Quyền tự chủ của doanh nghiệp có bị hạn chế?

Minh Phương 11/06/2018 09:00

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Dự thảo nghị định phát triển và quản lý ngành phân phối mà Bộ Công thương mới công bố cho thấy sự can thiệp sâu của nhà quản lý vào hoạt động của DN. Điều này là trái với quy luật thị trường và hơn thế là đi ngược lại với mục tiêu xóa bỏ rào cản, điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.

Quyền tự chủ của doanh nghiệp có bị hạn chế?

Dự thảo quy định tiêu chuẩn siêu thị có làm khó cho doanh nghiệp?

Có ngược xu hướng?

Những quy định được đưa ra trong Dự thảo như siêu thị phải mở cửa suốt tuần và đến 22 giờ hằng ngày, chỉ được bán hàng giảm giá 3 lần trong một năm, hay quy định về diện tích phải từ 250 m2 đến dưới 10 ngàn m2... là những cái làm khó cho DN. Theo giới chuyên gia, các tổ chức, hiệp hội, tất cả các quy định đưa ra trong Dự thảo dường như cố tình tạo thêm giấy phép con, giăng thêm các rào cản, điều kiện kinh doanh, trong khi Chính phủ lại đang quyết liệt đưa ra các động thái cắt giảm.

Nhận định về những quy định mà Bộ Công thương đưa ra trong Dự thảo nghị định phát triển và quản lý ngành phân phối, giới chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào hội nhập toàn cầu thì những quy định về diện tích, giờ mở cửa, quy mô, cách thức khuyến mãi kiểu như trên là đi ngược với xu thế hội nhập, giống như nhà quản lý của thời bao cấp, không cho DN được quyền tự chủ.

Kỳ cục nhất là quy định giờ mở cửa cùng với quy định chỉ được bán hàng giảm giá 3 lần trong một năm. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, làm gì có chuyện nhà quản lý can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN như vậy. Nếu có điều kiện siêu thị vẫn có thể mở cửa đến 23 giờ, còn không tôi thích đóng cửa từ 19 giờ cũng được. Can thiệp kiểu này thì đúng là tước hết quyền tự chủ của DN. Bán hàng giảm giá bao nhiêu lần một năm, đó là tùy mỗi DN, tại sao lại có khống chế kiểu như vậy?

Theo ông Phú, đưa ra những quy định kiểu này, dường như nhà quản lý đang đẩy các DN nhỏ vào đường cùng, cũng tương tự như các quy định, điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực xuất khẩu gạo, kinh doanh gas trước đây mà chính Bộ Công thương đã phải chỉnh sửa khi nhận được nhiều ý kiến bất đồng từ phía dư luận xã hội.

Cần cân nhắc lại

Bên cạnh một loạt những bất hợp lý về quy định thời gian mở cửa, hình thức khuyến mại, Dự thảo quy định tiêu chuẩn siêu thị phải có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000m2 cũng khiến các DN, hiệp hội bất bình. Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), đó là một quy định không thực tế, sẽ giới hạn quy mô hoạt động của DN bán lẻ.

“Tôi cho rằng, quy định “trần” diện tích cho siêu thị là rất không nên. Trường hợp các siêu thị hiện tại lớn hơn 10.000m2 mà không đủ điều kiện được xếp vào trung tâm thương mại thì sẽ được phân loại vào loại hình nào?”- TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch ABR đặt câu hỏi. Cũng bày tỏ sự bất bình về quy định thời gian mở cửa, bà Loan đánh giá, khống chế về thời gian kiểu như vậy là hoàn toàn đi ngược với thông lệ quốc tế, không phù hợp với bối cảnh kinh tế hội nhập hiện nay.

Bên cạnh đó, theo bà Loan, đối với quy định quản lý kinh doanh tại chợ, Dự thảo nêu: “Đơn vị kinh doanh khai thác phải lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Về quy định này, tôi rất băn khoăn rằng, tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép trên là gì, nên cân nhắc kỹ quy định trên liệu có khả năng sẽ nảy sinh một loại “giấy phép con” nữa hay không? Đó còn chưa kể một loạt những quy định hết sức… buồn cười chẳng hạn như quy định siêu thị phải có toilet. Theo giới chuyên gia, việc đưa ra các quy định quá chi tiết như vậy là không cần thiết, thể hiện tính “tủn mủn” và quá ôm đồm của người nhà quản lý.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã bày tỏ ý kiến bất đồng đối với Dự thảo nghị định này của Bộ Công thương, VCCI nêu rõ: Chính phủ và Bộ Công thương đang nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mà Bộ quản lý. Tuy nhiên, một số nội dung trong Dự thảo về bản chất lại đang thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới và do đó cần được cân nhắc lại.

Minh Phương