'Con có ở lại với cha không?'

Hoàng Yến 12/06/2018 09:00

Chỉ bằng một câu nói đơn giản nhưng chứa chan niềm yêu thương,Linh mục Vũ Kim Long cùng các cha ở Trung tâm dạy nghề tư thục Đông Thuận, tỉnh Vĩnh Long đã dang tay ôm lấy bao đứa trẻ bị bỏ rơi rồi dạy dỗ chúng thành người tử tế.

'Con có ở lại với cha không?'

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hầu A Lềnh, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh
trong vòng tay chào đón của thầy và trò nhà Don Bosco Đông Thuận. Ảnh: Quốc Trung.

Trung tâm dạy nghề tư thục Đông Thuận là một ngôi trường đặc biệt khi chỉ ưu tiên nhận những trẻ cá biệt vào học.

Đó là trẻ mồ côi, trẻ em người dân tộc, trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường cho đến trẻ bỏ học, trẻ quậy phá bố mẹ không quản lý được và những đứa trẻ bị đuổi từ các trường khác.

Sống là tìm cầu hạnh phúc, là ước vọng bình yên. Do vậy, trong cuộc sống ai cũng muốn có được niềm vui và hạnh phúc cho bản thân. Vậy ai sẽ là người cho đi?

Câu hỏi của chúng tôi đã để lại ở bên ngoài cánh cổng Trung tâm dạy nghề tư thục Đông Thuận. Bởi vì, ngay khi bước qua cánh cổng ấy, chúng tôi đã hiểu, thế nào là sự cho đi.

Trong nắng sớm mùa hè, dưới tán cây phượng thả từng chùm hoa lửa đỏ rực một góc trường, Linh mục Vũ Kim Long như một người nhạc trưởng thực thụ, chỉ đạo dàn nhạc Đông Thuận tấu lên những bài ca rộn ràng.

Một ban kèn với 50 nhạc công và một ban hòa tấu khoảng 40 em vô cùng chuyên nghiệp. Các em thổi sáo, harmonica, guitar, trống cajon, organ, ekulele…

Và nói chung, theo lời linh mục Vũ Kim Long tất cả học sinh đều có cơ hội học âm nhạc và biết cách biết sử dụng một loại nhạc khí đơn giản.

Tại sao lại là âm nhạc? Vì âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức về các mối quan hệ xã hội, quan hệ huyết thống và luân lý đạo đức đời thường.

Âm nhạc là nguồn cảm hứng nội tâm, có khả năng tạo ra sự sung mãn về tâm hồn, nâng cao ý chí nghị lực trong cuộc sống.

Tính giáo dục của âm nhạc có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của con người, nhất là mặt tâm tư tình cảm.

Chính vì lẽ đó mà các cha, các thày ở trường Đông Thuận đã chọn âm nhạc như một cách tiếp cận để mở cánh cửa tâm hồn tạo nên những cung bậc tình cảm rất tinh tế, thuần hóa tâm thức, đưa những đứa trẻ ngỗ ngược về với nhân cách vốn có của mình.

Ngắm nhìn hơn 200 em học sinh từ lớp 9 đến 12 ngoan ngoãn, lịch thiệp, xinh đẹp chẳng ai có thể nghĩ, trong số đó có những đứa trẻ từng rất quậy phá, cả nhà trường và gia đình đều không quản lý được.

Có lẽ nhiều người cũng sẽ như chúng tôi tự hỏi: Điều gì khiến lũ trẻ ở lại với nơi này, coi Trung tâm như mái nhà của mình?

Với tất cả sự khiêm nhường, Linh mục Vũ Kim Long lý giải bằng một điều rất đỗi giản dị: “ Đó là tình thương và những sinh hoạt vui tươi lành mạnh.

Việc chúng tôi phải làm là làm cho các em cảm thấy mình được thương mến đồng thời những sinh hoạt của nhà trường phải thật hấp dẫn, khiến các em muốn ở lại trong nhà Don Bosco”.

Dòng Saledieng Don Bosco có mặt tại Việt Nam từ năm 1952. Tính đến nay, dòng Saledieng Việt Nam có 4 trung tâm dạy nghề như thế này ở Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, Hà Tĩnh và tỉnh Vĩnh Long. Don Bosco được Giáo hội Công giáo tuyên phong danh hiệu: Cha, Thày và Bạn của giới trẻ.

Bởi lẽ đó nên các linh mục dòng Don Bosco quyết dành trọn cuộc sống của mình để lo cho giới trẻ, đặc biệt thành phần trẻ nghèo và bị bỏ rơi.

2,2 triệu đồng/ tháng là chi phí cho mỗi đứa trẻ ở trường Đông Thuận. Vậy mà chúng tôi không tìm thấy bất cứ lời than thở nào từ gánh nặng cơm áo trong ánh mắt của Linh mục Vũ Kim Long- Giám đốc của Trung tâm này.

Ông chia sẻ với chúng tôi, kể cả những khó khăn, đều được hoá giải trong niềm hân hoan, hy vọng. Bởi theo ông, với trẻ mồ côi, nghèo và trẻ em người dân tộc, nhà trường chỉ cần tìm học bổng cho các em là ổn định.

Còn đối với trẻ bỏ học, bị đuổi và quậy phá- là một thách đố đối với không chỉ các cha và thầy cô nơi đây mà còn là nỗi âu lo của cả xã hội.
Linh mục Vũ Kim Long cho rằng, người sáng lập Don Bosco đã để lại một gia bảo quý giá, đó là phương pháp giáo dục bằng tình thương.

