Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Facebook như một cách tập thể dục trí não

Hồng Thanh Quang (thực hiện) 11/06/2018 09:00

Ở độ tuổi tứ thập, trên dưới hai mươi năm trong nghề, nhà báo Phạm Trung Tuyến đang ở “giai đoạn vàng” của nghề, khi sau lưng là rất nhiều trải nghiệm và trước mắt vẫn còn mênh mông thời gian để thực hiện những ý tưởng của mình. Anh hiện đang là phó giám đốc kênh Giao thông quốc gia của Đài Tiếng nói Việt Nam, một giọng điệu uy tín, rất riêng nhưng cũng rất chung. Và rất được chú ý trong giới truyền thông.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Facebook như một cách tập thể dục trí não

Nhà báo Phạm Trung Tuyến.

Hồng Thanh Quang:Nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng thực sự tôi muốn hỏi anh: có lý do đặc biệt gì khiến anh trở thành nhà báo không?

Phạm Trung Tuyến: Vâng, có vẻ rất buồn cười vì khi đó tôi là một cậu bé 17 tuổi, và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chiêu sinh Khoa Báo chí khoá đầu.

Tôi nghe giới thiệu là nhà báo sẽ được dạy thập bát ban võ nghệ, bắn súng, nhảy đầm… vậy là quyết định học báo chí. Và rồi dĩ nhiên phải trở thành một nhà báo vì tiếc 4 năm học.

Cha mẹ anh có ai theo nghề viết không?

- Không. Bố mẹ tôi đều là bộ đội, cả họ nhà tôi không có ai làm nghề viết lách.

Thậm chí, bố tôi còn rất không thích văn nhân. Ông hay đọc sách, nhưng không bao giờ nhắc đến tên bất cứ nhà văn nào, không bao giờ trích dẫn sách vở. Ông bảo, lệ thuộc vào suy nghĩ của người khác thì sẽ làm suy nghĩ của mình bị chậm đi.

- Có lẽ thế cũng là một cách nghĩ đúng. Tôi nhớ là nhà văn Columbia, Garcia Marquez cũng từng nói một ý có lẽ cũng tương đồng như thế, dù câu chuyện của tác giả “Trăm năm cô đơn” hơi khác một chút. Marquez bảo, đại ý rằng, ông không bao giờ đọc những bài phê bình văn học viết về tác phẩm của ông, vì nếu đó là bài chê thì có thể làm mất hứng, còn nếu đó là bài khen thì dễ làm ảnh hưởng khiến mình viết khác mình đi…

- (Cười):…

Bây giờ nếu nhớ lại cha mình, theo anh, ông đã để lại cho anh điều gì chính yếu nhất trong thái độ sống, thái độ đối với công việc nói riêng và về cuộc đời này nói chung?

- Bố tôi không hay dạy dỗ con cái một cách trực tiếp, nhưng theo một cách nào đó, chúng tôi học được từ thái độ sống của ông, từ cách mà ông đối diện với cuộc đời, với nghịch cảnh, với sự may mắn, với cả nỗi bất hạnh. Đó là một thái độ bình thản, tích cực.

Ngoài 30 tuổi, bố tôi làm ăn không may và mất trắng, lâm vào cảnh nợ nần, đành phải làm đủ thứ công việc vất vả và nguy hiểm để nuôi gia đình.

Nhưng tôi không thấy ông buồn bã về điều đó mà ngược lại, tỏ ra rất hứng khởi vì có thể khám phá bản thân bằng những trải nghiệm mới.

Ngoài 40 tuổi, ông bị tai nạn, chân phải bị mất, ông về quê sống, mặc áo nâu, để râu dài, chăm cây cảnh và bảo “đời người không mấy người được nghỉ ngơi sớm thế này.”

Tôi nghĩ rằng tôi học được từ cha tôi một thái độ sống tích cực, coi trọng những trải nghiệm của bản thân hơn là sự sướng, khổ thông thường.

