Kỷ niệm 80 năm ngày mất thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp (1938 - 2018): 'Tưởng người nên lại thấy người về đây'…
Trong các thi sĩ của phong trào Thơ Mới (1932 - 1945), Nguyễn Nhược Pháp là người qua đời khi tuổi còn trẻ nhất. Nếu như Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) hưởng dương 28 tuổi, Bích Khê (1916- 1946) hưởng dương 30 tuổi thì Nguyễn Nhược Pháp từ giã trần gian khi mới chỉ 24 tuổi đời, vừa tròn hai vòng con giáp, sinh và mất đều vào những năm Dần: Giáp Dần (1914) và Mậu Dần (1938).
Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp.
Cũng trong các thi sĩ lãng mạn đương thời, Nguyễn Nhược Pháp là người làm thơ ít hơn cả, tập thơ duy nhất “Ngày xưa” (in năm 1935) chỉ vỏn vẹn có 10 bài. Thế nhưng như Hoài Thanh đã viết trong những lời mở đầu giới thiệu về thơ ông: “ Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp”. Còn theo ý kiến của tôi, chỉ cần với một tập “Ngày xưa” thôi, Nguyễn Nhược Pháp đã tạo dựng được một thế giới thơ thật riêng biệt, một không khí riêng biệt, không lẫn vào với bất kỳ tác giả nào cùng thời.
Một ấn phẩm đặc biệt chưa từng có
Trong lịch sử xuất bản thơ ca Việt Nam hiện đại từ trước đến nay, có lẽ chưa bao giờ có một tập thơ mỏng như vậy, với số lượng thi phẩm chỉ đúng 10 bài. Ấn bản đầu tiên của “Ngày xưa” do Nguyên Dương in năm 1935. Tròn 80 năm sau (2015), Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam tái bản lại tập thơ này với phần phụ bản minh họa của Lý Thu Hà, trên khổ giấy 18 x 22,5cm, ấn phẩm cũng chỉ dày đúng 50 trang. Mười bài trong tập “Ngày xưa” theo thứ tự có các nhan đề như sau: Sơn Tinh Thủy Tinh, Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy, Tay ngà, Mỵ Ê, Một buổi chiều xuân, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, Đi cống, Mây và Chùa Hương.
Tại sao tên tập thơ lại là “Ngày xưa” dù trong tập không có một bài nào tên như vậy? Bởi vì, Nguyễn Nhược Pháp đã “làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tràng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những sắc màu tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh” (Thi nhân Việt Nam).
Cũng theo cảm nhận của Hoài Thanh, thơ Nguyễn Nhược Pháp “lúc nào hình như cũng thoáng thấy một bóng người đang khúc khích cười”. Nhưng theo tôi câu chuyện không hẳn như vậy. Ý thứ nhất của Hoài Thanh thì đúng. Đọc qua nhan đề các tác phẩm, có thể thấy ngay có tới 6/10 bài thơ lấy cảm hứng từ những câu chuyện trong lịch sử, gắn với những nhân vật lịch sử, đó là Sơn Tinh Thủy Tinh, là Mỵ Châu Trọng Thủy, là nàng Mỵ Ê, là chuyện đi cống đi sứ, là Lê Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống. Chỉ 4 bài là mang âm hưởng của đương đại, của thời kỳ tác giả đang sống: Tay ngà, Một buổi chiều xuân, Mây và Chùa Hương. Trong đó, Chùa Hương theo ý tôi là thi phẩm hòa trộn hai gam màu vừa cổ điển vừa hiện đại. Đây cũng là bài thơ nổi tiếng nhất của Nguyễn Nhược Pháp bởi có đến hai bản phổ nhạc: bản phổ của GS Trần Văn Khê và bản phổ của NSƯT Trung Đức.
