Nhà thơ Ngọc Bái: 'TÔI LÀM LÍNH KHÔNG CÓ GÌ ĐẶC BIỆT'

Nguyễn Tham Thiện Kế (thực hiện) 12/06/2018 14:00

Tôi làm lính không có gì đặc biệt, câu thơ này tôi viết khi đã hơn hai chục năm trong quân ngũ. Thời chiến tranh bao nhiêu người từ thôn quê tới đô thị, từ người lao động chân tay đến trí thức, cứ trong lứa tuổi thanh niên là động viên đi lính, có gì đặc biệt đâu?

Nhà thơ Ngọc Bái: 'TÔI LÀM LÍNH KHÔNG CÓ GÌ ĐẶC BIỆT'

Nhà thơ Ngọc Bái.

1. TÔI LÀM LÍNH KHÔNG CÓ GÌ ĐẶC BIỆT. Câu thơ ấy, ông có nhớ mình đã viết trong hoàn cảnh nào không ? Bài thơ đầu tiên ông viết có phải là để tặng người mình yêu?

Nhà thơ Ngọc Bái: - Tôi làm lính không có gì đặc biệt, câu thơ này tôi viết khi đã hơn hai chục năm trong quân ngũ. Thời chiến tranh bao nhiêu người từ thôn quê tới đô thị, từ người lao động chân tay đến trí thức, cứ trong lứa tuổi thanh niên là động viên đi lính, có gì đặc biệt đâu?

Tôi cũng thế. Chiến tranh không loại trừ ai. Tôi đã chứng kiến bao lớp trai trẻ với bao khát vọng tình yêu, vào lính, ra trận, nhiều người không trở về. Khoác áo lính mấy chục năm không có gì xa lạ khi đất nước có biến.

Kết bài thơ tôi đã viết “Đi suốt thời đất nước có chiến tranh/ Không ồn ã, bước qua bao miền chết/ Chợt giật mình tóc rụng lúc còn xanh”! Bài thơ đầu tôi viết được in ở Văn nghệ Quân đội có cái tên “Ghi nhanh trên đỉnh Voi Mẹp”, đỉnh cao 1701 mét, ở chiến trường đường 9. Bài thơ ấy đâu phải để tặng người mình yêu!

Chức vụ và quân hàm khi ông giải ngũ là gì? Là lính trong chiến tranh, ông có trực tiếp cầm súng lâm trận không? Những tác phẩm đoạt giải thưởng Nhà nước của ông có phải sáng tác trong thời kỳ quân ngũ….

- Trước khi ra quân tôi làm chủ nhiệm Văn hóa Văn nghệ quân khu 2, đủ niên hạn cấp tá nhưng không được phong.

Có lẽ tính cách tôi thẳng thắn và cương trực quá chăng! Tôi đã từng cầm súng trực tiếp khi chiến đấu ở chiến trường đường 9 Khe Sanh thời gian 4 năm (1967-1970).

Những tác phẩm tôi được nhận giải thưởng Nhà nước, hầu hết viết từ thời kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau chiến tranh tôi không ngừng viết về thiên nhiên và cuộc sống.

Càng viết càng trải nghiệm. Viết cả ca khúc nữa. Có 3 tác phẩm được giải chính thức của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Trong lý lịch của ông có ghi ông sinh ở Yên Bái, nhưng anh em văn nghệ Phú Thọ và bạn đọc thì lại khẳng định, ông là người Phú Thọ. Tại sao ạ? Có phải do yêu quí ông mà nghệ sĩ Phú Thọ cứ vơ vào, hay là ông cũng muốn là người Phú Thọ?

- Vốn là thế này, cha thân sinh tôi quê Vũ Yển, Thanh Ba, Phú Thọ, lên Yên Bái làm ăn, sinh tôi tại nhà thương Yên Bái. Cho nên tôi là người lưỡng quê.

Nhà thờ tổ vẫn ở Vũ Yển. Yên Bái là nơi tôi sinh sống. Còn Phú Thọ là quê gốc. Nơi nào quí mến tôi thì tôi mừng. Cho nên nói quê tôi Yên Bái hay Phú Thọ đều đúng. Đều bên bờ sông Thao.

Nhà thơ Lê Đạt cũng sinh ở Yên Bái, ông nói gì về người con Yên Bái này?

- Nhà thơ Lê Đạt là người tôi rất kính trọng. Ông kể với tôi rằng, ông ở Yên Bái đến năm 13 tuổi, cha ông là Đào Công Đệ, đã từng là Chủ tịch lâm thời thị xã Yên Bái 1945.

