Chuyện trung đoàn 'Rồng Lửa'

Thiếu tá Shelomytov Gennadi Yakovlevich (Đăng Bẩy dịch) 10/06/2018 12:10

Được tạm gác việc bảo vệ vùng trời Thủ đô Moskva, Trung đoàn tên lửa phòng không 260 của chúng tôi nhận nhiệm vụ quốc tế, xuất phát từ Bryansk tháng 3-1966, nghĩa là sau 8 tháng kể từ khi dùng tên lửa phòng không bảo vệ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chuyện trung đoàn 'Rồng  Lửa'

Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn tên lửa phòng không 274 của Việt Nam. Giữa các binh sĩ Việt Nam, tác giả ở hàng đứng,
thứ 3 từ trái sang. (Việt Nam, 10/7/1966)


Nhận nhiệm vụ đặc biệt
Toàn Trung đoàn gồm 600 người: 4 tiểu đoàn cơ động S75-Dvina (ở Việt Nam, tổ hợp tên lửa phòng không này thường được gọi là SAM-2), mỗi tiểu đoàn 100 người phục vụ, ngoài ra còn tiểu đoàn kỹ thuật và tiểu đoàn điều hành cũng đều có 100 người.

Lính Trung đoàn tên lửa phòng không 260 được tập hợp từ khắp Liên bang Xô viết: người Tashkent, người Ural, người Baku, người Moskva. Chúng tôi sang Việt Nam bằng máy bay chính phủ Il–18 từ sân bay tầm xa đặt tại địa phương Sescha ở khu vực Bryansk. Đầu tiên hai chiếc cất cánh, sau đó hai chiếc nữa. Đặt chân đến Việt Nam, thoạt đầu không ai trong chúng tôi biết rành những gì sẽ đến với mình, nhưng không hề có cảm giác sợ hãi. Chúng tôi thấy mình là người làm chủ tình thế.

Trước đó, Mỹ tiến hành suốt ngày suốt đêm những chuyến bay trong mọi thời tiết ở độ cao 20-25 km, vậy mà tầm bắn của pháo cao xạ ta chỉ đạt tới 10 km là cùng. Bọn phi công Mỹ thoải mái tung hoành, thả hết bom lại quay về căn cứ gần đấy bên Thái Lan, Nhật Bản, hoặc về hàng không mẫu hạm đậu ngoài biển Đông để tiếp nhiên liệu hoặc cơ số bom mới. Nhưng rồi phi công của họ phải hoàn toàn bất ngờ bởi những phát tên lửa đầu tiên. Tên lửa của ta đã ép họ xuống gần mặt đất hơn, nhưng khi chúng tôi đến, họ đã học được cách đối phó:

1. Mỹ chuyển sang bay thấp, chỉ vào ban ngày nắng ráo và gần vùng núi để nếu tên lửa rời bệ phóng sẽ dễ lẩn trốn. Tổ hợp tên lửa S-75 với tầm bắn từ 3 đến 30 km chưa quen để hạ những mục tiêu bay thấp, mặc dù trong quá trình sử dụng tại Việt Nam đã được hoàn thiện hơn theo hướng đó, nên tình hình trở nên phức tạp.

2. Trong máy bay Mỹ đã lắp thiết bị phát tín hiệu cảnh báo phi công nếu rơi vào tầm và tần sóng vô tuyến của trạm phóng sau khi tên lửa xuất phát.

3. Mỹ đã bắt đầu sử dụng rộng rãi tên lửa tự hành Shrike nhằm vào chỗ phát sóng cực mạnh, tức ăngten của máy phát sóng từ trạm phóng tên lửa nằm ở trung tâm trận địa phòng không.

4. Mỹ bắt đầu sử dụng bom bi gây thương vong hàng loạt cho binh sĩ ta.

5. Cùng với bom nổ chậm thông thường, họ sử dụng rộng rãi tên lửa tự điều khiển Bullpup.

6. Trong trường hợp phát hiện ra trận địa phòng không, phi công của họ được phép đánh trả thay vì nhiệm vụ đã giao trước đó.

Chuyện trung đoàn 'Rồng  Lửa' - 1

Sau khi hưu trí, ông Shelomytov Gennadi Yakovlevich có nhiều năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh ở Việt Nam của khu vực Moskva.

