Một đời quân ngũ

Phạm Quang Đẩu 13/06/2018 09:00

Thường thì mỗi khi về nơi ở mới, ta phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu  những người quanh ta. Ngày về khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội), tôi may mắn được là hàng xóm với một người đáng kính. Đó là đại tá, thầy thuốc nhân dân Trần Mạnh Chí, nguyên Viện trưởng Viện Quân y 103 (Học viện Quân y).

Thời còn đương chức, ông là chuyên gia đầu ngành của quân đội về phẫu thuật thần kinh, từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước là người đầu tiên ở viện quân y này bảo vệ thành công học vị tiến sĩ, bản luận văn của ông được tổng kết từ hàng trăm trường hợp thương binh sọ não do chính tay ông mổ thành công.

Một đời quân ngũ

Một ca mổ tại Viện Quân y 103, bác sĩ Trần Mạnh Chí đứng đầu bên trái.

Ngày đó ông đã có sáng chế mũi khoan sọ đa năng được Bộ Quốc phòng khen thưởng, dùng rộng rãi trong toàn quân.

Ông còn là người thầy đào tạo ra nhiều tiến sĩ y học...

Đến tuổi hưu, đồng nghiệp, học trò đến mời ông làm thêm cho phòng khám tư của họ, ông đều từ chối.

Nhưng ông không thể từ chối việc tham gia công tác xã hội, trong Đảng ủy phường, rồi chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường mấy khóa liền.

Hàng ngày ông còn mất khá nhiều thì giờ vào những việc “không tên” như đi nói chuyện sức khỏe; giúp đọc đơn thuốc; đọc phim Xquang, phim CT; trả lời qua điện thoại cách phòng, chữa ở một số bệnh cụ thể.

Mặc nhiên là một thầy thuốc thiện nguyện đúng nghĩa. Có vị lão thành cách mạng nọ bị viêm khớp háng nặng, phải đến bệnh viện tiêm phong bế thuốc vào vùng háng.

Cô y tá trẻ của bệnh viện khi tiêm cứ lóng ngóng bởi vị trí tiêm khó, thế là vị lão thành đến nhờ ông.

Hàng ngày ông mang đồ tiêm sang nhà người bệnh, cả tháng trời kẽo kẹt như vậy đã giúp cho vị lão thành đi lại được bình thường.

Dịp đó vị được lĩnh khoản tiền do tham gia tiền khởi nghĩa, muốn biếu ông một ít tiền, gọi là món quà trả ơn cứu mạng, song ông đã kiên quyết từ chối.

Lại có chuyện không may xảy đến với một vị khác trong khu tập thể.

Sáng hôm ấy vị này trên đường đến phường lĩnh lương hưu bị vấp hòn đá ngã đập mặt xuống đường, máu ra nhiều, rạn vỡ xương quai hàm, nằm quay lơ tưởng chết.

Run rủi thế nào đúng lúc vợ chồng bác sĩ Chí đi bộ thể dục qua. Bác sĩ vội đỡ nạn nhân dậy, rồi bảo bà vợ chạy ngay về nhà lấy bông băng, hộp kim chỉ khâu, cùng con dao mổ.

Ông cố định xương, sát trùng, khâu vết thương tại chỗ, sau đó gọi người nhà đưa nạn nhân đi viện ngay.

Một tuần sau vị ra viện, đến gặp bác sĩ Chí cảm ơn, bảo là được cấp cứu kịp thời, không lệch xương, không nhiễm trùng, vết khâu đẹp.

Một dạo tôi được ông tặng sách, ông bảo thói quen viết lách có từ hồi trẻ về già cũng không bỏ được.

Đó là mấy tập thơ về tình yêu quê hương, đồng đội; rồi năm 2001 nhà xuất bản Thanh Niên lại ấn hành cuốn Đề phòng những tai nạn trong cuộc sống hiện đại, trong đó ông trình bày ngắn gọn, dễ hiểu cách sơ cứu tại chỗ các tai nạn thường gặp như: sốc chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương vùng bụng, gãy xương sống, gãy kín xương đòn, cấp cứu chết đuối...

