Ngôi làng thần kỳ
Anh Hồng thân. Hôm trước nghe anh kể về một hiện tượng đang rất “hot” ở Bình Định - đó là phương thức trồng rau sạch theo công nghệ Nhật Bản.
Những người nông dân xã Nhơn Hậu bao năm sống bằng nghề trồng rau nhưng giờ lại bắt đầu từ những bài học tưởng như đơn giản nhất để có được một vườn rau xanh sạch theo đúng nghĩa, đảm bảo sức khỏe cho cả người trực tiếp sản xuất lẫn người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Câu chuyện của anh làm tôi nhớ về ngôi làng thần kỳ ở Nhật Bản gần nơi tôi đang sống. Đó từng là ngôi làng nghèo nhất thập niên 60, 70 của thế kỷ 20, ở một vùng cằn cỗi, nằm sâu trong vách núi. Sự thần kỳ bắt đầu từ việc trồng các cây rau xà lách. Và giờ thì Kawakami trở thành ngôi làng giàu có nhất Nhật Bản. Thu nhập bình quân hàng năm của các hộ dân ở đây là 25 triệu yên (tương đương hơn 200.000 USD). Một con số nằm ngoài sự mơ ước đối với bất cứ nông dân nào trên thế giới.
Nhưng, đó hoàn toàn là quả ngọt xứng đáng anh ạ. Những người nông dân trong làng luôn quan niệm, họ chỉ thực sự thành công khi trồng rau để bán như trồng cho chính mình ăn. Thuốc bảo vệ phải là loại thuốc thân thiện với môi trường và khi sử dụng được cân bằng cân điện tử với độ chính xác tới từng từng gram. Nông dân sẽ ghi chép lại thời gian bón phân, phun thuốc tỉ mẩn tới từng chi tiết để mỗi cây rau khi thu hoạch có thể ăn ngay tại vườn mà không cần rửa.
Anh biết không?
Người có trách nhiệm trong làng (giống như những chủ nhiệm HTX thời bao cấp bên mình) đã xây dựng một kênh truyền hình nhằm cập nhật giá thị trường và thời tiết cho bà con nông dân. Ngoài ra, sóng truyền hình còn giúp người dân nắm được thông tin về nhiệt độ không khí, nhiệt độ đất, lượng mưa... của từng khu vực để có chế độ chăm sóc rau phù hợp. Họ làm thật nhàn nhưng lại vô cùng hiệu quả anh ạ.
Lần thứ hai tôi đến làng là vào cuối năm 2017, việc trồng rau trong làng càng ngày càng thuận lợi. Tuy không sản xuất trên cùng một mảnh đất nhưng rau ở đây luôn đồng đều về chất lượng cũng như mẫu mã và được bán với giá cao gấp 4, 5 lần so với sản phẩm cùng loại. Thế nhưng không vì thế mà người dân trong làng xô bồ chạy theo lợi nhuận. Họ cứ từ tốn làm việc và nghỉ ngơi. Ở đây, người trẻ không lên thành phố, họ tham gia làm nông nghiệp và không ngừng tìm tòi, sáng tạo.
Khi ăn thử một cây rau xà lách tại ruộng, tôi cứ ước, giá như ở quê mình cũng có những ngôi làng thần kỳ thế này, để không chỉ người nông dân bớt vất vả, mà người tiêu dùng không còn phải lo lắng mỗi ngày ra chợ. Và như anh vừa kể, thì ước mơ ấy dần thành sự thực rồi nhỉ? Cùng với “làng thần kỳ” rau xà lách Mỹ sản xuất theo công nghệ Nhật Bản đã xuất hiện Đà Lạt thì mô hình trồng rau mới ở Bình Định đang mở ra cho người ta thật nhiều hy vọng phải không anh?