Cảnh báo về sự thiếu i ốt đang trở lại

Đức Trân 13/06/2018 08:40

Theo số liệu vừa được UNICEF và WHO công bố, Việt Nam đang nằm trong nhóm 19 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i ốt. Đây cũng là lời cảnh báo do đại diện khu vực của UNICEF đưa ra tại cuộc hội thảo về phòng chống thiếu hụt vi chất dinh dưỡng vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Friday Nwaigwe, Trưởng phòng Vì sự sống còn và Phát triển trẻ em, UNICEF khẳng định: Thiếu hụt i ốt là nguyên nhân chính dẫn đến mất khả năng trí tuệ ở trẻ em, bướu cổ, thai chết lưu và sảy thai ở phụ nữ. Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2011 tại Việt Nam chỉ ra rằng chỉ có 45% hộ gia đình ở Việt Nam đang sử dụng muối i ốt, thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo toàn cầu về phổ cập sử dụng muối i ốt toàn dân là 90%. Thiếu i ốt ngoài việc gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe thì còn gây nhiều thiệt hại đến nền kinh tế đất nước.

WHO đưa ra khuyến cáo toàn bộ muối ăn được dùng trong gia đình hay chế biến thực phẩm đều cần được tăng cường i ốt như là chiến lược hiệu quả và an toàn để phòng ngừa và kiểm soát các rối loạn do thiếu i ốt gây ra. Đã có các chứng cứ khoa học trên toàn cầu về việc sử dụng muối i ốt trong chế biến thực phẩm không gây ra các tác động bất lợi nào tới màu, mùi và vị của thành phẩm. WHO cũng đề nghị bổ sung vi chất vào bột mì khi đa số dân trong một quốc gia thường xuyên tiêu thụ bột mì được chế biến công nghiệp. Do đó, số nước có quy định bắt buộc bổ sung vi chất vào muối, bột mì và dầu ăn lần lượt là 108, 85 và 29. Đặc biệt, trong 108 quốc gia đang bắt buộc bổ sung i ốt vào muối ăn, có 98 nước yêu cầu dùng muối đã bổ sung i ốt cho thực phẩm chế biến.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất tích cực vì sức khoẻ cộng đồng để phòng chống và kiểm soát thiếu hụt vi chất và những nỗ lực này cần được tiếp tục. Chương trình phòng chống rối loạn thiếu i ốt từ năm 1994 đến năm 2005 của Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực khi thực hiện thành công chiến lược tăng cường cung cấp i ốt vào toàn bộ muối cho toàn dân. Kết quả là, hơn 90% các hộ gia đình được sử dụng muối i ốt đầy đủ trong giai đoạn 2005-2006. Tổng thể kết quả của chương trình đã giúp giảm tỷ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em và tăng tỷ lệ i ốt trong cơ thể người Việt Nam trên mức tối thiểu của WHO.

Tuy nhiên, kết quả khả quan này đã không được duy trì kể từ khi chương trình Quốc gia Phòng chống các rối loạn do thiếu i ốt bị rút khỏi chương trình Mục tiêu Quốc gia về Y tế vào năm 2005, việc thúc đẩy và hỗ trợ pháp lý cho muối tăng cường i ốt và các hoạt động liên quan cũng đã ngừng lại. Sau khi việc sử dụng muối i ốt mang tính tự nguyện thì sự thiếu hụt i ốt đã trở lại. WHO và UNICEF mạnh mẽ khuyến cáo Chính phủ Việt Nam tăng cường thực hiện Nghị định 09, bao gồm đảm bảo thực phẩm được chế biến bằng muối i ốt và bột mì đã được bổ sung vi chất, còn doanh nghiệp thì cần được tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo sự tuân thủ của họ. Các doanh nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm cần được hỗ trợ với các quy định rõ ràng hướng dẫn thực hiện Nghị định và sử dụng nguyên liệu đã bổ sung vi chất để chế biến thực phẩm.

Đức Trân