Sự hiện diện thường xuyên và thân ái của các cha khiến các em coi bề trên như người bạn đồng hành, gần gũi với các em suốt những ngày sống.

Chính sự giáo dục các em tự ý thức, để không cần sử dụng đến hình phạt, mà chỉ cần một câu nói nhẹ nhàng, nhà trường đã giúp các em tự giác và điều chỉnh lại hành vi của mình.

Và để lý giải cho việc nhà trường tuyệt đối ưu tiên chọn các em quậy phá, bỏ học hơn các em ngoan ngoãn và học giỏi, người thầy đáng kính- vị linh mục đáng trọng Vũ Kim Long vừa âu yếm nhìn lũ trẻ đang đứng thẳng hàng đều tăm tắp trước sân trường vừa hỏi lại chúng tôi: Vì khi các trường tuyển sinh, thành phần quậy phá và bỏ học sẽ bị gạt ra đầu tiên. Vậy các em sẽ đi đâu? Làm gì?

Và ai đón nhận các em, nếu không phải là Don Bosco?

Kinh Thánh viết: "Sống ở trên đời, ai trong chúng ta cũng muốn yêu và được yêu, bởi tất cả chúng ta đã được yêu bằng một tình yêu cao cả”.

Tình yêu cao cả ấy chúng tôi đã được ngắm nhìn trong nhiều lần hạnh ngộ với những người Công giáo. Và câu hỏi mà Linh mục Vũ Kim Long vừa đặt ra cũng chính là câu trả lời cho tất cả.

Tôn chỉ mục đích của nhà trường là không tuyển sinh vào đầu năm học cũng bởi một ý nghĩa nhân văn là đợi khi các trường tuyển sinh xong thì dang tay đón nhận những đứa trẻ quậy phá, bỏ học.

Tấm lòng của các cha ở nơi này chính là sự cho đi. Và điều kiện duy nhất được đưa ra là: “Con có muốn ở lại với cha không?”.

Chỉ cần ở lại với cha. Không cần gì khác.

“Thế là đủ rồi. Chúng tôi sẽ không đuổi bất cứ em nào. Bởi vì những em mà cha mẹ đã không quản lý nổi mà chúng tôi lại đuổi thì khác nào thả chúng về “rừng””, Linh mục Vũ Kim Long chia sẻ.

Bên cạnh việc giáo dục văn hoá cho các em, Trung tâm dạy nghề Tư thục Đông Thuận hiện có những ngành nghề đào tạo như sửa xe gắn máy; công nghệ ôtô; cơ khí chế tạo; kỹ nghệ sắt; điện công nghiệp và gia dụng, may công nghiệp và thời trang; kế toán doanh nghiệp; tin học văn phòng; chăm sóc sắc đẹp.

Sau khi học xong 4 năm, từ lớp 9 đến lớp 12, lũ trẻ trong nhà Don Bosco Đông Thuận sẽ có bằng lái xe moto, bằng trung cấp nghề, và bằng tốt nghiệp phổ thông.

Hai tấm bằng - bằng nghề và bằng văn hoá cho một đứa trẻ bị bỏ rơi làm hành trang bước vào đời, Trung tâm dạy nghề tư thục Đông Thuận đã mở một cánh cửa lớn hơn để các em có việc làm hoặc liên thông lên cao đẳng và đại học. Điều ý nghĩa ấy, không phải ai cũng biết.

Chúng tôi nhớ mãi buổi hôm ấy, khi Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cùng ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch -Tổng thư ký UBTW MTTQ Việt Nam đến thăm trường.

Nhờ tình yêu của các cha, sự nâng đỡ của chính quyền, sự quan tâm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh mong sao, các em dần trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho đất nước, trở về với dân tộc mình, quê hương mình, giúp đỡ đồng bào mình xoá nghèo, vươn lên đổi mới. Con đường loan báo Tin Mừng cũng sẽ được bắt đầu như thế.

Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Hầu A Lềnh đã thực sự xúc động trong niềm hân hoan chào đón của thầy và trò Trường dạy nghề tư thục Đông Thuận.

Ông gọi trường bằng những cái tên trừu mến như Ngôi trường của tình đoàn kết các dân tộc, Ngôi trường ấm áp tình người để bày tỏ sự tri ân của mình với những công lao của các cha, các thầy đã dạy dỗ, nuôi dưỡng hơn 200 em học sinh mà không chỉ đào tạo về văn hoá, về nghề mà còn đào tạo cả tâm hồn, trí đức, trách nhiệm của các em đối với gia đình, xã hội.

Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, đã đến lúc các cấp lãnh đạo địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cấp Trung tâm thành Trung tâm đào tạo giáo dục thường xuyên, trực thuộc hệ thống đào tạo quốc gia. Đây sẽ là cơ hội để Trung tâm có thêm điều kiện phát triển và tiếp tục phát huy những giá trị nhân văn của mình trong thời gian qua.

Những lời chia sẻ của Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Hầu A Lềnh, của Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh nhận được sự cỗ vũ của thầy và trò trường Đông Thuận.

Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh đã mang tấm lòng của một người công giáo, một công dân để bày tỏ niềm vui khi được đồng hành cùng Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Hầu A Lềnh đến thăm nhà Don Bosco Đông Thuận.

Một hình ảnh tiêu biểu để thấy Mặt trận tổ quốc Việt Nam - mái nhà chung của dân tộc Việt Nam đang có mặt ở khắp mọi nơi, nhất là những vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn cho đến tất cả các tôn giáo để chia sẻ, lắng nghe tiếng nói của đồng bào mình.

Hoàng Yến