Anh bây giờ chưa để râu dài, nhưng tóc dài…

- (Cười):…

Xin lỗi là tôi đề cập tới đời tư của anh, nhưng theo tôi biết, anh đang sống cảnh “gà trống nuôi con”. Thực sự là tôi rất ghen tị không chỉ với khả năng bếp núc của anh mà cả cách anh “điều phối” quan hệ với các con mình. Và xin được phép hỏi, anh có chủ định gì đối với nghề nghiệp tương lai của các con anh không? Liệu anh có muốn con mình đi theo nghề của cha chúng hay không?

- Cũng phải thú thực với anh là tôi không giỏi nuôi con, cũng như nấu nướng. Nhưng trong hoàn cảnh buộc phải tự làm những công việc ấy thì tôi cần tìm thấy niềm vui trong đó. Và có khi cái niềm vui ấy của tôi khiến anh phải ghen tỵ chứ không phải bởi khả năng của tôi.

Thực sự thì tôi cũng rất vui khi được săn sóc các con mình, nhưng hoàn cảnh của tôi bị khác, tôi ít có cơ hội được đích thân làm như thế. Và đó là nỗi buồn, khôn nguôi, của tôi… Thôi thì mỗi cây mỗi hoa…

- Đúng thế anh, chúng ta phải sống thích ứng với cảnh ngộ của mình thôi. Còn về câu anh vừa hỏi, thực sự là tôi nghĩ rằng bản thân mình còn không chắc quyết định nghề nghiệp của mình là đúng hay sai, thì sao tôi lại có thể làm được điều đó với con mình. Tôi mong các con tôi tìm thấy được niềm đam mê thực sự của bản thân chúng, và dũng cảm theo đuổi đam mê ấy, dù đó là gì.

Tới tuổi này mà anh vẫn phân vân về con đường đã chọn ư?

- Vẫn mà anh…

Như Hamlet, tới phút cuối cùng vẫn “Tồn tại hay không tồn tại?!”…

- (Cười): …

Nhà thơ Nga Sergei Esenin từng viết, đại ý, nếu không là nhà thơ, chắc tôi đã trở thành du đãng... Còn anh, nếu anh không trở thành nhà báo thì anh có thể đã chọn nghề gì khác?

- Tôi rất tâm đắc với câu thơ đó của Esenin. Trước khi là nhà báo, tôi đã từng đi áp tải hàng cho một nhóm buôn lậu xuyên biên giới, từng đóng than tổ ong và mang đi bán khắp thành phố, từng đi viết thuê… những công việc khác nhau, hợp pháp có, bất hợp pháp có.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Facebook như một cách tập thể dục trí não - 1

Nhà báo Phạm Trung Tuyến và con trai.

Rất may là tôi làm những việc đó không giỏi, nên cuối cùng tôi quyết định làm nhà báo bởi tôi thấy trở thành một nhà báo giỏi có vẻ không khó lắm.

Nói vậy thôi, thú thật với anh, hồi nhỏ tôi muốn mình sau này thành một nhà địa chất, và đến giờ, đôi khi tôi thức dậy vào buổi sáng và mất một lúc mới nhớ ra mình không phải là một nhà địa chất.

Tôi cũng từng mơ trở thành nhà địa chất, nhưng lý do khác anh. Đơn giản vì tôi đọc trong sách Xô viết ngày xưa có những câu chuyện tình rất lãng mạn giữa các nhà địa chất với các thiếu nữ thôn bản mà họ tới thăm dò khoáng sản… Tôi thèm được trải nghiệm những tình yêu như thế (cười).

- Tôi thì đơn giản muốn trở thành nhà địa chất để được đi nhiều.

Từng ấy năm hành nghề, đã có khi nào anh cảm thấy bất lực trong công việc chuyên môn của mình?

- Bất lực về chuyên môn thì không, vì tôi tự tin là mình luôn có giải pháp cho mọi vấn đề chuyên môn.

Nhưng thất vọng thì có, thất vọng về công việc của mình, về bản thân mình.

