Khi người dân tự vươn lên thoát nghèo
Thủ tướng vừa ký quyết định bãi bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn do không còn phù hợp thực tế. Bởi nếu vẫn hỗ trợ trực tiếp sẽ tiếp tục xuất hiện một bộ phận người dân ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, không có ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Các chiến sỹ biên phòng giúp người dân vùng biên vượt qua đói nghèo, ổn định cuộc sống.
Chính sách cho không khiến người dân ỷ lại
Theo quyết định 102 được thực hiện từ 1/1/2010, người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II, xã biên giới, xã bãi ngang, hải đảo vùng khó khăn được hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm; người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực III vùng khó khăn được hỗ trợ 100.000 đồng/người/năm.
Việc hỗ trợ trực tiếp này đã hỗ trợ trên 40 triệu lượt người, góp phần thiết thực trong việc cải thiện đời sống của người dân thuộc hộ nghèo và phát triển kinh tế xã hội ở vùng khó khăn.Tuy nhiên, đến nay các chính sách nói trên không còn phù hợp.
Do đó, ngày 6/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bãi bỏ quyết định 102 này. Chủ trương của Chính phủ hiện nay là giảm hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn...
Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ NN&PTNT phải thay đổi chính sách để giúp dân thoát nghèo.
Theo ông Sơn, nhìn vào tổng thể thấy con số hỗ trợ trực tiếp, số người nghèo được hỗ trợ rất lớn, nhưng đánh giá hiệu quả của riêng chương trình này sẽ thấy chính sách hỗ trợ trực tiếp với từng người nghèo trong thời gian qua là nhỏ giọt, cào bằng trên diện rộng.
Có thể nói chính sách hỗ trợ này giống như muối bỏ biển và Chính phủ có cho bao nhiêu cũng không đủ bởi định mức hỗ trợ 80.000 - 100.000 đồng/người/năm rất nhỏ so với thu nhập của người dân, ngay cả người nghèo, nên định hướng bỏ cho trực tiếp để chuyển sang tạo môi trường phát triển, tạo điều kiện cho người sản xuất giỏi, kích thích sản xuất sẽ tốt hơn.
Muốn giúp người nghèo nên sử dụng số tiền đó, với những giải pháp khác mang tính lan tỏa, vững bền, tạo động lực cho sản xuất sẽ tốt hơn. Nên tạo điều kiện, cơ hội, động lực hơn là cho không người nghèo.
Nhìn từ mô hình giúp đỡ nghèo ở vùng biên cương
Tạo điều kiện, tạo cơ hội, động lực hơn là cho không cho người nghèo, chủ trương này đã được thực hiện ơ Lào Cai cách đây mấy năm về trước. Theo đó, rất nhiều người nghèo khó đã được các chiến sĩ biên phòng tìm cách trợ giúp giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Bà Phàn Thị Hằng (thôn San Bang, xã Bản Vược, huyện Bát Xát) có thể được coi là hộ nghèo khó nhất xã Bản Vược. Bản thân bà mắc bệnh bạch tạng, khiến sức khỏe giảm sút, khó khăn trong sinh hoạt, lao động.
Cuộc sống của 3 mẹ con trôi qua trong thiếu thốn, khó khăn, nhất là khi hai con đã lớn, đi học. Để trợ giúp bà Hằng vượt qua khó khăn, cán bộ Đồn Biên phòng Bát Xát đã 3,4 cùng với gia đình bà Hằng giúp gia đình bà xây chuồng lợn, hỗ trợ giống vật nuôi để giúp gia đình bà có thu nhập ổn định cuộc sống.
Là con lớn trong gia đình, nên khi bố mất, Sùng Seo Sừ (xã Tả Gia Khâu, Mường Khương) trở thành lao động chính, nuôi bà nội hơn 90 tuổi và mẹ sức khỏe yếu. Chăm chỉ lao động, nhưng cuộc sống gia đình Sừ chưa thoát khỏi nghèo khó, do chưa tìm được sinh kế phù hợp. Năm 2016, gia đình Sừ là 1 trong 5 hộ trên địa bàn xã được Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu hỗ trợ cây trồng, vật nuôi.
Ngày được Đồn Biên phòng giao cho con trâu, Sừ rất phấn khởi, học hỏi thêm kinh nghiệm của bà con trong bản để chăm sóc trâu thật tốt, sớm sinh sản để gia đình có thêm thu nhập.
Ngoài ra, đơn vị hỗ trợ gia đình Sừ thêm phân bón, giống ngô lai để gia đình có điều kiện sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo vào cuối năm nay.
Gia đình bà Hằng, anh Sừ là 1 trong hai hộ được các chiến sĩ biên phòng giúp đỡ theo mô hình “Giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai triển khai từ năm 2016.
Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương khảo sát, lựa chọn trên địa bàn mỗi đồn biên phòng 5 hộ nghèo do thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn, thiếu lao động để giúp đỡ.
Đến nay, các đơn vị đã giúp được 66 hộ nghèo trên địa bàn các xã biên giới 76 con lợn giống; 2 con trâu; 53.300 cây giống; 45 kg ngô giống… với tổng trị giá hơn 457 triệu đồng và 502 công lao động.
Các đơn vị phân công cán bộ bám nắm địa bàn, vận động người dân chủ động, mạnh dạn phát triển kinh tế. Cán bộ, chiến sỹ biên phòng hướng dẫn kỹ thuật, giúp dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có năng suất, giá trị cao, giúp các hộ nhanh chóng thoát nghèo.
Rõ ràng, cũng là cách hỗ trợ, nhưng hỗ trợ người dân bằng cách tìm hiểu những cái khó, cái người dân cần để trợ giúp điều đó sẽ có tác dụng hơn nhiều so với chính sách cấp không mà lâu nay chúng ta đã làm.
Vấn đề cần làm để giúp dân thoát nghèo chính là tạo sinh kế bền vững cho họ để tự thân họ vươn lên thoát nghèo như vậy sẽ không tạo gánh nặng cho xã hội mà lại hiệu quả hơn với người nghèo.