Chùa Hương cũng chính là một trong hài bài thơ được Hoài Thanh – Hoài Chân chọn đưa vào tuyển tập Thi nhân Việt Nam bên cạnh bài Tay ngà, cũng là một thi phẩm ngũ ngôn đầy trong trẻo và mơ mộng: Đêm nay chờ trăng mọc/Ngồi thẩn thơ trong vườn/Quanh hoa lá róc rách/Như đua bắt làn hương (…) Ta còn đang luyến mộng/Yêu bóng người vẩn vơ/Tay ngà ai phủ trán?/ Hiu hắt ánh giăng mờ… Trở lại với ý thứ hai của Hoài Thanh mà tôi chưa đồng tình, tôi cho rằng thơ Nguyễn Nhược Pháp không chỉ có những “tươi vui”, “ngộ nghĩnh”, “khúc khích cười”; thơ ông còn có cả không ít những buồn thương, chia lìa, xót xa, đắng đót. Hãy xem ông viết về cái chết của Mỵ Châu và nỗi đau đớn của Trọng Thủy: Đêm đêm gió khóc thổi ru cành/Núi bạc âm thầm, bể uốn xanh/Hiu hắt Mỵ Châu nằm, giăng phủ/Ầm ầm sóng thảm vỗ vờn quanh(…) Thiêm thiếp ai bên đường hỡi ôi!/Chàng ôm khóc nghẹn chẳng ra lời/ Đầu non mây bạc êm đềm phủ/Phơn phớt hồn em bay, ngậm cười… Ông viết về sự quyên sinh của nàng Mỵ Ê: Thân liễu gieo đưa chìm vực biếc/Lời thương bay lảnh động rừng vang/Hoa trôi. Thành cũ vờn mây lửa/Lau gợn. Chùa cao gió tiếng vàng. Và nỗi u sầu yếm thế khi tả làn mây: Khi thấy hồn người thân/Nhìn mây lệ khôn cầm!/Trên bầy xe tứ mã/Tiếng bánh lăn âm thầm(…) Ngày nay ta nhìn thấy/Mây đen luồng gió lay/Hồn xưa tìm chẳng thấy/Tóc theo luồng gió bay… Như vậy, thơ Nguyễn Nhược Pháp dường như là sự hòa quyện của cả hai dòng cảm xúc đối lập: vừa tươi tắn trong trẻo nhưng cũng vừa bi thương não nùng.
Những câu chuyện đời
Sẽ thật thiếu sót nếu kể về người thơ mà không nhắc gì đến lịch sử gia đình của ông. Thân phụ Nguyễn Nhược Pháp chính là học giả - nhà báo – nhà hoạt động chính trị danh tiếng Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), người đã sáng lập tờ Đăng Cổ Tùng Báo (1907) là tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ. Ông còn giữ vị trí chủ bút của một số tờ báo khác như Trung Bắc Tân Văn và Đông Dương Tạp chí. Nguyễn Văn Vĩnh là nhà báo đã dũng cảm thể hiện những tiếng nói mang tính phản biện gay gắt với chính quyền thực dân đương thời nên cuối đời rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bị tịch biên gia sản và chết ở bên Lào khi đang đi tìm vàng với mục đích trả nợ.
Nguyễn Nhược Pháp có một tuổi thơ khá đặc biệt khi ông là con của người vợ không hôn thú. Cái tên của thi sĩ gắn với sự kiện thực dân Pháp bị quân Đức đánh bại nhiều trận thê thảm trong thời kỳ đầu của đại chiến thế giới I (1914). Năm Nhược Pháp được 2 tuổi thì mẹ ông, bà Phan Thị Lựu đã tự tìm đến cái chết khi phát hiện ông Nguyễn Văn Vĩnh có thêm người phụ nữ thứ ba. Khi bà Lựu qua đời, cậu bé mới 2 tuổi đầu ấy đã được người vợ cả đón về phố Mã Mây, nuôi ăn học, trở thành một người anh đầy tin tưởng, gương mẫu, đẹp trai, học giỏi của những đứa em. Một người anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Nhược Pháp là Nguyễn Giang (1910 - 1969) cũng là một trong những thi sĩ được Hoài Thanh giới thiệu và đăng thơ trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam.
