Nam Cực tan băng, nước biển dâng cao
Nam cực đã mất 3 nghìn tỷ tấn băng trong 26 năm qua và tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu không được kiểm soát. Đó là cảnh báo của các tổ chức nghiên cứu biến đổi khí hậu toàn cầu, công bố ngày 15/6.
Theo đó, tốc độ tan băng nhanh đến chóng mặt khiến nước biển dâng cao gần 1cm, đe dọa khu vực ven biển ở khắp nơi trên thế giới, từ các đảo Thái Bình Dương cho đến Florida (Mỹ).
Báo cáo mới của 84 nhà khoa học được coi là bức tranh toàn cảnh rõ ràng nhất về tình hình Nam Cực. Nguy hiểm hơn, 2/5 số lượng băng biến mất tại Nam Cực kể trên đã xảy ra trong vòng 5 năm qua, cho thấy tốc độ tan băng đang ngày một nhanh. Cụ thể, tốc độ băng tan lên tới 219 tỷ tấn mỗi năm kể từ năm 2012, so với con số 76 tỷ tấn của một năm trước đó.
Trong nhiều năm qua các nhà khoa học đã tranh cãi về việc liệu rằng khối lượng băng tại Nam Cực đang tan nhanh hơn hay vẫn được bù lại hàng năm.
Người ta cho rằng, lượng băng đá tích tụ tại Nam Cực nếu tan hết sẽ khiến mực nước biển dâng cao tới 58 mét, đe dọa tương lai của nhân loại. “Tốc độ băng tan ngày càng nhanh là rất đáng lo ngại”- Giáo sư Andrew Shepherd đến từ Đại học Leeds nói và thêm rằng, phần lớn lượng băng bị mất đến từ khu vực phía tây Nam Cực và bán đảo Nam Cực. Mỗi milimét nước biển dâng cao ước tính tương đương 360 tỷ tấn băng tan.
Nhìn chung, nước biển đã dâng cao 20 cm kể từ một thế kỷ trước. Báo cáo năm 2014 của Liên hợp quốc cho biết, mực nước biển có thể dâng cao trong khoảng 30 cm cho đến gần một mét ngay trong thế kỷ này. Nước biển dâng cao đe dọa trực tiếp đến các thành phố ven biển như New York, Thượng Hải, một số quốc gia ở Thái Bình Dương cho đến Hà Lan.
Người ta cũng cho rằng, tại Bắc Cực, do tình trạng ấm lên của trái đất nên băng cũng đang “tan chảy”. Điều đó không chỉ làm nước biển dâng mà điều rõ ràng nhất đang diễn ra là môi trường sống của nhiều loài tại đây bị thu hẹp, đe dọa. Nhiều nghiên cứu cho biết, loài gấu trắng Bắc Cực đang phải chịu nhiều sức ép nhất. Bằng chứng cho thấy vòng đời của chúng đã ngắn lại đáng kể và số các con non sinh ra cũng ít hơn.
Ngay cả những con cá voi khổng lồ ở biển Bắc Cực vốn được coi là có sức sống mãnh liệt cũng bị tác động. Ngày càng nhiều những cá thể cá voi lớn di chuyển đến vùng biển khác, trong khi số cá voi được sinh ra ít dần.
Người ta cũng ghi nhận những trận bão xuất hiện ngày một nhiều hơn ở cả Nam Cực và Bắc Cực. “Bão xuất hiện bất thường hơn, như thể không còn tuân theo quy luật thời tiết như trước. Những trận bão cũng giá buốt hơn và khốc liệt hơn khi kéo dài”- theo GS Andrew Shepherd.