Sớm xử lý các dự án trường đại học 'đắp chiếu'
13 văn bản phê duyệt thành lập trường đại học, nhưng quá thời gian qui định vừa được Chính phủ hủy bỏ. Trong đó có những dự án được phê duyệt cách đây ngót 15 năm. Trên thực tế, những dự án trường đại học “đắp chiếu” gây lãng phí lâu nay luôn là mối quan tâm của người dân.
Nhiều dự án xây trường bị bỏ hoang
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới đây đã ký quyết định hủy bỏ các văn bản phê duyệt chủ trương thành lập, chủ trương cho phép thành lập các trường đại học (ĐH) đã quá thời gian qui định.
13 văn bản phê duyệt thành lập 13 trường ĐH gồm: Trường ĐH Dân lập Quốc tế MeKong (2004); Trường ĐH Tư thục Á Châu (2005); Trường ĐH Dân lập Trần Hưng Đạo (2005); Trường ĐH Tư thục Phương Nam (2007); Trường ĐH Mekong tại Long An (2008); Trường ĐH Sơn Hà (2009); Trường ĐH Nam Việt tại Sóc Trăng (2009); Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Hàng hải (2010); Trường ĐH Đồng bằng sông Cửu Long (2010); Trường ĐH Xây dựng và Kiến trúc Hồng Hà (2011); Trường ĐH Y khoa Hoàn Mỹ (2011); Trường ĐH Phan Xi Păng trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Sư phạm Lào Cai và Trường CĐ Cộng đồng Lào Cai (2013); Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM (2013).
Tại quyết định, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng trường ĐH đáp ứng các điều kiện theo qui định hiện hành, cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được UBND tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính có văn bản đề nghị cho phép tiếp tục triển khai, giao Bộ GD&ĐT xem xét, để xuất hướng xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, trong số 13 dự án trường ĐH nói trên, có những dự án đã chậm trễ gần 15 năm qua; hay gần đây nhất cũng đã kéo dài qua 5 năm.
Trong khi cơ sở vật chất của nhiều trường ĐH công lập đang còn thiếu thốn, thì những dự án xây trường ĐH ngoài công lập bị bỏ hoang vừa gây sự lãng phí, vừa gây bức xúc trong dư luận.
Trước đó, có thể điểm qua những dự án trường ĐH ngoài công lập “đắp chiếu” lâu khiến người dân không khỏi băn khoăn. Đơn cử như dự án xây Trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội (triển khai xây dựng từ 2015 tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh – Hà Nội), có diện tích trên 10ha, được biết đến là một dự án quy mô đào tạo hàng chục ngàn sinh viên, đến nay sau nhiều năm vẫn bỏ hoang không một bóng người.
Cơ ngơi của trường sau nhiều năm xây dựng vẫn chỉ có duy nhất dãy nhà cấp 4 làm điểm nhấn. Điều đáng nói là trong khi Dự án Trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội vẫn bỏ hoang nhiều năm ở Mê Linh, thì đơn vị này lại đi thuê trụ sở khác giảng đường.
Hay dự án Trường ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, triển khai từ năm 2011 tại TP Ninh Bình, theo kế hoạch ban đầu là đưa vào hoạt động từ năm 2016.
Song do xây dựng chậm, kéo dài, để hoang hóa gây lãng phí tài sản nhà nước, khiến nhiều người dân tại địa phương rất quan tâm.
Do đó, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV (2017), nhiều ý kiến của các đại biểu đã đề cập đến vấn đề này, yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình làm rõ.
Điều đáng tiếc là đại diện UBND tỉnh Ninh Bình khi trả lời đã không đề cập đến trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Cần sớm có hướng xử lý
Theo Quyết định số 64/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường ĐH, học viện, trường ĐH được thành lập hoặc cho phép thành lập chỉ khi có đủ 5 điều kiện.
Trong đó thứ nhất: có Đề án thành lập trường ĐH phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020;
Thứ hai, có văn bản chấp thuận về việc thành lập trường trên địa bàn tỉnh, thành phố của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trường đặt trụ sở chính;
Thứ ba, có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính không dưới 5 ha và đạt bình quân ít nhất 25 m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển; có cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhất là giảng viên có trình độ từ Tiến sĩ trở lên đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường;
Thứ tư, đối với trường công lập phải có Dự án đầu tư xây dựng trường được cơ quan chủ quản phê duyệt, xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch và đối với trường tư thục phải có vốn điều lệ với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường).
Vốn đầu tư và vốn điều lệ được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản;
Thứ năm, có dự kiến cụ thể về số lượng, cơ cấu đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, trình độ đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT phù hợp với lộ trình để mở mã ngành và tuyển sinh đào tạo Đề án thành lập trường đã đề ra.
Như vậy, nếu căng dây bật mực, đối chiếu với những qui định nêu trên, các dự án thành lập trường ĐH không đáp ứng những điều kiện và tiêu chí đương nhiên sẽ bị hủy bỏ, giải thể hoạt động.
Tuy nhiên, không phải ở địa phương nào, những dự án trường ĐH “đắp chiếu” cũng sớm có hướng xử lý.
Mới đây nhất, trong tháng 3/2018, trước tình trạng sau hơn 2 năm khởi công, dự án ĐH Khánh Hòa (TP Nha Trang) vẫn là bãi đất trống, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định thu hồi dự án, khảo sát giao chủ đầu tư mới có năng lưc thật sự. Đây là dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 11/2014.
Dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (dự án BT) được tỉnh Khánh Hòa dùng “đất kim cương” đổi trường học với Tập đoàn Dewan, từng gây dư luận trái chiều ở địa phương.
Tại Luật Giáo dục Đại học 2012, Điều 12- Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục ĐH nêu rõ: Thực hiện xã hội hóa giáo dục ĐH; ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; ưu tiên cho phép thành lập cơ sở giáo dục ĐH tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật; cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục ĐH vì mục đích vụ lợi.
Song có một điểm chung của không ít dự án xây trường ĐH bỏ hoang là trụ sở trường được xây dựng trên các thửa đất vàng, hoặc đất nông nghiệp mà người dân đang canh tác.
Thời điểm này, việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục ĐH đang được kỳ vọng tạo kiều kiện tăng tự chủ cho các trường.
Song hiện đa số ý kiến cơ quan thẩm tra đề nghị cần cụ thể hóa nguyên tắc, nội dung cơ bản của quy hoạch mạng lưới trường ĐH; quy định nguyên tắc hướng đến sự phát triển của cả hệ thống trong qui hoạch mạng lưới, bao gồm cả ĐH công lập, ĐH tư thục, trong đó chú trọng đến yêu cầu phân bố theo không gian và nguồn lực.
Tất cả không nằm ngoài mục tiêu hướng tới phát triển bền vững giáo dục ĐH.