Nhiệm vụ của chuyên gia Liên Xô là huấn luyện Trung đoàn tên lửa 274 của Quân đội Nhân dân Việt Nam biết tự đánh trả máy bay Mỹ trong lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Một cán bộ trung đoàn là thiếu tá Lung từng tốt nghiệp Học viện Thông tin liên lạc quân sự Leningrad và sõi tiếng Nga.

Đến Việt Nam, chúng tôi truyền đạt lý thuyết được hai tháng thì cũng vừa lúc khí tài từ Liên Xô chuyển đến và triển khai trên thực địa. Các trận địa chưa được trang bị đủ về kỹ thuật, chúng tôi phải dàn trận trên đồng lúa, ven làng mạc, có khi tại chính nền móng của những ngôi nhà bị bom Mỹ phá. Không có điều kiện đạt đủ sáu bệ phóng, chúng tôi thường chỉ đặt được 3-4 bệ.

Trong vòng một tháng, chúng tôi đích thân điều khiển, bộ đội Việt Nam đứng bên quan sát từng thao tác của chúng tôi, lĩnh hội kinh nghiệm. Sau đó bộ đội Việt Nam tự tay điều khiển, chúng tôi chỉ đứng giám sát ở sau lưng họ. Cứ thế độ 3-4 tháng. Tùy theo mức độ kinh nghiệm thu được của người Việt Nam, từng nhóm chuyên gia lần lượt rút về nước, cuối cùng chỉ còn một nhóm nhỏ của kỹ sư trưởng A. Ya. Petrov gồm 11 chuyên gia của đủ các hệ thống ở lại trung đoàn để chỉnh sửa những trục trặc mới nảy sinh, kiểm tra các hệ thống sau khi di chuyển trận địa.

Lần đầu tiên chúng tôi triển khai trận địa bao bọc bầu trời Hà Nội, sau đó phải liên tục thay đổi chỗ đóng quân. Sau mỗi lần phóng là phải di chuyển ngay sang trận địa khác, bởi máy bay Mỹ có thể phát hiện và dội bom bất cứ lúc nào. Trận địa nào bị phi công Mỹ phát hiện thì ngay hôm sau, có khi chỉ hai giờ sau thể nào cũng dính mưa bom, cho nên ở lại chỗ cũ là rất nguy hiểm. Nếu phát hiện ra chúng tôi, ngay cả những máy bay được giao nhiệm vụ khác cũng lập tức quay lại gây áp lực. Nói chung, chúng tôi sống ngày đêm trên ô tô. Chúng tôi thường đặt bệ phóng ở những vị trí rất khiêm nhường – thực sự chơi trò mèo vờn chuột với người Mỹ.

Những lần tung “Rồng Lửa”

Tiểu đoàn chúng tôi, do thiếu tá I. V. Volodin chỉ huy, là đơn vị đầu tiên của trung đoàn nghênh chiến địch. Đấy là tháng 5-1966, chúng tôi triển khai trận địa ở các cửa ngõ Hà Nội che chắn Thủ đô trước sự không kích, nhưng điều kiện địa hình chỉ cho phép đặt ba bệ phóng. Phi vụ bắt đầu ngay sau bữa trưa. Thời tiết nắng ráo, tầm nhìn tuyệt vời. Mục tiêu bay ở tầm thấp được phát hiện kịp thời trên màn hình. Khi chúng lọt vào tầm bắn, chúng tôi được lệnh phóng hai quả. Vì bay gần một dãy núi nên phi công kịp làm vài thao tác tránh tên lửa rồi lẩn vào sau núi. Chúng tôi mất tong hai quả.

