Ian Fleming: Cha đẻ của 007

Huy Ngọc 15/06/2018 09:00

Ngày 28/5 vừa qua là tròn 110 năm sinh nhật của nhà văn, nhà tình báo Anh Yan Fleming (28-5-1908 - 12-8-1964), cha đẻ của nhân vật điệp viên lừng danh thế giới James Bond, tức 007. Cuộc đời ông có khá nhiều chi tiết thú vị.

Fleming sinh ngày 28/5/1908 trong một gia đình quý tộc ở Mayfaire, London.

Ian Fleming: Cha đẻ của 007

Ian Fleming.

Người cha, Valentine Fleming, là thượng nghị sĩ, một trong những thủ lĩnh của đảng Bảo thủ. Năm 1917, người cha hy sinh ở chiến trường Đức và được truy tặng huy chương vì “những cống hiến xuất sắc”.

Đích thân Winston Churchill (vị Thủ tướng tương lai của “hòn đảo sương mù”) đã viết cáo phó cho người bạn thân trên tờ Times lừng danh. Và thế là ngay từ năm 9 tuổi, cậu bé Ian đã mồ côi cha.

Sau này lớn lên, dù ở đâu thì Fleming cũng treo ở trên tường như bản sao của cáo phó đó.

Cái chết của cha có lẽ đã ảnh hưởng rất lớn tới số phận của Ian: nếu cha cậu còn sống thì có lẽ ước mơ lớn nhất của đời cậu là trở thành một điệp viên đích thực đã có thể là sự thật. Tiếc thay, mọi sự đã chuyển sang hướng khác.

Mẹ của nhà văn tương lai, bà Evelyn Ste Croix Fleming (họ thời con gái là Rose), một phụ nữ thượng lưu nhiều tham vọng, rất mong con trai mình lớn lên phải thành đạt như cha hoặc thậm chí hơn cha.

Không ngẫu nhiên mà bà còn đặt cho Ian một cái tên thứ hai là Lancaster, để nhấn mạnh tới dòng dõi quý tộc lâu đời của bà mà theo gia phả, xuất thân từ chính công tước Lancaster, con trai của ông vua huyền thoại Eduard Đệ tam.

Tuy nhiên, ngày nhỏ Ian thường xuyên làm những việc chẳng mấy vinh danh cho dòng họ.

“Không biết nó giống ai mà lại như thế!” – người mẹ không chỉ một lần phải thốt lên đầy thất vọng vì những trò tinh nghịch của con trai.

Ngay từ nhỏ, Ian đã tỏ ra là người có tính cách không đơn giản chút nào. Nhà văn tương lai hay chơi dại, học hành chểnh mảng và sớm mê phụ nữ…

Sự không đơn giản trong tính cách của Fleming đặc biệt bộc lộ rõ trong quan hệ với người khác phái.

Đủ đầy và rất duyên dáng, Fleming đã chỉ nhìn thấy ở phụ nữ, hệt như James Bond, một đối tượng không quan trọng hơn là cái xe hơi đẹp: có thể đánh đổi nó bất cứ lúc nào không hề tiếc nuối lấy một cái xe đi nhanh hơn và mẫu mã "xịn" hơn.

Ông rất thích những phụ nữ có chồng, đặc biệt là vợ của bạn mình, và thường là lao vào trận một cách rất hăng say, không chút chần chừ.

Trong cuộc gặp thứ nhất, thứ hai hay thứ ba với người phụ nữ mà ông thích, ông không ngần ngại ra những câu hỏi thẳng thừng, những lời đề nghị khiếm nhã và không hề ngần ngại khi bị từ chối, vẫn tiếp tục trò chuyện như không có gì xấu xảy ra.

Cũng phải nói rằng, Ian Fleming đã được gia đình tạo điều kiện cho ăn học đầy đủ. Ông đã tốt nghiệp Trường Eton danh tiếng, nơi từng đào tạo ra 19 vị Thủ tướng của nước Anh (đây cũng là nơi cha nhà văn từng tốt nghiệp).

Tuy nhiên, tại đó, Ian lo học thì ít mà lại đi tán gái thì nhiều. Thậm chí chàng sinh viên trẻ còn cặp với vợ của một giảng viên.

Và đã bị phát giác dù đã rất cẩn thận.

