Hành trình đến di sản tư liệu thế giới của 'Hoàng hoa sứ trình đồ'

Theo Vietnamplus 13/06/2018 14:28

Việc UNESCO vừa công nhận cuốn sách cổ “Hoàng hoa sứ trình đồ” là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương một lần khẳng định truyền thống hiếu học của vùng đất khoa bảng Hà Tĩnh.

Hành trình đến di sản tư liệu thế giới của 'Hoàng hoa sứ trình đồ'

Cuốn sách với phần chính là bản đồ ghi chép bằng nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của Sứ bộ Đại Việt thế kỷ XVIII. (Ảnh: TTXVN).

Đặc biệt hơn, việc bảo tồn, kế thừa những tinh hoa mà cha ông để lại của con cháu dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đã giúp di sản của dòng họ vươn ra thế giới.

Từ di sản dòng họ đến di sản thế giới

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) thuộc thế hệ thứ 10 của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu (nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Ông làm quan dưới triều Lê-Trịnh và trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Ông là nhà hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa thế kỷ 18.

Năm 1764, Nguyễn Huy Oánh được chọn làm Chánh sứ cho chuyến đi Yên Kinh (tức Bắc Kinh) vào năm 1766-1767.

Nguyễn Huy Oánh đã có nhiều trước tác liên quan đến hành trình đi sứ, trong đó “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là di sản tư liệu đầy ắp thông tin về chuyến đi sứ Trung Hoa của các sứ thần Việt Nam năm 1766-1767, vì sách chưa được khắc in nên chưa được nhiều người biết tới.

Cháu năm đời của Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Triển (1852-1909) - một tác giả của dòng văn Nguyễn Huy, từ thời còn đi học đã được nghe các thầy giáo kể về các cuốn sách của Nguyễn Huy Oánh, trong đó có “Hoàng Hoa sứ trình đồ,” đã cất công tìm kiếm. Sau 20 năm, Nguyễn Huy Triển đã tìm được bản gốc và tự tay sao chép lại.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” hiện được lưu giữ là bản chép tay duy nhất còn tồn tại của tác phẩm này, được con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu.

Sách này bao gồm các bản đồ được vẽ với 3 loại màu trên giấy dó với các lời chua bằng chữ Hán.

Đây là tập bản đồ ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ 18 do Nguyễn Huy Oánh biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.

Cuốn sách có kích thước 30x20 cm, dày 2 cm được in trên bản mộc giấy dó, sách bao gồm bảy phần, trong đó phần chính là bản đồ hành trình gồm 204 trang ghi chép cụ thể và miêu tả về thiên nhiên, con người, thành, làng, các di tích, danh thắng, các hoạt động giao tiếp của sứ bộ với dân và chính quyền.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” có nhiều tư liệu minh chứng cho hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa thế kỷ 18.

Đây là tập bản đồ kiêm ghi chép về hành trình đi sứ xuất phát từ biên giới Việt-Trung qua các châu, phủ, huyện, dịch trạm tới điểm cuối là huyện Tân Thành, Yên Kinh.

Trong sách ghi chép rõ ràng về quá trình đi sứ: thời gian và địa điểm qua các nơi dừng nghỉ theo lộ trình thủy bộ chiều đi và chiều về, ngày lưu trú và các hoạt động của đoàn sứ bộ, chiều dài của mỗi dịch trạm, chiều dài toàn bộ đường thủy bộ đi sứ, kiến trúc và thời gian xây các cửa cung của Yên Kinh, các ghi chép tỉ mỉ về địa hình sông núi, phong cảnh, con người và nghi lễ ngoại giao khi qua các địa phương của Trung Quốc và Việt Nam.

Hồ sơ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” đã được bảo vệ thành công tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 8, Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO từ ngày 29-31/5, được các nước đánh giá cao là một hồ sơ quý hiếm, xác thực, rõ ràng và độc đáo nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 18, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Hồ sơ được thông qua với số phiếu 17/17 phiếu.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của tỉnh Hà Tĩnh, sự hỗ trợ của của Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam với UNESCO các nước trong Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hồ sơ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” đã vượt qua sự đánh giá khắt khe của các cơ quan chuyên môn thuộc UNESCO, đáp ứng đủ các tiêu chí để được công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản

Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, dù là một nhà khoa học tự nhiên, nhưng rất tâm huyết với văn hóa và di sản tinh thần của dòng họ.

Trong hàng chục năm qua, ông cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Viện Nghiên cứu Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm tư liệu, hiện vật, xuất bản nhiều công trình khoa học có giá trị.

Năm 2016, sau khi bảo vệ thành công “Mộc bản trường học Phúc Giang”- một di sản của dòng họ Nguyễn Huy ghi danh vào danh mục di sản tư liệu ký ức thế giới, ông Nguyễn Huy Mỹ lại tiếp tục với hành trình đưa di sản “Hoàng Hoa sứ trình đồ” đến công chúng trong nước và thế giới.

Giáo sư, viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ cho biết: Hành trình đưa “Hoàng Hoa sứ trình đồ” trở thành di sản tư liệu thế giới vô cùng khó khăn nhưng nhờ những nỗ lực từ tỉnh Hà Tĩnh, ngành văn hóa và đặc biệt là con cháu dòng họ đã giúp “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được bảo tồn và đến gần hơn với đời sống cộng đồng.

Sau khi “Mộc bản trường học Phúc Giang”“Hoàng Hoa sứ trình đồ” được công nhận là di sản ký ức thế giới, con cháu dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu đã, đang và sẽ cố gắng nỗ lực bằng nhiều hình thức tuyên truyền tới đông đảo nhân dân về những giá trị bất biến mà Nguyễn Huy Oánh cùng dòng họ Nguyễn Huy để lại cho hậu thế.

Giáo sư, viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi sẽ in thêm nhiều sách về 'Hoàng Hoa sứ trình đồ' và tổ chức giới thiệu về tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sắp tới, con cháu dòng họ Nguyễn Huy mong muốn phối hợp chính quyền địa phương xây dựng một nhà bảo tàng ngay tại quê hương để bảo tồn, giới thiệu các tư liệu quý của dòng họ đến với đông đảo nhân dân.”

Ông Nguyễn Như Dũng, Bí thư Huyện ủy Can Lộc, Hà Tĩnh cho biết sau khi “Mộc bản trường học Phúc Giang” và sách cổ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương, huyện Can Lộc đã khai thác hệ thống di sản văn hóa xã Trường Lộc vào phục vụ du lịch, nhằm quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của người Can Lộc đến với du khách trong và ngoài nước.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng như huyện Can Lộc đang nỗ lực xây dựng Trường Lưu (xã Trường Lộc ngày nay) trở thành Làng văn hóa du lịch trọng điểm. Từ năm 2016 đến nay, xã Trường Lộc đã đón tiếp nhiều đoàn làm phim trong nước và quốc tế, du khách về làng Trường Lưu để tìm hiểu “Mộc bản trường học Phúc Giang”và hát ví Phường Vải Trường Lưu.

Sự kiện “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần này sẽ giúp việc nghiên cứu, bảo tồn những giá trị văn hóa di sản trong các dòng họ có thêm những bước tiến mới.

Theo Vietnamplus