Trong cuộc chiến đấu với máy bay Mỹ, chúng tôi sử dụng loại tên lửa phòng không tầm trung 11-D. Quả tên lửa này có chiều dài gần 11 mét, đường kính nửa mét, trọng lượng hai tấn. Đấy là tên lửa hai tầng, khi tiến hành bệ phóng, đầu tiên phải bật động cơ khởi hành, chỉ vài giây sau tầng một tách ra và rơi thì mới bật động cơ khởi hành tiếp tầng hai. Tên lửa bay đến tận mục tiêu theo sự xác định của trạm điều khiển. Trong luyện tập ở thao trường, nếu để tên lửa cách xa mục tiêu quá 150 mét thì chỉ được điểm hai – bắn kém. Trong đó có lắp thiết bị điều khiển để khi tới gần đích thì tên lửa phát nổ, làm văng 200 kg mảnh kim loại ra tứ phía khiến mục tiêu không thể thoát. Từ lúc xuất phát đến lúc tiêu diệt mục tiêu, tất cả chỉ diễn ra trong một phút.
Sau khi xuất phát, tên lửa thường tạo thành cột khói bụi cao 25-30 mét, đấy là định hướng ngon lành cho bom dội trúng đích. Ba chiếc máy bay lao tới, chiếc đầu dẫn lối cho chiếc sau, và chiếc thứ hai thả xuống 5 quả bom nổ chậm, một quả rơi trúng chỗ cột khói, tạo thành một hố sâu 7-8 mét, đường kính khoảng 15 mét. Mấy quả bom khác nằm trên một vệt dài 75 mét. Một lượng đất đá đồ sộ bị hất lên không trung rồi ập xuống chúng tôi. Cảnh tượng như trong phim chúng tôi đã có lúc được xem – tiếng nổ hòa bình khi xây đập chắn hồ thủy điện.

Giữa lúc đó, từ chỉ huy sở có lệnh chở gấp tên lửa mới đến và nạp luôn vào tổ hợp. Từ chỉ huy sở không thấy rõ điều gì xảy ra bên ngoài, còn ở đây, đường đi bị khoét những hố sâu hơn 7 mét, để chuyển và nạp tên lửa phải làm lại đường.

May, gió mạnh đã kịp chuyển cột khói bụi sau khi tên lửa xuất hành dịch xa 50 mét khi máy bay Mỹ lại đến oanh tạc. Nếu trời lặng gió, chúng tôi đã chẳng còn gì.

Nhìn những hố bom, nhận thức được chuyện đã xảy ra, chúng tôi nghĩ về cái chết lởn vởn cận kề, những điều ắt sẽ đến với mình sau khi phóng tên lửa dẫu đã ngụy trang kỹ lưỡng mà vẫn trở thành mục tiêu có thật hấp dẫn cánh phi công.

Ba giờ sau, đại tá V. V. Fedorov chỉ huy trung đoàn chúng tôi đến. Nhìn trận địa bị bom, ông bảo chúng tôi “số vẫn còn son”.

Ở Việt Nam, sau khi mặt trời lặn thì tối rất nhanh, thừa cơ, chúng tôi tháo rỡ và xếp tất cả lên xe, hành quân đến trận địa mới. Theo trình tự, sau mỗi lần phóng, nhất thiết chúng tôi phải thay đổi trận địa.

Về sau này, với cánh quân nhân chúng tôi, phóng tên lửa chỉ là công việc thường nhật, đích thân nếm trải những trận tên lửa tự hành dạng Shrike và bom bi vãi như vụn kính vỡ.

Trong tiểu đoàn do thiếu tá S. T. Vorobiev chỉ huy, sau khi nhắm mục tiêu và phóng đi, người điều khiển thấy trên màn hình lóe lên và rời điểm xuất phát, lập tức báo cáo:

- Phát hiện Shrike! Đang nhằm vào ta!

Trong khi người phiên dịch trao đổi nhanh với vị chỉ huy phía Việt Nam để ăngten điều chỉnh sóng, Shrike bay đến càng gần bệ phóng, trung úy Vadim Scherbakov đã tự quyết và chuyển hướng phát sóng từ ăngten. Chỉ 5 phút sau, tiếng nổ lớn làm vỡ cánh cửa buồng đặt ăngten phát, mảnh kính vỡ khiến một thao tác viên người Việt bị hy sinh, cây cối cạnh đấy như bị máy cưa xén đứt, cả chiếc lều bạt để tiểu đoàn trú quân chỉ còn lại một mảnh nhỏ bằng chiếc khăn chùi mũi. Cũng may, những người còn lại đều sống cả.