Rồi ông về Hà Nội học tiếp, và sau đó là những phiêu dạt nổi trôi. Năm 2005, đại hội Nhà văn khu vực, ông nói với nhà thơ Hữu Thỉnh cho xe cùng tôi thăm nơi ông ở lúc thiếu thời.

Ông bảo, đổi khác quá! Tôi đọc thơ Lê Đạt và biết ông là người kỹ tính trong sáng tạo thi ca. Tôi tặng ông tập thơ “Khoảng lặng”. Ông đọc trong đêm. Sáng ra ông nói với tôi: “Mình đã đọc hết tập thơ của Ngọc Bái, kiệm lời, được, hướng đi thơ ca thế là đúng”.

Nhà thơ Ngọc Bái: 'TÔI LÀM LÍNH KHÔNG CÓ GÌ ĐẶC BIỆT' - 1

Nhà thơ Ngọc Bái cùng các nhà văn, nhà thơ nữ tại Đại hội nhà văn lần thứ VIII.

Về những năm ông làm Giám đốc Sở Văn hóa TT Yên Bái, người ta nói, ông có công trong việc xây dựng lăng mộ, đài tưởng niệm Nguyễn Thái Học và các đồng chí?

- Việc xây dựng lăng mộ và đài tưởng niệm Nguyễn Thái Học do tôi đề xuất. Đó là kết quả của cuộc hội thảo “Khởi nghĩa Yên Bái, 2/1930, một số vấn đề lịch sử” do tôi vá giáo sư Trần Đức Cường Viện trưởng Viện sử học Việt Nam khởi xướng, tổ chức tại Yên Bái.

Khi Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm lúc ấy tới thăm khu mộ, tôi đã nói: “Lòng yêu nước không bao giờ cũ...

Anh ủng hộ Yên Bái xây lại khu mộ”. Ông Phạm Gia Khiêm đã nhận lời và yêu cầu tôi làm dự án. Sau đó anh Nguyễn Khoa Điềm lúc đó đang là Bộ trưởng Bộ Văn hóa tới thăm công trình và rất đồng tình.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng nhất trí cao. Công trình gồm giải phóng mặt bằng, kè bờ hồ, làm khuôn viên, nhà đón khách, lăng mộ và tượng đài. Kinh phí dưới 7 tỷ.

Khi làm công trình, tôi nói với những người thực thi rằng ông Nguyễn Thái Học, ông Phó Đức Chính... chết trẻ, nên rất thiêng. Đừng ai xí xớn gì, kẻo gẫy chân què tay, méo mồm như bỡn!

Còn câu nói của Louis Aragon khắc bên lăng mộ Nguyễn Thái Học?

- Xây bia khắc câu thơ của Louis Aragon do tôi đề xuất. Câu thơ dịch của Viện sử học, có sự góp ý của nhà thơ Nguyễn Đình Thi khi thăm lăng mộ các liệt sĩ trong Khởi nghĩa Yên Bái.

Lấy kinh phí riêng của ngành Văn hóa xây dựng. Bia đã được sửa lại, có câu thơ bằng tiếng Pháp của Aragon.

Trong quan niệm, tôi coi khu lăng mộ Nguyễn Thái Học và các đồng sự hy sinh như ngôi- đền- không- mái, thiên địa nhân hòa hợp, thờ tinh thần yêu nước của người Việt.

Rất mừng là bà con thường xuyên đến thắp hương và dâng hoa.

Ngày các ông bị xử chém 17/6/1930, được đặt vòng hoa và nhiều đoàn khách tới viếng, trong đó có đại biểu Thổ Tang quê Nguyễn Thái Học.

Khu lăng mộ luôn được công ty cây xanh đô thị chăm sóc hàng ngày. Sắp tới Yên Bái sẽ xây khu nhà tưởng niệm Nguyễn Thái Học và các liệt sĩ ngay sau lăng mộ, với diện tích khuôn viên khoảng 2 ha.

Ông được trao giải thưởng Nhà nước về những tác phẩm tiêu biểu hay là về toàn bộ cống hiến? Đặc điểm nổi trội ở bản thân, mà ông hài lòng nhất là gì?

- Như đã nói, giải thưởng Nhà nước của tôi được trao cho cụm tác phẩm, gồm 3 tập thơ và 1 trường ca.