Đó là khi thấy có những việc mà nếu mình đủ dũng cảm, nếu mình sẵn sàng trả giá, mình đừng thoả hiệp, mình có thể làm được tốt hơn.

Cảm giác thất vọng đó, đáng tiếc lại xảy ra khá nhiều trong những năm tháng hành nghề của tôi. Có những nhân vật trong bài viết của mình, tôi đã không còn dám nghe điện thoại của họ vì mình đã bỏ rơi họ nửa đường.

Như anh từng tự nhận, anh là một người thực dụng. Có gì tiêu cực trong nét tính cách này không? Theo anh, nét tính cách đó có thể tạo cho anh những điều gì tích cực?

- Người thực dụng thiệt thòi lắm!

Vì tôi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội rất đẹp trong cuộc đời mình vì sự thực dụng.

Tôi đã từ bỏ những ý nghĩ lãng mạn, từ bỏ nhiều đam mê vì toan tính thực dụng.

Tuy nhiên tôi không tiếc, và tôi vẫn chọn sự thực dụng bởi nó giúp tôi giữ được thái độ lạc quan với cuộc sống.

Ngay cả những khi rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, cô độc nhất thì sự thực dụng trong tôi sẽ giúp tôi nhìn thấy những khía cạnh tích cực trong hoàn cảnh đó, nhìn thấy việc mình có thể tận dụng sự éo le của số phận để tranh thủ trải nghiệm những cảm xúc mới lạ.

Và tôi nhanh chóng vượt qua.

Tôi nghĩ, đôi khi tôi có vẻ mạnh mẽ là nhờ vào sự thực dụng của bản thân.

Có ý kiến cho rằng, những nhà báo làm phát thanh rất dễ bộc lộ sở đoản khi viết báo, bởi vì trong tiếng Việt, văn nói với văn viết rất khác nhau. Theo anh, đó có phải là sự thật không hay chỉ là sự vu khống do đố kỵ?

- Vâng, tôi vẫn luôn nói với đồng nghiệp của mình rằng văn phát thanh là văn tế, còn văn báo viết là văn bia.

Nó rất khác nhau, và khi ta chỉ chú trọng vào việc diễn đạt bằng ngôn ngữ nói thì nó rất dễ trở thành thói quen, khiến ta gặp khó khăn khi diễn đạt bằng ngôn ngữ viết.

Tôi cho rằng ý kiến nhận xét trên về cơ bản là đúng.

Tuy nhiên, công việc chữ nghĩa nó cũng giống như người luyện võ, đến một cảnh giới nhất định thì sẽ không còn lệ thuộc vào chiêu thức nữa, nói, hay viết không quan trọng, mà quan trọng là diễn đạt tư tưởng của mình cho thuận miệng, thuận tay, viết như nói, và nói như viết.

Vâng, tôi cũng nghĩ đó chỉ là những định kiến không chuẩn xác, mặc dù trong quá khứ tôi đã từng phải rất khổ sở khi biên tập một số bài viết của một ông anh làm nghề phát thanh. Ý tưởng tốt, cảm nhận hay, nhưng chấm phẩy thì cứ tùm lum, không biết đâu mà lần…. Tôi hiểu, nhà báo làm phát thanh cũng có nhiều kiểu khác nhau, nhiều trình độ và phong cách khác nhau. Và tôi cũng biết là anh đã từng xuất bản tập sách có nhan đề là “Sến”. Sách bán chạy và được đánh giá rất tốt ngay cả trong giới chuyên môn. Trong cách hình dung của anh, “sến” là thế nào?

- Sến, với tôi là sự dễ dãi với cảm xúc của mình, không tiết chế, để cảm xúc bộc lộ một cách tự nhiên như nó vốn thế.

Nhưng không sến thì cũng không hẳn là nghiêm khắc với cảm xúc của mình. Có những thứ không sến nhưng vẫn dễ dãi, thậm chí buông thả…

- Vâng, cũng tùy. Có khái niệm chỉ đúng một chiều thôi, đảo ngược đi chưa chắc đã ngược nghĩa…

Từ cuốn sách của anh, tôi muốn được hỏi, theo anh, có phải “sến” hiện đang là trạng thái dễ phổ cập nhất trong đời sống xã hội hiện nay hay không?