Trong trường hợp Shrike phát nổ, bom bi sẽ tung tóe khắp trận địa, văng cả vào quả tên lửa trên bệ phóng, đầu đạn tên lửa nặng 200 kg sẽ nổ tung cùng với chất oxy hóa và nhiên liệu, nổ luôn cả những quả tên lửa ở các trạm điều khiển khác. Toàn bộ phần kim loại sẽ biến thành cong queo lỗ chỗ do sức phá từ trong ra. Nhiên liệu của tên lửa mà bùng cháy thì cực độc, nói thẳng ra, tình cảnh không dễ chịu chút nào.

Chúng tôi cũng học cách đối phó với Shrike: hễ phát hiện ra nó là phải lái ngay sóng ăngten lên trên hoặc sang bên và Shrike theo luồng sóng phát cực mạnh cũng di chuyển theo những hướng ấy. Sau đó lập tức tắt máy phát sóng ăngten thì Shrike sẽ mất thứ tín hiệu giúp nó tự tìm đến mục tiêu, bộ phận lái của nó bị đơ, nó sẽ tiếp tục bay như viên đạn mất điều khiển bình thường và rơi chệch mục tiêu ban đầu 1,5-2 km. Khi đó, ta giữ được an toàn cho tiểu đoàn, nhưng phải hy sinh những quả tên lửa đã phóng. Chúng tôi tự học được như thế và truyền lại cho bộ đội Việt Nam chiến đấu với một đối thủ thực tế và mạnh mẽ.

Thời gian đó, máy bay Mỹ tập trung oanh tạc những mục tiêu chiến lược quan trọng của miền Bắc Việt Nam, chúng bắt đầu ngụy trang bằng thứ làm nhiễu sóng radar được trang bị riêng cho những máy bay ném bom chiến lược hạng nặng như B-47 và B-52. Liên tục bay dọc biên giới Việt – Lào và Campuchia, chúng rải nhiễu, cản trở các trạm tên lửa của ta trong việc phát hiện mục tiêu. Trong điều kiện ấy, máy bay Mỹ có thể thực hiện nhiệm vụ chuyến bay của mình mà không bị trừng phạt.

Để cắt đứt chiến thuật của bên Mỹ, phải diệt những máy bay rải nhiễu. Mùa Thu 1966, trung đoàn chúng tôi cử một tiểu đoàn đến giăng bẫy ở sát biên giới với Lào để đón chiếc máy bay tại nơi nó không ngờ tới. Chuyển quân bí mật, vào ban đêm, xe tắt đèn để địch không thể phát hiện. Mất hai tuần hành quân qua một chặng gian khổ hàng mấy trăm kilometr đường núi nham nhở hố bom, tiểu đoàn tên lửa chúng tôi tỏa vào rừng, ngụy trang khí tài cẩn thận và chờ địch.

Một hôm, xuất hiện chiếc máy bay do thám tầm xa RB-47 rải nhiễu được 10 chiếc máy bay ném bom F-105 và máy bay cường kích A-4D tháp tùng. RB-47 có đầy đủ các thiết bị vô tuyến với phi hành đoàn khoảng 15 người, giá rất đắt, nên phải bảo vệ hết sức cẩn thận. Nhưng người Mỹ vẫn bất ngờ khi gặp ta tại một cửa ngõ từ xa.

Các thao tác viên tóm gọn chiếc RB-47 trên màn hình rồi lần lượt phóng ba quả tên lửa. Mục tiêu bị xóa. Cũng may, trong hỗn loạn, dàn máy bay hộ vệ không phát hiện để bỏ bom chúng tôi.

Vào đúng thời gian chúng tôi diệt máy bay do thám thả nhiễu, Mỹ tiếp tục ném bom tập trung vào những mục tiêu chiến lược ở khu vực Hà Nội và những vùng khác của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các phi công Mỹ cho rằng mọi việc diễn ra theo kế hoạch và họ có thể được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không ngại tên lửa phòng không, cứ hoàn thành các chuyến bay của mình mà không bị trừng phạt.

