị mà cao quý, góp phần để quân đội, đất nước ta thực sự trở thành “một rừng hoa đẹp” như Bác Hồ hằng mong ước. Và những người suốt 10 năm thầm lặng tổ chức CTV đầy ý nghĩa ấy cũng chính là những tấm gương bình dị, cao quý mà xã hội ghi nhận, trân quý!
Kỳ vọng về sức lan tỏa sâu rộng của cuộc thi
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, khẳng định: “Chúng tôi xác định việc tổ chức CTV vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của những người làm báo ở Báo QĐND”.
Nhân dịp này,Tổng biên tập báo QĐND gửi lời cảm ơn sâu sắc đến với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, các cơ quan chức năng, đơn vị đồng hành và bạn đọc đã chia sẻ, giúp đỡ tờ báo chiến sĩ tổ chức CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý” thành công tốt đẹp trong suốt 10 năm qua.
Ông Võ Văn Thưởng trao bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Báo Quân đội nhân dân vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm tổ chức Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý".
Là người trực tiếp theo dõi CTV trong 10 năm qua và tham gia Hội đồng chung khảo CTV trong nhiều năm gần đây, nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cho rằng, CTV không chỉ là “thương hiệu” của Báo QĐND, mà trở thành sự kiện được cả nước quan tâm, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội ghi nhận và đánh giá cao.
Theo nhà báo Hà Đăng, chủ đề và tên gọi của cuộc thi đã tự nó toát lên ý nghĩa xã hội to lớn. Đó là cái tên hết sức đúng, trúng, hấp dẫn, lôi cuối mọi người tham gia; giúp những người được tôn vinh dễ đón nhận, chia sẻ.
Ban tổ chức CTV đã vận hành CTV bảo đảm yếu tố về tính khách quan, cụ thể, chân thực của nhân vật, có sức nêu gương tự thân, không qua bàn tay nhào nặn của người viết; đội ngũ tác giả tôn trọng sự thật, lao động sáng tạo một cách nghiêm túc; Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo và cơ quan chủ trì tổ chức công tâm, khách quan trong đánh giá, lựa chọn trao giải... là những yếu tố bảo đảm cho CTV đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong những năm qua. Và đó cũng chính là nguyên nhân để nhà báo Hà Đăng tin tưởng vào những thành công mới của CTV trong thời gian tới.
Đông đảo các phóng viên, nhà báo có mặt đưa tin về sự kiện có chung nhận định: CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý” có ý nghĩa hết sức nhân văn và thiết thực, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà mặt trái của cơ chế thị trường tác động không nhỏ tới tâm tư, tình cảm, nhận thức của mỗi người.
Cuộc thi sẽ góp phần quan trọng trong phát hiện, tuyên truyền cái hay, cái đẹp, đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, tiếp thêm niềm tin yêu của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, quân đội và chế độ XHCN. Đây cũng là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Lễ kỷ niệm 10 năm phát động CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; tổng kết trao giải CTV lần thứ 9 và Chương trình giao lưu nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy” kết thúc, để lại những khoảng lặng và cảm xúc đan xen cho những người trong cuộc và khán giả cả nước.
Các tác giả, nhân vật được vinh danh rồi sẽ trở lại với cuộc sống thường ngày, nhưng âm hưởng, không khí từ buổi lễ này, sức mạnh nêu gương từ các nhân vật điển hình học tập và làm theo Bác-những tấm gương bình dị mà cao quý chắc chắn sẽ còn tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội đất nước.