Số là, trong lúc Ian loay hoay hành sự với người tình trong phòng ngủ thì ở ngay lối vào ngôi nhà đó luôn có một người bạn thân của anh đứng canh chừng với một nút bấm tín hiệu (người bạn này về sau cùng làm với Ian Fleming trong phòng kỹ thuật của tình báo hải quân).

Nếu thấy từ xa dáng người giảng viên thì anh bạn sẽ bấm nút và trong phòng ngủ sẽ vang lên tiếng chuông để Ian kịp thời chuồn.

Tuy nhiên, một lần, nút bấm bị hỏng và Ian đã bị người giảng viên bắt quả tang trong tư thế tội lỗi.

Thế là nhà văn tương lai đã bị đuổi khỏi trường Eton…
Nhà văn tương lai sau vụ đó đã bị mẹ mắng mỏ dữ dội.

Cực chẳng đã, bà đã đưa con trai vào Học viện Hải quân Hoàng gia Sandhurst, nơi xuất thân của nhiều chính trị gia và tướng lĩnh danh giá của nước Anh.

Tuy nhiên, Ian Fleming cũng chỉ trụ được ở đó khoảng một năm rồi lại dính líu vào một vụ tai tiếng tình ái. Có vẻ như Ian đã quyến rũ phu nhân của hiệu trưởng hoặc là bà ấy đã quyến rũ chàng học viên trẻ…

Người chồng đã bắt được quả tang đôi tình nhân. Trên giấy tờ, lý do khiến Ian bị đuổi học là bệnh hoa liễu. Khi ấy, nhà văn tương lai mới 19 tuổi.

Rốt cuộc người mẹ phải đưa ông con trai trái tính trái nết vào lục địa châu Âu để tránh xa tội lỗi. Fleming đã học một thời gian ở Munich rồi Geneva. Và cũng chuẩn bị lấy vợ.

Người mẹ không đồng ý con mình lập gia đình vì cho rằng gia đình cô gái không môn đăng hộ đối. Yan Fleming quyết định bỏ học và xin đi làm.

Anh nộp đơn thi vào Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, anh đã bị trượt vỏ chuối ở chính phần thi tiếng mẹ đẻ là Anh ngữ! Trong bài luận của mình, nhà văn tương lai đã gây nên vô số lỗi!

Người mẹ đành sử dụng các mối quan hệ để đưa Fleming vào làm ở hãng Reuters.

Tại đây, nhà văn tương lai đã rèn được những kỹ năng Anh ngữ tốt hơn trước nhiều. Năm 1933, ông lần đầu tiên được cử đi công tác ở nước ngoài, sang Moskva…

Tại đó ông đã đưa tin về vụ án xử 6 kỹ sư Anh tới giúp xây dựng tầu điện ngầm ở Moskva. 6 người này bị cơ quan an ninh Xôviết buộc tội làm gián điệp…

Fleming đã hoàn thành một số bài phóng sự khá chững chạc về vụ án. Đồng thời, anh gửi yêu cầu được phỏng vấn Stalin. Tuy nhiên, Điện Kremli đã lịch thiệp từ chối bằng một văn bản có chữ ký của chính lãnh tụ Liên Xô.

Trong chuyến công tác sang Moskva, Fleming đã tạo ra được tên tuổi đáng nhớ, dù chưa lớn lắm.

Tuy nhiên, người mẹ lại muốn có nhiều hơn, đối với bà, làm phóng viên không phải là công việc xứng tầm với con nhà quý tộc.

Theo yêu cầu của bà, một số nhân vật tai to mặt lớn đã giới thiệu Ian Fleming với đô đốc John Godfrey.

Đô đốc đã đồng ý gặp Fleming. Tình báo Anh lúc đó rất quan tâm tới những gì diễn ra ở Liên Xô.

Đô đốc cảm thấy thích cách nhìn độc đáo của nhà văn tương lai, những chi tiết sống động trong quan sát thực tế và sự bạo dạn khi xin phỏng vấn chính Stalin.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, trong cơ quan tình báo Anh không thể tìm ra chỗ dành cho Ian Fleming.
Nghề làm báo chỉ mang lại những khoản tiền khiêm tốn.