Ngành giao thông vận tải đã cử người đến đề nghị ông viết giúp chuyên đề về sơ cứu những tai nạn giao thông trên đường khi xa cơ sở y tế, để phổ biến rộng rãi cho các chủ xe khách trên nhiều tuyến quốc lộ.

Thế rồi ở tuổi ngoài 80 bác sĩ Trần Mạnh Chí bị một trận ốm nặng, các học trò, đồng nghiệp ở Viện Quân y 103 đã tận tình chăm sóc, cứu chữa và sau mấy tháng điều trị ông xuất viện.

Tôi cùng các bạn hàng xóm đến thăm, ông vui vẻ nói là qua được “năm hạn”, tự dưng cái máu viết lách ngày trước lại trỗi dậy, dự định sẽ viết một cuốn hồi ký về nửa thế kỷ quân ngũ.

Sau nửa năm, cuốn hồi ký ông đặt tên “Một đời quân ngũ” đã hoàn thành. Tôi được ông nhờ đọc bản thảo.

Quả là hồi ký của ông có sức cuốn hút bởi cách viết giản dị, chân thực, giàu cảm xúc và không hiếm những tư liệu chỉ riêng ông có, đó thực sự là bức chân dung khá hoàn chỉnh về người lính quân y.

Giờ đây tôi biết thêm nhiều điều về Đại tá Trần Mạnh Chí, mà thường ngày ông vốn khiêm nhường, kín tiếng chưa có dịp thổ lộ.

Ông từng có “tuổi thơ dữ dội”, đã chứng kiến những chiến dịch Pháp nhẩy dù, càn quét; rồi còn phải hứng chịu trận máy bay “bà già” ném bom, tưới xăng thảm sát hàng trăm dân lành ở chợ Đông Thành (Thanh Ba, Phú Thọ) nơi gia đình ông sơ tán.

Xấp xỉ tuổi 17 anh trai làng Trần Mạnh Chí nhập ngũ, làm y tá của Trung đoàn Sông Lô.

Anh tham gia các chiến dịch lớn thời chống Pháp, bài học nhập môn của anh là cầm đuốc đứng hàng giờ soi cho ca mổ đêm cấp cứu tại một trạm phẫu dã chiến trong rừng.

Đêm đó anh ước mơ đến một ngày sẽ trở thành bác sĩ được mổ chính như bậc đàn anh ở đấy. Hòa bình lập lại trên miền Bắc ước mơ của anh đã thành hiện thực, là quân y sĩ Sư đoàn 312 anh được cử đi học khóa bác sĩ đầu tiên của quân đội.

Ra trường, người bác sĩ trẻ ấy do học giỏi, khéo tay, được nhà phẫu thuật thần kinh nổi tiếng, Thiếu tướng, GS.TS.Phạm Gia Triệu, phó giám đốc Viện Quân y 108 lấy làm trợ giảng.

Hồi ký có đoạn, anh được cử thay thầy Triệu mổ cho một phi công Mỹ bị bắn rơi ở Tuyên Quang đầu năm 1968: “Ngày ấy, Viện Quân y 103 sơ tán về làng Cao Mật, Bình Đà, Hà Tây (cũ).

Một buổi sáng tôi đang ở B9 thì Viện phó Lê Thế Trung đến bảo tôi đi mổ ca sọ não cho một phi công Mỹ bị bắt làm tù binh, GS Phạm Gia Triệu đi vắng chỉ đích danh tôi mổ thay.

Viên phi công đang nằm dài trên bàn mổ, đầu cuốn băng to xù. Bác sĩ Tố gây mê đi theo tôi biết tiếng Anh hỏi hắn vài câu, rồi anh quay lại nói, hắn tha thiết nhờ các ông cứu chữa.

Tôi giở băng đầu xem sơ bộ, hắn bị mảnh tên lửa vào tiểu não hố sọ sau và còn bị một vết bỏng nhẹ ở cổ, cần phải gây mê sâu.

Anh Tố gây mê bằng ether cloroforme, được một lúc mà không thấy hắn mê.

Tôi bảo: Chắc thằng này hay uống rượu mạnh.

Anh Tố cúi xuống hỏi, nó trả lời, đúng tôi hay uống rượu mạnh, không mê được đâu, các ông cứ mổ đi.