Thời kỳ học phổ thông ở ngôi trường nổi tiếng Đông Dương Albert Sarraut, Nguyễn Nhược Pháp chơi thân với Phạm Huy Thông (tác giả Tiếng địch sông Ô, cũng là một thi sĩ trong Thi nhân Việt Nam). Hai thi sĩ sau này còn tiếp tục học cùng nhau ở Đại học Luật, cùng có nhiều hoạt động văn chương nghệ thuật với nhau. Từ khoảng những năm 1930 trở đi, khi kinh tế gia đình Nguyễn Văn Vĩnh gặp nhiều khó khăn, Nguyễn Nhược Pháp ngoài thời gian học ở trường đã đi làm thêm ở tòa soạn báo An Nam mới, vừa viết báo vừa làm thơ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Chính ở thời kỳ này, ông đã gặp gỡ và có thêm những mối giao tình với các nhân vật sau này đều trở thành những thi sĩ tài danh, đó là Thế Lữ và Nguyễn Bính. Cái chết đột ngột của Nguyễn Văn Vĩnh năm 1936 cùng sự ra đi của hai chị gái, một anh trai đã khiến Nguyễn Nhược Pháp đau buồn tới mức suy sụp rồi mắc bệnh lao hạch – một căn bệnh được coi là nan y của thời bấy giờ.
Ngày 19 tháng 11 năm 1938, người thi sĩ tuổi còn hoa niêm trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Đồn Thủy (Hà Nội), thi hài ông được mai táng lúc đầu ở nghĩa trang Hợp Thiện, Quỳnh Lôi, Mai Động; về sau được bốc mộ về làng Phượng Dực, quê cha. Năm 1989, Nguyễn Nhược Pháp được công nhận là danh nhân văn hóa Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây (cũ) đã dựng bia tại cụm nghĩa trang với dòng chữ: Khu mộ danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh – Nguyễn Giang – Nguyễn Nhược Pháp. Tuy vậy, trong bối cảnh thực tế lúc ấy, hài cốt Nguyễn Nhược Pháp đã bị thất lạc. Mãi tới hơn 20 năm sau, vào ngày 17/12/2011, cùng với sự tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình mới tìm thấy phần hài cốt của người thi sĩ bạc mệnh và đưa về quy tập vào khu nghĩa trang chung vào buổi chiều ngày 22/12/2011.
Khi Nguyễn Nhược Pháp vừa qua đời, thi sĩ chân quê Nguyễn Bính đã viết bài thơ cảm động khóc viếng ông: Buồn xao xuyến quá sương mù/Buồn xao xuyến quá, mùa thu vừa tàn/Ai đem bứt hết lá vàng/Dệt làm khăn liệm đám tang muôn đời/Thương anh, nói chẳng hết lời/Giờ đây, anh đã ra người ngàn xưa!/Ví dù còn một đường tơ/Cũng xin rút nốt thành thơ khóc người/Ngài xanh cái kén bay rồi/Nhả tơ xây tổ trên đời bao năm/Kéo dài kiếp số trăm năm/Cũng mang tiếng một con tằm mà thôi/Thương anh nói chẳng hết lời/Giờ đây anh đã ra người ngàn xưa! (Khóc anh Nguyễn Nhược Pháp).
Ngoài tập Ngày xưa in năm 1935, Nguyễn Nhược Pháp còn xuất bản vở kịch Người học vẽ năm 1936. Ông cũng đã kịp đưa vở kịch này lên sân khấu để trình diễn một lần vào tháng 6/1936, cùng sự trợ giúp của người bạn mình là thi sĩ Phạm Huy Thông, như một khúc tưởng nhớ Nguyễn Văn Vĩnh, người cha vừa mất trước đó không lâu – một trong những ngọn cờ tiên phong của nền báo chí và văn chương quốc ngữ hiện đại.
Nguyễn Nhược Pháp đã đi xa tròn 80 năm nhưng tác phẩm của ông thì vẫn còn sống mãi trong lòng người đọc hôm nay. Và cho dù thế giới thơ của ông có đủ các cung bậc đối lập thì độc giả vẫn chủ yếu nhớ về thơ ông như những cảm xúc trong trắng tinh khôi của một thời hoa niên yêu dấu, như thể mùi trầm hương bay cùng những bước chân nhỏ xinh, tinh khôi của người thiếu nữ thuở nào trong tuyệt phẩm Em đi chùa Hương: Khăn nhỏ đuôi gà cao/Em đeo dải yếm đào/Quần lĩnh áo the mới/Tay cầm nón quai thao(…) Làn gió thổi hây hây/Em nghe tà áo bay/Em tìm hơi chàng thở/Chàng ôi, chàng có hay?
Đỗ Anh Vũ