Góp lửa để cồng chiêng tỏa sáng
Nói đến văn hóa cồng chiêng trên đất Mường ở Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình của huyện Thạch Thất (Hà Nội) không thể không nhắc đến nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn. Bây giờ, ở tuổi 70, bà Thìn vẫn miệt mài với công việc truyền dạy cồng chiêng, một loại hình văn hóa hiếm có trong đời sống đương đại.
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn.
Dáng người nhỏ bé, khuôn mặt mộc mạc, nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn là một chuyên gia hàng đầu về cồng chiêng Mường ở Hà Nội. Trong căn nhà đơn sơ nằm ép mình dưới chân núi Vua Bà ở bản Mường thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, bà Thìn treo trang trọng nhiều phần thưởng và những món quà kỉ niệm được tặng trong những lần đi diễn.
Bà cho biết: “Tôi tiếp xúc với tiếng cồng chiêng từ khi còn rất nhỏ, nó ngấm vào tôi như một lẽ tất yếu. Mấy chục năm làm nghề, càng gắn bó với tiếng cồng chiêng càng say câu hát, càng mến tiếng nhạc”.
Giữa lúc người ta lãng quên đi những tiếng cồng vốn là bản sắc linh thiêng của đời sống dân tộc mình, bà Thìn lặng lẽ đi sưu tầm, lưu giữ rồi truyền dạy một cách đầy tâm huyết. 12 bộ cồng chiêng quý báu là vốn liếng bà cất giữ được trong những năm tháng làm văn hóa văn nghệ của mình.
Mỗi địa phương đều có nét văn hóa đặc trưng riêng, ví như nói đến Bắc Ninh là nhớ đến quan họ, Hà Nội có chầu văn, Thái Bình có chèo, thì khi nói đến người Mường người ta nhớ đến những tiếng chiêng trầm hùng, âm vang núi rừng, biểu tượng của thôn bản, của một dân cư rộng lớn.
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn sinh năm 1952. Bà có một tuổi thơ tận khổ, gần 8 tuổi đã đi làm thuê kiếm sống. Bấy giờ, trong làng có một nhà giàu có, lại có người biết chơi cồng chiêng rất hay. Cô bé Thìn đã học được những kiến thức cơ bản từ đó.
Năm 1973, bà trúng tuyển khóa đào tạo đạo diễn sân khấu, là khóa sinh viên đầu tiên của Trường Lý luận nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, tiền thân của Trường ĐH Văn hóa ngày nay. Với năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh cùng với việc được đào tạo bài bản, bà Thìn đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho sân khấu quần chúng, cho tiếng cồng chiêng của dân tộc Mường.
Trong nhiều năm tham gia công tác tại UBND xã Tiến Xuân, bà Thìn đã dàn dựng nhiều vở diễn nổi tiếng trong xã, trong huyện. Người đàn bà tài hoa này có thể vừa sáng tác, làm đạo diễn thậm chí kiêm luôn cả diễn viên đứng trên sân khấu. Dường như ở vai trò nào bà cũng phát huy được tài năng sáng tạo, được khán giả yêu mến.
“Yêu nhau đã quá thì hành, đã đẳn (chặt đứt) thì vác cả cần lẫn cây” - lời bài hát “Bông trắng bông vàng” trong nghệ thuật cồng chiêng của người Mường Tiến Xuân phản ánh đầy đủ nhất về mối lương duyên của nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn với nghệ thuật cồng chiêng.
Bà bảo: “Người Mường coi chiêng là gần như một thứ “báu vật”, không chỉ là một thứ linh khí thiêng liêng mà còn trở thành một công cụ kết nối giữa con người với thân linh, với núi rừng xanh thẳm. Có lẽ vì thế mà nó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng. Từ xa xưa đến bây giờ, tiếng cồng, tiếng chiêng luôn là linh hồn của người Mường, không gì có thể thay thế được”.
Năm 2009, huyện Thạch Thất đã đầu tư 6 bộ cồng chiêng cho 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân để người dân sử dụng với mục đích khôi phục lại nghệ thuật truyền thống của đồng bào Mường. Một lần nữa, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn lại được lựa chọn để truyền dạy nghệ thuật biểu diễn chiêng, cồng tới người dân trong các bản Mường.
Đã có 22 đội chiêng được thành lập ở các xã người Mường của huyện Thạch Thất với gần 300 người được truyền dạy những kiến thức, lối chơi, điệu hát, điệu múa của nghệ thuật cồng chiêng cổ. Những “kho báu” sống ví như chị Bùi Thị Chín - Đội trưởng đội cồng chiêng bản Mường Đồng Sổ (xã Yên Trung) giờ đây cũng trở thành một “nghệ sĩ nông dân” thực thụ.
Là một trong những học trò xuất sắc của nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, chị cho biết: “Từ chỗ không biết một chút gì về cồng chiêng, được cô Thìn chỉ bảo, chúng tôi đã biết đánh chiêng, đánh cồng, và hiểu về văn hóa truyền thống của quê mình”. Đội cồng chiêng Đồng Sổ có 30 người, đều là phụ nữ, người trẻ nhất đã 35 tuổi.
Điều đáng trân trọng là bản Mường Đồng Sổ tự trang bị bộ chiêng 12 chiếc từ đóng góp của người dân. Kể từ khi có chiêng, nhiều người dân trong bản đã học nghiêm túc và hiểu biết khá đầy đủ về nét văn hóa đặc sắc của quê mình.
Cuộc sống người Mường ở Thạch Thất bây giờ đã khác xưa. Nhiều phong tục truyền thống trong đó có vốn văn hóa dân gian như biểu diễn cồng chiêng vẫn tiếp tục được lưu giữ và bảo tồn.
Tuy việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo dựng không gian truyền dạy, thực hành những giá trị văn hóa truyền thống, phong phú, đặc sắc, nhân văn của đồng bào dân tộc Mường vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng, họ vẫn tin tưởng vào ngày mai, bởi bên cạnh luôn có những nghệ nhân tài hoa và giàu tâm huyết như bà Bùi Thị Bích Thìn.