Tôi tỉ mỉ lấy hết phần não nát, nhặt các mảnh xương vụn, cầm máu kỹ và dẫn lưu, rồi khâu phủ da chỗ vết thương.

Ca mổ kết thúc sau hơn một giờ đồng hồ. Tôi gọi điện cho GS. Phạm Gia Triệu: Tốt rồi thầy ạ, may nhất cho nó là mảnh đạn trượt qua xoang tĩnh mạch, nếu trúng vào đấy thì rầy rà to.”

Ông viết khá kỹ thời kỳ làm đội trưởng Đội điều trị 35 ở Trường Sơn, có nhiều trang mô tả một cách trần trụi, đau xót về những cái chết của những người lính trẻ do bom đạn, sốt rét rừng, chất độc da cam...

Đoạn viết về trận bom B52 suýt xóa sổ Đội điều trị 35 của ông: “Đó là nửa đêm ngày 20/3/1970.

Trong giây lát đất trời đảo lộn. Chiếc đài bán dẫn Hytachi nhỏ như cục gạch của tôi và cái bàn nứa bay tung lên, tôi thì như bị một bàn tay vô hình tóm lấy quật người vào thành hầm, đau nhói ở mạng sườn. Lại đợt hai. Bom nổ rùng rùng ép chúng tôi ngột thở.

Các cô y tá ở hầm bên chạy ào ào vào hầm chỉ huy, có cô nhẩy cả lên mái nhà đã sập tụt vội xuống hầm phía dưới, nghe tiếng các cô Đãi, Nhung: Chúng em cùng chết với thủ trưởng! Anh Nên nói với tôi: Còn đợt ba nữa.

Thương bệnh binh ra sao rồi? Tôi hỏi Nên. Không thể chờ tránh đợt bom thứ ba, phải cứu thương binh trước.

Chúng tôi từ hầm trồi lên. Mặt đất tối om. Tôi hô to: Chỗ nào có tiếng kêu thì đến!

Bom B52 đã làm cây rừng trụi sạch, không hiểu bằng cách nào mà nó lại nghiền vụn tất cả lá cành, khi chúng tôi chạy trên mặt đất, có một thảm lá vụn tơi ngập sâu đến tận đầu gối, cứ theo hướng có tiếng kêu cứu mà tìm đến...

May mà không có đợt rải thảm thứ ba. 17 người chết, bom xóa sổ cả khu bệnh nhân tâm thần, có hố bom chỉ cách hầm chỉ huy của tôi vài mét.”

Trong hồi ký, không thiếu những đoạn thú vị khi kể về thiên nhiên ở đại ngàn Trường Sơn.

Chẳng hạn: “Trưa hôm đó tôi nghe có tiếng lợn kêu eng éc, rồi tiếng súng AK nổ chát chúa. Chạy ra, y tá Nguyễn Văn Nôm, quê Thái Bình vừa bắn hạ con trăn rừng mò vào khu chăn nuôi.

Một con trăn khổng lồ, nó phồng mồm nuốt gọn vào bụng cả một con lợn choai và đang cuộn tròn quanh một gốc cây to, tiêu hóa bằng cách nghiền ép con mồi vào thân cây cho nát hết xương thịt.

Kéo con trăn ra, nó dài hơn hai mét, nặng khoảng vài chục ký. Tôi hỏi Nôm: Hay nấu cao toàn tính? Anh cười, nấu cao phức tạp, cứ chia anh em trong đội mỗi tổ một khúc, nấu cháo toàn tính, bồ bổ sức khỏe chống sốt rét thủ trưởng ạ.”

Ngày bác sĩ Trần Mạnh Chí nhận quyết định đi B thời hạn 1 năm, nhưng điều kiện chiến trường thiếu cán bộ, nhất là thiếu những nhà chuyên môn giỏi nên ông phải ở lại chiến trường tới 4 năm mới được trở lại đơn vị cũ...

Người ta nói: Văn là người. Chúng tôi, những hàng xóm của bác sĩ Trần Mạnh Chí háo hức chờ ngày cuốn Một đời quân ngũ của ông phát hành để nhiều người được đọc kỹ, hiểu hơn về ông, một Anh bộ đội Cụ Hồ thuộc thế hệ “vàng” đã trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta.

Phạm Quang Đẩu