- Thời nào thì sến cũng sẽ là trạng thái dễ phổ cập nhất. Bởi cái gì chiều chuộng cảm xúc của con người thì cái đó dễ được con người tiếp nhận. Và số đông trong mọi xã hội luôn là những con người mong muốn được chiều chuộng.

Có một nhận xét thế này, rất nghiệt ngã nhưng không phải là không có phần sự thật ở trong đó: nếu bạn muốn kiếm lợi nhanh thì hãy chiều theo thị hiếu của những kẻ ngốc vì những kẻ ngốc ở xã hội nào cũng đông. Anh nghĩ sao? Có phải muốn rất ăn khách thì cứ phải chiều theo những gì thấp?

- Vâng, đó là một sự thật, dù nghiệt ngã. Khi tôi còn làm một chương trình phát thanh tâm sự với thính giả.

Ban đầu rất ít người tương tác, nhưng sau đó, khi tôi đôi khi cố tình nói nghịu, vấp lỗi, hoặc có những câu hỏi vô duyên thì lượng người tương tác tăng vọt.

Đó là khi người nghe cảm thấy tự tin hơn, vì người nói chuyện với mình không phải là một ông thánh, nói năng luôn trơn chu, khéo léo. Họ thích nói chuyện với một con người gần gũi hơn là một vị thánh.

Tuy nhiên, tôi luôn cho rằng chiều chuộng thính giả là một cách rất dễ dàng để đánh mất bản thân, và tôi cho rằng mình cần làm thế nào để thính giả, độc giả thích thứ mà mình cung cấp cho họ, hơn là làm những thứ mà họ vốn thích.

Anh lý giải thế nào về hiện tượng phong trào hát bolero đang rất được ưa chuộng hiện nay? Có thực là những sản phẩm âm nhạc như thế chỉ thích hợp với những người bình dân? Thực tế thì hiện nay, không ít người xưng danh trí thức cũng rất đắm đuối với dòng nhạc bolero vì những tác phẩm đó thực sự bù đắp được cho họ những khoảng trống trải, lạnh lùng trong đời sống tình cảm…

- Tôi cũng thỉnh thoảng hát theo những giai điệu bolero, và thực tế là tôi nhớ những ca từ của dòng nhạc đó nhiều hơn bất cứ dòng nhạc nào khác.

Ở tuổi thiếu niên, tôi cũng từng rất thích nhiều ca khúc của dòng nhạc bolero. Giai đoạn đầu đi lính, càng thích hơn, mặc dù nhiều bài trong số những gì tôi thích không được khuyến khích cho bộ đội nghe. Thế nhưng, sau hai ba mươi năm trôi qua, bây giờ tôi không cảm thấy thoải mái khi phải rơi vào không gian bolero nữa. Nhưng tôi cũng hiểu lý do vì sao nhiều người thích dòng nhạc này… Những lý do rất cần được tôn trọng…

- (Cười):

Anh đánh giá thế nào về những giọng ca như Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng…?

- Nói thật là tôi không thích những giọng ca đó lắm, nên không nghĩ rằng mình có thể đánh giá đúng về họ.

Anh có thích giọng ca Tùng Dương không? Anh nghĩ thế nào khi biết những suy nghĩ của Tùng Dương về bolero?

- Tôi cũng không thích nghe Tùng Dương. Và tôi cũng biết về những phát biểu của Tùng Dương về bolero. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là quan điểm cá nhân của cậu ấy, và cậu ấy không có nghĩa vụ đại diện cho bất cứ ai.

