Hoa

Trần Hữu Thăng 10/06/2018 02:00

Có lẽ ít có một thực thể vật chất nào lại được con người quan tâm đến từ khi còn ăn lông ở lỗ cho đến tận thập kỷ thứ 2 của thế kỷ thứ XXI.

Hoa

Ở các công trình khai quật Kim tự tháp cổ đại có cách đây hàng ngàn năm, thực thể ấy đã có mặt và gắn liền với các công trình xây cất lăng, mộ của các Pha ra ông, trên tường các khu lăng mộ, trên quan tài ... để trang trí, để tôn thờ.

Trong rừng sâu, núi thẳm, thực thể ấy đã có mặt hàng ngàn năm nay. Trong rừng nguyên thủy Amazon ở châu Mỹ hay trong những cánh rừng già nối liền với sa mạc ở châu Phi đầy rẫy sự chết chóc vì không có sự sống của con người, thực thể ấy vẫn ngang nhiên tồn tại.

Còn ở các xã hội văn minh hiện nay thực thể ấy là đối tượng nghiên cứu của hàng trăm ngành khoa học, nhờ nó mà đánh giá được lịch sử tiến hóa của loài người, nhờ nó mà cuộc sống hiện tại của con người thêm sắc mầu, thêm tươi đẹp, thêm ý nghĩa.

Thực thể vật chất ấy là Hoa.

Có người bạn bên ngành giáo dục kể lại câu chuyện sau đây: Một lần có Đoàn liên ngành đến dự giờ giảng mẫu của một lớp học sinh tiểu học. Trong lớp trang trí nhiều bình hoa rực rỡ rất vui mắt để chào đón khách và chúc mừng tiết giảng mẫu do một cô giáo giỏi của trường đảm nhiệm. Sau lời chào mừng các vị khách, cốt để làm cho không khí trong lớp náo nhiệt và thêm phần ấm cúng, cô giáo hỏi cả lớp sau khi giới thiệu nhiều loại hoa ở các bình:

- Hoa nở để làm gì? có em nào biết không?

Ông Hiệu trưởng giật mình vì câu hỏi. Trong đoàn cũng nhiều người kín đáo tỏ ra bối rối. Vì nếu câu hỏi là: “Tại sao hoa nở?”, “Người ta sử dụng hoa để làm gì?” thì có thể trả lời được. Còn đối với câu hỏi “Hoa nở để làm gì” thì thật khó trả lời quá. Rất may, cả lớp giơ tay xin trả lời. Nhìn các em học sinh 8, 9 tuổi hào hứng trả lời một câu hỏi đầy tính triết học, đoàn cấp trên dự giảng càng ngạc nhiên hơn nữa.

- Thưa cô, hoa nở để trang trí lớp học cho đẹp ạ.

- Thưa cô, hoa nở để đón các vị khách quý đến thăm lớp ta ạ.

Thôi thế là xong, may quá, ai cũng thấy nhẹ cả người.

Cách đây hơn 2000 năm, nhà triết học phương Đông cổ đại Tuân Tử (Năm 315 đến năm 236 trước Công nguyên) đã đặt câu hỏi: “Hoa lan chỉ mọc ở chốn rừng sâu là nơi không có con người, mà sao hương sắc vẫn tuyệt vời đến thế” (Chi lan sinh vu thâm lâm, phi dĩ vô nhân như bất phương). Để hiểu được câu này của Tuân Tử từ hàng ngàn năm qua, người đời đã tốn bao giấy mực để bình luận, để giải nghĩa, để chứng minh nhưng chả đi đến cái kết luận nào. Thôi cứ đành phải khai thác những danh ngôn về hoa ở những khía cạnh dễ hiểu hơn, có tính ứng dụng tích cực trong đời sống hàng ngày là tốt nhất, có ích nhất.