“Con đường đất đã qua” là tập thơ chủ yếu viết về một thời áo lính, với những con đường khe suối hiểm hóc, những hi sinh thầm lặng và phẩm chất người lính trải qua cuộc chiến.

“Đồng vọng ngõ phố xưa” là tập thơ nghiêng về hoài niệm về thời trai trẻ, về quê hương , về những ngày tháng thanh bình, về cuộc sống thường nhật.

Tập thơ “Khoảng lặng” là những chiêm nghiệm về nhân tình thế thái sau chiến tranh. Tập trường ca “Lời cất lên từ đất” viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái 2/1930, bi hùng và quật khởi. Đặc điểm nổi trội của tôi là hết lòng vì công việc, yêu mến mọi người và nhiều người quí mến.

Tôi hài lòng nhất là đã làm được nhiều việc cho quê hương Yên Bái.

Ông đã xuất bản bao nhiêu tập thơ? Mỗi tập thơ, ông có thể trích ra bao nhiêu câu thơ hay nằm lòng của mình?

- Tôi đã viết 10 tập thơ, 3 tập trường ca và 1 tập thơ chưa in. Những câu thơ nằm lòng, tôi xin trích: “Rất nhiều vùng đất không tên/ Rất nhiều dấu võng bỏ quên giữa rừng” (trong tập Những con đường đất đã qua).

“Những lúc yêu thăm thẳm, buồn thăm thẳm/ Thì giữa đường bỗng gặp thi ca” (trong tập Khoảng lặng).

“Thời gian nhuộm xám mặt/ Cúi đầu lạy đất quê” (trong tập Khoảng lặng).

“Đâu là bến giác, đâu là bùa mê/ Em ơi xanh lắm tình em hẹn thề” (trong tập Đồng vọng ngõ phố xưa).

“Cây suông ướt át chưa xanh lại/ Đào đã tự nhiên lấm thấm hoa” (trong tập Thạch thảo miền rừng).

“Suối trong mát khỏa thân viên cuội trắng/ Thiếu nữ ngây thơ thả tóc bờ vai” (trong tập Thạch thảo miền rừng).

“Những năm tháng cam go dữ dội/ Ngẩng đầu lên mà bước trước mặt trời” (trong tập Trong trẻo trước mùa thu).

“Ta rong ruổi suốt một thời trai trẻ/ Mây rủ lòng trong trẻo trước mùa thu” (trong tập Trong trẻo trước mùa thu).

“Bước lẻ so buồn mưa phố cổ/ Nhặt lên kỷ niệm vẫn tinh khôi” (trong tập Đùa với tạo hóa).

“Ta buồn lại nỗi buồn xa xăm ấy/ Để khi yêu em khỏi phải nghi ngờ” (trong tập Trầm tĩnh cánh rừng).

“Có thể nào không nói tới gian truân/ Đá thì cứng, chúng tôi trai trẻ” (trong tập Thấp thoáng bóng mình).

“Đất này mưa nắng đã nhiều/ Âm dương sấp ngửa bao nhiêu kiếp người” (trong tập Thời áo lính).

“Bạn bè khuất nẻo trong xa vắng/ Trường Sơn thăm thẳm lắm, Trường Sơn” (trong tập Thời áo lính)...

Ông đã về hưu, về hưu là đã hết cống hiến hay chưa? Ngoài những điều ông đã làm được thời đương chức, còn có điều gì trăn trở nữa?

- Về hưu là được nghỉ ngơi sau những năm làm lính và những năm làm công chức. Nhưng với tôi có nhiều việc như còn mắc nợ. Có lẽ cũng vì cái nghiệp văn chương khó dứt.

Phần do những ý tưởng nung nấu chưa có dịp thực hiện. Nói cống hiến có vẻ to tát quá.

Tôi nghĩ rằng mình chỉ có chút đóng góp công sức và đã hoàn thành chức trách và vai trò công dân.

Thật ra, có ý tưởng còn ấp ủ trong tôi. Nhưng có những việc ngoài tầm tay, khó thực hiện. Đấy là điều tôi trăn trở.

Chẳng hạn, thời ấy tôi muốn xây một công tŕnh phúc lợi cho địa phương phục vụ dân, đó là tháp nước xin được của nước ngoài, phục vụ du lịch.

Một nửa lãnh đạo tán đồng, còn một nửa cản trở. Và nửa cản trở đã thắng.

Lực bất tòng tâm là câu ngạn ngữ đúng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Nguyễn Tham Thiện Kế (thực hiện)