Đúng thế, ai cũng có quyền đại diện cho chính mình và nói những gì mình nghĩ, miễn đừng xúc phạm tới những ý nghĩ chính đáng của những người không tư duy giống mình. Cũng xin nói thêm là, tôi rất thích giọng ca Tùng Dương. Tôi thích sự ma mị trong giọng ca ấy…

- Thì chúng tôi ai cũng có quyền thích những gì mình thích mà anh…

Nhưng nói thực là tôi cũng không thích những thái độ làm cao, tự coi mình đứng trên đám đông khi phán xét về những sinh hoạt văn hóa, nhưng có đáng lo ngại không khi chúng ta trong giai đoạn hiện nay đang bị mê đắm quá mức trong những tâm trạng “sến”, những không gian nghệ thuật “sến”?

- Hồi còn nhỏ, một lần tôi nhìn thấy con lợn nái mà bà ngoại tôi nuôi cứ gặm vữa chân tường ăn ngon lành.

Tôi ngạc nhiên lắm, thậm chí phẫn nộ, tôi cứ đứng canh để đuổi mỗi khi con lợn nái đó lao vào gặm vữa.

Rồi ông ngoại tôi giải thích rằng con lợn đó đang nuôi con nhỏ và nó thiếu chất. Trong vữa tường có thứ vi chất mà con lợn đó cần, và nó cảm thấy dễ chịu khi ăn vữa.

Từ đó, tôi nghĩ rằng mọi sự mê đắm trong cuộc đời này đều xuất phát từ những nhu cầu có thực. Tuy nhiên, con người khác con lợn ở chỗ có thể tạo hướng đến những nhu cầu cao hơn, khó khăn hơn.

Anh là người có trang riêng trên FB rất ấn tượng. Cá nhân tôi rất thích đọc những status của anh, dù tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng chung một tâm trạng hay một góc nhìn. Như anh nói, anh là một người không rảnh rỗi. Tất nhiên rồi, ở một vị trí và trong một công việc như thế, lại với một tâm thế luôn đầy ưu tư như thế thì làm sao mà rảnh rỗi được. Thế nhưng, anh vẫn xuất hiện rất thường xuyên trên FB. Đối với anh, cách tâm sự trên FB như thế có những tác dụng gì? Chắc không chỉ là như một liệu pháp tâm lý?

- Tôi là người thích những thú vui có tính trải nghiệm, thử thách. Và FB là một công cụ khá tốt để tôi có thể thực hành thú vui của mình. Khi anh thấy tôi không xuất hiện trên FB là lúc tôi có thời gian cho mình.

Còn khi bận rộn, tôi sẽ thường lên FB, tung ra những stt để đo phản ứng của cộng đồng, quan sát cảm xúc của cộng đồng. Chính xác đó là một thú vui, một cách tập thể dục trí não, và đôi khi nó giúp tôi thấy được nhiều thứ thuộc về cuộc sống bên ngoài văn phòng mình.

Anh có nghĩ rằng FB trong cách tồn tại đương thì của nó, rất dễ khiến những ai không vững vàng tâm thế sẽ dần dà trở nên ảo tưởng về quyền năng của mình? Hoặc rất dễ bị lôi cuốn bởi những trào lưu thịnh hành có đông người theo?

- Vâng, tôi đồng ý với nhận định này. FB giống ma tuý ở khả năng gây nghiện, nó nguy hiểm hơn ở sự dễ dàng tiếp cận, và những thuật toán của nó khá là ve vuốt người dùng khi luôn theo sát những sở thích cá nhân của họ. Và, cũng giống như ma tuý, nó tạo ra ảo giác, và nó điều khiển cảm xúc, hành vi của người ta khi đã nghiện.

Anh có phải là người dễ bị tác động không?

- Tôi dễ bị tác động bởi tình cảm, bởi những món nợ ân tình chứ không bị tác động bởi tư duy, hay sức mạnh của ai đó, của công cụ nào đó.

Anh có nghĩ anh là một trong những người có thể tác động tới tâm lý của nhiều người trên mạng xã hội không? Và điều đó đối với anh có quan trọng hay không?

- Tôi không mấy quan tâm tới sự quan trọng của bản thân, và tôi cũng ít bị tác động bởi quan điểm của người khác, nên tôi cũng không nghĩ rằng mình có thể tác động tới người khác, nhất là những người chỉ biết tôi thông qua mạng xã hội.