Hoa có tiếng nói,

hoa có linh hồn:

Nhà thơ Albert Samain (1859 – 1900) có một câu thơ bất hủ về vai trò kỳ diệu của các loài hoa khi ông viết: “Có những buổi chiều kỳ diệu/ Làm những đóa hoa cũng có linh hồn” (Il est d'étranges sois/où les fleurs ont une âme). Quả thực, trong đời sống hàng ngày hoa đã gắn bó với con người từ khi lọt lòng mẹ đến buổi yêu đương, hò hẹn, rồi đến khi trưởng thành, hoa đã gợi nhớ bao kỷ niệm êm đềm, thơ mộng. Lần về nước đón xuân mới, có người Việt kiều khẳng định rằng: “Hoa sen ở Việt Nam thơm hơn ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thành thử ra chỉ có “gạo sen” Việt Nam mới dùng để ướp thành công loại chè sen thượng hạng không ở đâu có được”.

Có ông già người Hà Nội vào nam sống với con, cứ đến mùa hoa sữa thế nào ông cũng phải ra Hà Nội, rồi đi thong thả bách bộ ở phố Nguyễn Du, phố Quang Trung để tận hưởng cái nồng nàn của hoa sữa và bao giờ ông cũng rẽ sang phố Lý Thường Kiệt để nhìn lại cái cổng sau của trường Trưng Vương, là nơi ông đã hẹn hò với cô nữ sinh Đồng Khánh 60 - 70 năm về trước. Chỉ lấy vài thí dụ nhỏ như thế đủ biết rằng thi sỹ Albert Samain đã đúng hoàn toàn khi xác định cái Linh hồn hoa sen, Linh hồn hoa sữa và biết bao cái Hồn hoa linh thiêng, bền chặt với con người nữa.

Hoa còn là những lời nói, những lời phát ngôn kín đáo mà hé lộ, lịch sự mà nồng nàn đắm đuối, đứng đắn mà siêu siêu sóng lòng người thiếu nữ. Đó là ta muốn nói đến Hoa hồng đỏ để tỏ tình, để cầu hôn, để xin người đẹp một cơ hội. Ai đó không dám bầy tỏ lòng mình, phải mượn bông hoa hồng nhung đỏ thắm để nói thay những ao ước, nói hộ những khát khao cháy bỏng. Chả thế mà tác giả Bishop Cox (1500 – 1581) đã khẳng định: “Hoa là những lời nói mà đến một đứa bé cũng có thể hiểu” (Flowers are words which even a baby may understand). Vì hoa là những lời nói dễ hiểu, nên trải qua năm tháng nó đã trở thành tượng trưng, thành biểu tượng, thành thông lệ trong đời sống con người, trong sinh hoạt hàng ngày của con người.

Ở những nơi thành kính, tôn nghiêm thờ phụng các đấng thiêng liêng, người ta trồng hoa đại vàng, đại tím, hoa ngọc lan, hoa ngâu, hoa mộc tượng trưng cho sự thanh khiết, cao cả. Cắm lên bàn thờ có hoa huệ, hoa cúc vàng, hoa sen đầy sự cao quý, tôn nghiêm.

Ra đường gặp một đám tang thấy toàn vòng hoa trắng các loại, ta ngậm ngùi cho một số phận con người còn trinh bạch, tuổi đời còn trẻ chưa có gia đình riêng. Đúng như thi sỹ Nguyễn Bính (1919 – 1966) đã mô tả một đám tang trinh nữ:

Sớm nay vô số lá vàng rơi,

Người gái trinh kia đã mất rồi...

... Theo sau một chiếc quan tài trắng

Và những bông hoa trắng rợn người.

Chao ôi, còn gì đáng buồn hơn “vô số lá vàng rơi” và “những bông hoa trắng rợn người” !

