Rõ ràng quy trình, tiêu chí phong tướng
Ngày 14/6, Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi. Quy định về hàm cấp tướng tiếp tục là vấn đề nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ.
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắc Lắc) phát biểu tại Hội trường, ngày 14/6.
Chính quy hóa công an xã
ĐB Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) cho rằng, công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Tuy nhiên, Pháp lệnh Công an xã năm 2008 và Nghị định 73 năm 2009 của Chính phủ đang giao cho công an xã rất nhiều thẩm quyền, thậm chí có cả thẩm quyền tạm giữ người và thẩm quyền về tố tụng hình sự. Tuy nhiên, lực lượng an ninh xã, phường cũng chưa đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở xã, phường vẫn còn yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, đã xảy ra nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, trong đó có những vụ thậm chí đánh chết người dân, gây thương tích nghiêm trọng, làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Từ quan điểm trên, bà Trang cho rằng, xây dựng công an xã thành lực lượng chính quy là hết sức cần thiết để đảm bảo sự thống nhất về tổ chức, hoạt động của công an xã tương ứng với vị trí, thẩm quyền, nhiệm vụ của công an xã. “Để đảm bảo sự ổn định của bộ máy chính quyền xã, phường, thị trấn thì Chính phủ và Bộ Công an cần phải xây dựng một lộ trình để chính quy hóa công an xã một cách rất cụ thể, phù hợp, không làm đồng loạt và ồ ạt. Ngoài ra, phải ban hành chính sách cụ thể về việc sắp xếp, bố trí lại công việc cũng như giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách cho đội ngũ trưởng, phó và công an viên cấp xã hiện nay”- bà Trang bày tỏ.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), việc ban hành Luật Công an nhân dân (sửa đổi) trong thời điểm hiện nay là cấp bách, cần thiết, nhằm sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Do đó theo ông Hòa, cần bổ sung lực lượng công an xã, thị trấn vào chính quy nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, phục vụ đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ khó khăn, phức tạp ở những địa bàn trọng điểm, xa trung tâm huyện. Tuy nhiên, ông Hòa đề nghị phải có lộ trình chuyển đổi, ưu tiên những xã phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, cần cân nhắc và có chính sách phù hợp, quan tâm đến lực lượng công an xã dôi dư.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quang Vinh.
Quy định chặt chẽ việc phong tướng
Cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật mà Chính phủ trình, ĐB Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) cho rằng, hiện nay do tinh gọn bộ máy, Bộ Công an không tổ chức cấp tổng cục, các đơn vị cấp cục được củng cố, nâng cao chất lượng. Ngoài những đơn vị cấp cục theo Luật Công an nhân dân năm 2014 mà cục trưởng là Trung tướng, còn lại cấp phó là Thiếu tướng, có nhiều cục được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2, 3 cục với nhau. “Cục trưởng thuộc Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo công an nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cho nên cấp bậc hàm cao nhất, cục trưởng là Trung tướng, phó cục trưởng là Thiếu tướng là phù hợp”- ông Mão bày tỏ.
Đề cập đến quy định cấp trần hàm bậc Thiếu tướng đối với giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở các địa phương được phân loại đơn vị hành chính tỉnh loại 1, ông Mão cho rằng, giám đốc công an tỉnh được xác định là chức vụ cơ bản, quan trọng trong hệ thống sĩ quan công an nhân dân là cấp dưới liền kề có thể quy hoạch Bộ trưởng, Thứ trưởng, tiêu chuẩn chức danh, cấp bậc, hàm của Giám đốc công an tỉnh phải bảo đảm tương đương với chức danh tổng cục. Cho nên việc bố trí cấp hàm Thiếu tướng đối với giám đốc công an tỉnh là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, ông Mão đề nghị, Dự thảo Luật cũng cần phải có quy định chặt chẽ, quy trình, tiêu chí và điều kiện cụ thể, rõ ràng, tránh vượt quá số lượng cấp tướng được quy định trong toàn ngành và toàn thể địa phương.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đề nghị, cần quy định rõ vị trí có trần quân hàm cấp tướng, cụ thể là Đại tướng, Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng để hạn chế việc phong cấp không theo quy định. Đồng thời, quy định rõ trong luật tổng số vị trí quân hàm cấp tướng để tránh việc dư luận cho rằng phong cấp tướng rồi điều đi chỗ khác, trống chỗ đó lại điền vào chỗ trống, dần dần các đồng chí đại tá cũng được lên thiếu tướng một cách nghiễm nhiên vì trong thực tiễn đã có việc này.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, qua thực tiễn cho thấy việc phong thăng hàm cấp tướng đã và đang được thực hiện nhưng dư luận cũng có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cử tri cho rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế, so với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều. Theo ông Tạo, các ý kiến phản ánh đều chung suy nghĩ là phải bảo đảm uy tín, vị thế của đội ngũ tướng lĩnh, tránh việc phong thăng hàm nhanh nhưng chất lượng là vấn đề cần suy nghĩ. Đội ngũ tướng lĩnh có công với dân, với nước luôn được suy tôn, nhưng cử tri cũng băn khoăn khi có tướng lĩnh vi phạm như vừa qua.
Về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh, ông Tạo cho rằng, nếu nhìn nhận trên mặt bằng chung với lực lượng quân sự thì đã có sự “vênh” nhau. Rồi ông đưa ra phân tích: Nếu giám đốc Công an có hàm cao nhất là tướng thì vấn đề đặt ra là phải sửa Luật Sĩ quan quân đội để nâng hàm lên tướng cho tương ứng. “Nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn thì tôi e rằng dư luận và cử tri không đồng tình”- theo ông Tạo.
Ngày 14/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao với tỷ lệ tán thành đạt 93,84%. Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Điểm đáng chú ý của Luật là vấn đề đặt cược thể thao đã được qui định cụ thể tại Điều 68a. Điều 68a quy định: Đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược. Kinh doanh đặt cược thể thao phải bảo đảm các nguyên tắc:Kinh doanh đặt cược thể thao là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao; Hoạt động kinh doanh đặt cược phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia; Đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là đồng Việt Nam. Chính phủ quyết định Danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao. |