Với tư cách một nhà báo, anh nhìn nhận thế nào về diễn tiến phiên tòa liên quan tới sự cố nghiêm trọng ở bệnh viện Hòa Bình, làm 7 người chạy thận tử vong? Có phải mạng xã hội đã tác động lớn tới những quyết định của phiên tòa này?

- Tôi nghĩ đó là một phiên toà thú vị, và phán quyết trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung theo tôi là thoả đáng.

Đây cũng là một phiên toà thu hút sự chú ý, quan tâm rất nhiều của mạng xã hội, và có lúc tôi đã cảm thấy lo lắng là các quan toà sẽ đưa ra những phán quyết chiều lòng cư dân mạng.

Tuy nhiên, rất mừng là điều đó đã không xảy ra, và với phán quyết vừa rồi, tôi đánh giá khá cao hội đồng xét xử.

Chúng ta nhìn chung ai cũng phải ở trong một quy trình công việc nào đấy. Và khi quy trình đó bị trục trặc, dẫn tới những tai biến chết người thì liệu có ai được quyền coi mình hoàn toàn vô can không?

- Nếu suy nghĩ mình vô can trước cái chết của người khác do quy trình mà mình là một phần trong đó bị trục trặc, tôi cho rằng đó là một suy nghĩ nguy hiểm đối với xã hội. Nếu giữ suy nghĩ đó, chúng ta rất dễ trở nên bàng quan, vô cảm đối với công việc của mình, với số phận của những con người chịu tác động bởi công việc của mình.

Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, anh từng làm việc với những ai? Những ai đã từng là sếp của anh? Anh có ấn tượng với ai nhất?

- Tôi làm việc ở Đài đến bây giờ là 22 năm, và có rất nhiều sếp. Nếu ý anh muốn hỏi về các vị Tổng giám đốc, tức là sếp cao nhất thì trong thời gian đó tôi có tất cả 5 vị Tổng giám đốc.

Trong số đó có hai người mà tôi có thể nói với họ những suy nghĩ của mình mà không cảm thấy ngại ngần. Đó là chú Trần Mai Hạnh, và sếp hiện tại của tôi, Tổng giám đốc Nguyễn Thế Kỷ.

Tôi biết anh là người khá gần gũi với nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh khi ông làm Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Bây giờ, nhớ lại quá khứ, anh có nhận xét gì về ông?

- Vâng, khi đó tôi còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi, còn chú Hạnh là một tượng đài. Đối với tôi thì chú Hạnh là một nhà báo, một người thầy.

Chú cũng giống như cha tôi, chú không dạy tôi bằng mệnh lệnh, mà bằng chính thái độ của bản thân chú đối với công việc, với cuộc đời, và cả nghịch cảnh.

Năm đó, trong phiên toà xét xử chú trong vụ án Năm Cam tại TP HCM, tôi dự với tư cách phóng viên đưa tin. Khi đi qua chỗ tôi đứng, chú mỉm cười, bảo tôi: “Làm báo, nghịch cảnh đôi khi là một cơ hội đấy!”

Lúc đó tôi không hiểu, giờ vẫn không thực sự hiểu, nhưng mỗi lúc gặp nghịch cảnh, tôi thường nhớ câu nói đó, và bất giác mỉm cười.

Anh làm tôi ứa nước mắt vì tôi cũng rất trân trọng nhà báo Trần Mai Hạnh trong những nghịch cảnh của đời ông…

Xin cảm ơn anh, nhà báo Phạm Trung Tuyến!

FB giống ma tuý ở khả năng gây nghiện, nó nguy hiểm hơn ở sự dễ dàng tiếp cận, và những thuật toán của nó khá là ve vuốt người dùng khi luôn theo sát những sở thích cá nhân của họ. Và, cũng giống như ma tuý, nó tạo ra ảo giác, và nó điều khiển cảm xúc, hành vi của người ta khi đã nghiện.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Hồng Thanh Quang (thực hiện)