Một kỳ họp đổi mới

M. Loan-H.Vũ 16/06/2018 06:00

Ngày 15/6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bế mạc. Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn..., cùng toàn thể các vị đại biểu Quốc hội.

Một kỳ họp đổi mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quang Vinh).

Trí tuệ, tâm huyết

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Các dự án luật được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Đối với Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, các tầng lớp nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua Dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của Dự án Luật này.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, kết quả kỳ họp này tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp.

Quốc hội tiếp tục có những đổi mới; chương trình làm việc được bố trí hợp lý; công tác điều hành theo đúng Quy chế và chương trình kỳ họp, có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tế và đúng nguyên tắc; cách thức chất vấn và trả lời chất vấn được đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, đây là một kỳ họp có nhiều cải tiến. Ấn tượng nhất là các phiên chất vấn với hình thức hỏi 1 phút, trả lời 3 phút đã giúp ĐBQH và các thành viên Chính phủ đi thẳng vào những vấn đề mà cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, bỏ qua những rườm rà trong giải thích vấn đề.

Tập trung thực hiện những cam kết

Trong phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn với 100% ĐBQH có mặt tán thành.

Quốc hội ghi nhận các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Giao thông vận tài, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những cam kết, các giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp tiếp theo.

Cụ thể, đối với lĩnh vực GTVT, Quốc hội yêu cầu, rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, quy hoạch giao thông; chấn chỉnh hoạt động vận tải đường sắt, có phương án đầu tư phát triển vận tải đường sắt bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Thực hiện các giải pháp, biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tiếp tục giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí qua từng năm, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Cùng với đó là từ năm 2019, thực hiện việc thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này.

Đối với lĩnh vực TNMT, Quốc hội yêu cầu, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước.

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai, gây bức xúc trong nhân dân.

Kiên quyết xử lý, thu hồi theo quy định của pháp luật đối với đất để hoang hóa, lãng phí, chậm đưa vào sử dụng; chấn chỉnh việc sử dụng, quản lý đất ven sông, ven biển.

Triển khai có hiệu quả các giải pháp hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, tránh gây tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản, đặc biệt là tại các khu vực có quy hoạch dự án trọng điểm.

“Thúc đẩy phát triển thị trường lao động, gắn với cung, cầu lao động và bối cảnh nền công nghiệp 4.0. Làm tốt công tác dự báo thị trường lao động; có lộ trình cụ thể giải quyết việc làm cho sinh viên, thanh niên nông thôn; thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích thanh niên, sinh viên khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp”- Quốc hội đặt ra yêu cầu đối với lĩnh vực LĐTBXH.

Đối với lĩnh vực GDĐT, Quốc hội yêu cầu, hoàn thành đề án cụ thể về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục; kiên quyết giải thể các cơ sở đào tạo đại học chất lượng yếu, kém.

Tiếp tục hoàn thiện và ổn định kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.

Rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục và công khai việc công nhận văn bằng, học vị, chức danh giảng viên đại học.

Lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ, Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đồng thời, nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nắm chắc tình hình ở cơ sở, tăng cường công tác vận động quần chúng để không bị lôi kéo, lợi dụng, dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Sau kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các vị ĐBQH tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát.

Cũng tại phiên bế mạc, với 96,51% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn giám sát.

Với 95,07% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”, do Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ làm Trưởng đoàn.

Chiều 15/6, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Trả lời báo chí về việc trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 5 có nói đến cho phép lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tiếp tục lấy ý kiến ĐBQH, chuyên gia và nhân dân. Vậy quá trình lấy ý kiến nhân dân có giống như quá trình lấy ý kiến của Luật Đất đai hay Bộ luật Hình sự?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc- Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Sau khi thảo luận tại hội trường, các ĐBQH có ý kiến khác nhau. Vừa qua cử tri nhân dân, và các chuyên gia cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Trước đó, UBTVQH cũng đã tổ chức nhiều hội thảo. Qua trao đổi còn nhiều ý kiến khác nhau cho nên Quốc hội dừng lại để tiếp tục cho ý kiến tiếp về một số điều khoản. Tuy nhiên chưa đến mức lấy ý kiến như Luật Đất đai, “chỉ cần tiếp tục tiếp thu toàn bộ các ý kiến ĐBQH đã tốt rồi”- theo ông Phúc.

Với câu hỏi vì sao khi có ý kiến thì QH dừng thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; nhưng với Luật An ninh mạng thì lại được thông qua với số phiếu cao?

Theo ông Phúc, bản chất 2 việc là khác nhau. Khi có ý kiến thì Luật An ninh mạng đã được tiếp thu, chỉnh lý lại cho nên được các ĐBQH thông qua với số phiếu cao với mục đích thông qua luật để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người dân.

Giải trình thêm, ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng, trong quá trình thẩm tra Dự án Luật An ninh mạng, Ủy ban đã lắng nghe ý kiến cử tri, các chuyên gia, và đại diện một số quốc gia như Mỹ, Liên minh châu Âu, các doanh nghiệp, báo chí trong và ngoài nước.

Do đó cơ quan thẩm tra đã chỉnh lý, tiếp thu các ý kiến để đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng. Bởi đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề thách thức trên toàn cầu.

“Có ý kiến lo lắng khi Luật thông qua có ảnh hưởng đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet hay không? Tôi xin khẳng định là không, vì Luật có cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trong và ngoài nước. Nhiều người hỏi Google hay Facebook có rời khỏi Việt Nam hay không, thì đến nay chưa có ý kiến nào của 2 doanh nghiệp này”-ông Hồng cho hay.

H.Vũ

M. Loan-H.Vũ