Và ở chỗ không cần che giấu, họ đã nhầm to: các tiểu đoàn tên lửa phòng không đã làm việc rất tích cực, trong một ngày hạ hơn 10 máy bay Mỹ. Sau nghi lễ mặc niệm vì tổn thất lớn như thế, các phi công Mỹ bắt buộc có đoạn nghỉ khá dài.

Sau thời gian thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ở Việt Nam, trung đoàn đã phát hỏa 43 lần, hạ 25 máy bay Mỹ đủ các loại F–101, F–104, A–4D... Ấn tượng nhất là trận đánh ngày 26 tháng 10 năm 1967. Trên bầu trời Hà Nội, khi máy bay cường kích ném bom A-4E Skyhawk bị một tên lửa bắn hạ, viên phi công lái nó đã gặp may và sống sót. Đó là thiếu tá Không quân của Hải quân Mỹ John McCain, trước đó đã có 22 chuyến bay oanh tạc trót lọt, về sau trở thành một thượng nghị sĩ có thanh thế trên chính trường Mỹ. Trong đội hình Phi đoàn Tấn công 163, máy bay của ông ta xuất phát từ hàng không mẫu hạm USS Oriskany vào ném bom Hà Nội. Theo tôi nhận định, thì bản thân máy bay của ông ta không phải trúng đạn trực tiếp, mà tên lửa của ta phát nổ gần ngay cạnh nên bị hạ vì những mảnh kim loại văng ra. John McCain gặp may ở chỗ rơi xuống hồ nước, tuy gãy chân tay khi phóng ra khỏi máy bay, nhưng lọt vào tay bộ đội chính quy Việt Nam.

Thời thanh niên sôi nổi

Chúng tôi cũng phải nếm trải bom bi là như thế nào. Trong một lần oanh tạc ngôi nhà chúng tôi đang trú quân, chúng thả một thùng bom bi, nó nổ ở độ cao 500 mét trên mặt đất, tung ra 300 quả bom bi mẹ, rơi xuống mái nhà và xung quanh. Khi bị va đập, từ mỗi quả bom bi văng ra tứ phía hàng trăm viên đạn bi đường kính 3-4 mm. Mọi người trong nhà phải nằm ép sát sàn, bom bi nổ kéo dài vài phút. Đạn bi bay vào cánh cửa, găm cả vào tường và trần nhà. Nhà hai tầng, nên bom nổ khi chạm mái chẳng nhằm trúng ai, người ở ngoài đường thì kịp nấp sau những trụ những tường. Thùng đựng nước uống biến thành vòi sen tuôn ra những tia nước trong suốt. Trung úy Nikolai Bakulin ở ngoài đường khi bom bi rơi, mới 24 tuổi mà sau đó tóc lốm đốm bạc.

Một nửa thùng bom bi dài 2.100 mm, đường kính 300 mm cắm phập vào chỗ đất trước cửa nhà, oằn cong về phía chúng tôi. Khi tất cả đã yên, chúng tôi đi ra ngoài nhà, nhác thấy nó cứ tưởng thùng bom chưa nổ. Sau khi hiểu đấy là thùng bom rỗng, chúng tôi bèn đặt lên giường nằm của chỉ huy rồi đắp chăn lên, để đùa. Từ vị trí chỉ huy, tiểu đoàn trưởng thấy bom rơi vào ngôi nhà lính mình đang ở, nghĩ rằng nhiều người đã hy sinh. Nhưng chúng tôi gặp may, khi tiểu đoàn trưởng từ chỗ trực ban về nhà, chúng tôi đón bằng màn đồng ca đệm accordion: “Nếu có chết thì eo ôi sớm quá, chúng ta còn khối việc đợi ở nhà”... Khi phát hiện vật lạ trên giường mình, vị chỉ huy cùng chúng tôi cười.

Sau một trong số trận bom như thế, Sasha Gusev - một sĩ quan của chúng tôi – đã viết thành bài ca. Ca khúc đi cùng chúng tôi khắp nơi, khắp chốn.

Tên lửa vẽ thành vệt trên trời
Đã mấy lần, liên hồi,
Ai một lần trong đời phải thấy,
Lũ “Thần Sấm” thả bom.
Đất sâu hoắm như là hố móng,
Chúng tôi biết là không đơn giản
Đứng giữa đổ nát tan hoang
Bên cầu Thái Nguyên.
Nếm trải rồi những ngón đòn “Shrike”,
Trên đầu bom bi phát nổ,
Chỉ khiến chúng tôi siết chặt nhau hơn nữa
Tình đồng đội không gì chắc bền hơn.
Không gì chắc bền hơn tình của lính chiến trường...