Người mẹ cảm thấy chán cứ phải nuôi ông con báo cô đã ở tuổi trưởng thành. Bà đưa Ian tới làm việc ở ngân hàng của dòng họ cùng một ông chú.

Tuy nhiên, công việc cũng không đâu vào đâu. Ian Fleming chuyển sang làm ở thị trường chứng khoán nhưng rồi cũng rất mau chán…

Mãi tới năm 1939, hạnh phúc mới mỉm cười với Fleming, khi đô đốc John Godfrey được phân công phụ trách cơ quân tình báo hải quân Anh.

Trên cương vị này, ông cần những cộng sự sắc sảo, hiểu biết thế giới. Và ông đã nhớ tới Ian Fleming.

Chàng trai này đã từng ở Moskva từ năm 1933, học được tiếng Nga ở đó.

Thêm nữa, vốn thông minh và bặt thiệp nên Ian rất có năng khiếu ngoại ngữ, anh còn thông thạo cả tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Italia. “Gót chân Achille” của anh chỉ là sự đào hoa, giăng gió…

Thế là Fleming được cử sang Moskva với thẻ phóng viên của tờ Times. Nhiệm vụ là phân tích tình hình xem Liên Xô làm gì và có thể hợp tác với Điện Kremli hay không?

Khi kiểm tra hành lý ở hải quan Liên Xô, Ian đã gặp một sự cố tế nhị: trong va li của nhà báo Anh có tới … 250 bao cao su.

Các nhân viên phản gián Xôviết sững cả người và viết trong báo cáo gửi tới cấp trên là, có lẽ nhà báo Anh được cử sang để do thám tình hình hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất cao su của Liên Xô (!)

Dẫu sao thì Fleming vẫn được phép nhập cảnh…

Ở Moskva, Fleming đã sử dụng các bao cao su mang theo rất đúng mục đích. Tại đại sứ quán Anh ở Moskva, Fleming làm việc theo tuyến tình báo dưới quyền chỉ huy của bí thư thứ nhất.

Một lần, vị bí thư này cần gặp Ian, thế nhưng anh lại không trả lời điện thoại. Lo lắng có sự cố, viên bí thư tới ngay khách sạn, nơi Fleming tá túc và bắt gặp anh đang hành sự với một mỹ nhân Nga…

Tất nhiên, Fleming không chỉ tán tỉnh phụ nữ trong chuyến công tác tại Liên Xô. Anh đã kịp thực hiện các cuộc phỏng vấn ba vị Bộ trưởng ở Moskva: Bộ trưởng Quốc phòng Voroshilov, Bộ trưởng Ngoại giao Litvinov và Bộ trưởng Ngoại thương Mikoyan.

Tuy nhiên, lãnh tụ Stalin vẫn từ chối trả lời phỏng vấn anh. Có thể vì ông biết anh là nhân viên tình báo hoặc ông đã được cơ quan phản gián Liên Xô cho biết tin này…

Trở về London, Fleming trở thành trợ lý của giám đốc cơ quan tình báo hải quân Anh. Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Fleming đã rất sáng tạo trong việc nghĩ ra các kế hoạch tác chiến.

Thế nhưng, quá nhiều ý tưởng của ông đã bị coi là xa rời thực tế…

Hết chiến tranh, nguôi ngoai dần giấc mơ trở thành một điệp viên đích thực, Fleming xin xuất ngũ.

Và ông sang Jamaica sống và phải lòng một phụ nữ đã có chồng trong suốt mấy năm trời. Và khi biết nàng đang có mang với mình, người đàn ông Anh 43 tuổi quyết định lập gia đình.

Trong lúc chờ nàng hoàn thành thủ tục li dị, Fleming bắt đầu thử sức mình trong công việc viết văn. Và cuốn tiểu thuyết "Casino Royal" ra đời năm 1953 đã mang lại cho ông một thành công ngoài sức tưởng tượng.

7 nghìn cuốn sách đã bán hết veo trong vòng 12 tháng. Một năm sau, cuốn tiểu thuyết mới về 007 lại được phát hành và lại thu được thành công rực rỡ trên thương trường, mặc dầu những nhà phê bình văn học nghiêm túc thoạt đầu rất hoài nghi những phẩm chất nghệ thuật của dòng tiểu thuyết này.

Huy Ngọc