Hoa là hôm nay,

hoa là ngày mai:

Năm 2013, chúng tôi có được may mắn tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Thành lập Quỹ học bổng Quốc tế Takeda (Takeda Science Foundation) tại Osaka – Nhật bản. Đặc biệt hơn cả là trong lễ khai mạc một quỹ học bổng danh giá như thế, người ta lại mời một giáo sư Triết học trình bầy một bài về “Thân phận hoa Anh đào”. Nội dung bài thuyết trình tóm tắt như sau: “Tại nước Nhật Bản có rất nhiều cây hoa Anh đào trên các đại lộ ở thành phố, những khu rừng hoa Anh đào ở những vùng rừng núi, nông thôn. Mùa xuân hoa rực rỡ, muôn triệu ánh hồng tươi đẹp. Rồi đến mùa hạ, đến thu, đông, những cơn mưa tầm tã, rồi tuyết, rồi băng đã dập vùi hàng triệu triệu bông hoa xuống đất, xuống bùn, xuống sông, xuống hồ. Rừng hoa Anh đào xơ xác. Những rặng cây hoa Anh đào xơ xác. Nhưng kỳ lạ thay, khi mùa xuân lại đến, xác hoa Anh đào đã biến thành một thứ phân bón đặc biệt, hòa lẫn với đất trời lại tạo dựng một mùa hoa Anh đào mới rực rỡ hơn xưa, kỳ lạ hơn xưa.

Đó là quy luật về “Hoa – Phân bón – Hoa” được tóm tắt trong một danh ngôn cổ đại về hoa sau đây: “Hoa là sản phẩm nhờ có phân bón tốt, phân bón tốt là nhờ những cánh hoa bị mưa gió dập vùi” (La fleur est produite par le fumier et le fumier est produit par la fleur). Đây là một danh ngôn nổi tiếng thế giới về cái vòng luân hồi, vòng sinh tử giữa “Hoa – Phân bón – Hoa”. Về Nhân loại học, câu này mang ý nghĩa triết học trong quan hệ “Các bậc tiền bối – Con cháu”, quan hệ “Cha – Con” (Parents et enfants). Các thế hệ tiền bối ra đi, tình nguyện, tự giác làm phân bón có ích, phân bón xuất sắc cho các thế hệ con cháu phát triển hơn, mạnh mẽ hơn.

Hoa - 1

Sau khi dự Hội thảo về Quỹ học bổng Quốc tế Takeda ra về, chúng tôi tự thấm thía: Sự học hỏi thật bao la, vô bờ bến. Ban tổ chức mời một giáo sư triết học nói về hoa Anh đào, cũng tức là nói về học bổng Takeda. Trong 50 năm qua, nhờ có quỹ học bổng này mà hàng ngàn các bác sỹ, dược sỹ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam ta, đã được đến Nhật Bản học tập, để bồi dưỡng nghiệp vụ Y, Dược. Sau khi các bác sỹ, dược sỹ này về nước, nhờ có thêm kiến thức và tay nghề chuyên môn đã phục vụ tốt hơn cho người dân nước họ. Ôi, cao quý thay cái lý thuyết “Hoa – Phân bón – Hoa” mà tôi được học hỏi ở Osaka ngày đó mãi mãi nhắc nhở tôi về sự dâng hiến, sự khiêm nhường của bông hoa Anh đào quý giá, của Takeda đáng kính trọng và của nước Nhật Bản có cách cúi đầu chào rất thấp để cho đi, để đóng góp cho văn minh nhân loại một cách âm thầm, lịch sự và khiêm nhường.

Đôi lời kết của

trang viết về hoa:

Hoa cũng như chiếc mề đay, bao giờ cũng có 2 mặt: mặt phải và mặt trái.

Hoa là vật trang trí cao cấp, tinh khiết, cao quý. Nhưng nếu đặt nhiều hoa trong một căn buồng kín lại chính là phương thức tự tử của các mệnh phụ phu nhân chán đời, bế tắc ở thế kỷ XVIII.

Người Pháp cổ có 2 câu thành ngữ nên chú ý ghi nhận:

Câu 1: ”Cùng trên một bông hoa, con ong hút nhụy hoa làm mật, con rắn độc hút nhụy hoa làm nọc độc” (De la même fleur, l'abeille tire son miel et le serpent son venin).

Câu 2: “Trên cùng một vòng hoa, có nhiều loại không giống nhau” (Toutes les fleurs ne sont pas dans une guirlande).

Thì ra, cuộc đời đích thực là một lựa chọn liên tục, kể cả khi tưởng là chỉ có hưởng thụ cũng đừng quên quan tâm đến mặt trái của nó!

Trần Hữu Thăng