Chúng tôi, khi ấy mới là những viên trung úy 20-25 tuổi và những cậu lính trơn hoặc trung sĩ tuyển chọn cấp tốc còn trẻ tuổi hơn đã thu thập được kinh nghiệm chiến trường, đích thân chiến đấu và rèn luyện lính tên lửa Việt Nam tự lực chiến đấu, để trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng biết chiến thắng quân thù.

Dần dần chúng tôi trở thành người thợ bình thường của chiến tranh, ngay cả trong những hoàn cảnh rất khó khăn phức tạp, chúng tôi cũng vui đùa, làm thơ và ca hát, không nghĩ rằng mình có thể không sống sót về nhà, nơi những người thân thích ruột rà đang trông ngóng. Trong thời gian đó, họ đâu có biết chúng tôi ở đâu, riêng mẹ tôi thì chỉ lờ mờ phỏng đoán. Trước khi sang Việt Nam, chúng tôi được căn dặn nghiêm khắc rằng đây là sứ mệnh tuyệt mật, và trong thời gian khá dài, tất cả chúng tôi đều coi rằng chẳng bao giờ lại có thể như thế. Nhưng tất cả đã có thật trên thực tế.

Trung đoàn tên lửa phòng không 260 thuộc Quân chủng Phòng không Bộ Quốc phòng Liên Xô đặt đại bản doanh tại Bryansk là trung đoàn duy nhất của Liên Xô được cử trọn vẹn một đơn vị sang giúp Việt Nam.

Với riêng tôi – chỉ huy một tiểu đoàn thuộc trung đoàn tên lửa phòng không 260, chuyến biệt phái ở Việt Nam kết thúc vào tháng 4-1966, khi ở trung đoàn tên lửa phòng không Việt Nam 274 có nhóm chuyên gia 11 người đến kế tiếp thực thi công việc của chúng tôi. Khi sang Việt Nam, tôi là thượng úy, 13 tháng sau, tôi rời bên đó với lon đại úy.

Chuyện trung đoàn 'Rồng  Lửa' - 2

Thiếu táShelomytov Gennadi Yakovlevich (Шеломытов Геннадий Яковлевич)

Sinh ngày 9/3/1940 tại Kronshtadt. Tốt nghiệp trường Kỹ thuật quân sự Pribaltic thuộc Quân chủng Phòng không Liên Xô (1960), ra trường làm Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn huấn luyện của Quân đoàn 4 rồi chỉ huy Tiểu đoàn huấn luyện tên lửa 260 thuộc quân khu Bryansk. Trong đội hình đó, tham gia chiến đấu tại Việt Nam (3/1966 - 4/1967). Năm 1972 tốt nghiệp Học viện Pháo binh Dzerzhinsky ở Moskva rồi phục vụ tại Trạm trắc đạc mặt đất thuộc Tổ hợp Trắc đạc - Chỉ huy ở Yakutsk. Từ 1976 đến 1990 là kỹ sư trưởng Viện nghiên cứu Thông tin liên lạc.

Được tặng huân chương Sao Đỏ và 14 huy chương, trong đó có huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

Sau chiến tranh, tôi trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2005 trong dịp kỷ niệm 30 năm kể từ ngày toàn thắng. Chúng tôi được đưa đi thăm khắp Việt Nam, cả miền Bắc, cả miền Nam. Sau đó, năm 2009 tôi lại sang nữa. Rất là thích thú khi thấy dọc bờ biển đã mọc lên hàng loạt tổ hợp khách sạn, nhà hàng. Tất nhiên, ngắm những khu ăn chơi đó, tôi không thể không nhớ về những năm 1960, khi chúng tôi triển khai những tổ hợp tên lửa phòng không S75-Dvina, mà người Việt Nam thường gọi là SAM-2.

Thiếu tá Shelomytov Gennadi Yakovlevich (Đăng Bẩy dịch)