Huyện Năm Căn gặp khó trong xây dựng nông thôn mới

Khái Trân 20/06/2018 14:46

Dù có nhiều nỗ lực trong xây dựng NTM, nhưng với đặc thù là vùng sông nước, hệ thống sông ngòi chằng chịt, diện tích đất rừng lớn, nên công tác xây dựng NTM của huyện Năm Căn (Cà Mau) hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Huyện Năm Căn gặp khó trong xây dựng nông thôn mới

Diện mạo mới ở xã NTM Hiệp Tùng (huyện Năm Căn).

Thành quả từ sự nỗ lực

Đến nay, huyện Năm Căn đã có 3/7 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, để duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được là điều không dễ. Cần có sự nỗ lực hơn nữa của chính quyền và người dân địa phương trong thời gian tới. Bình quân, các xã trên địa bàn Năm Căn đã đạt từ 8 - 19 tiêu chí (theo bộ tiêu chí NTM). Toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Năm Căn luôn tích cực phấn đấu, xây dựng NTM, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.

Anh Nguyễn Văn Nguyễn 35 tuổi, ngụ xã Hàm Rồng, nói: “Từ khi phát động xây dựng đến khi được công nhận NTM tôi và bà con phấn khởi lắm. Đây là sự nỗ lực của cả địa phương trong thời gian qua. Quê hương Hàm Rồng nay đã thay da đổi thịt, đường sá thông thoáng tới tận ấp, người dân đi lại dễ dàng”.

Thu nhập đầu bình quân đầu người của huyện Năm Căn khoảng 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn khoảng 98%. Số hộ nghèo, cận nghèo có thẻ BHYT chiếm trên 95%.

Nhờ chủ trương xây dựng NTM mà nhiều xã của huyện Năm Căn được đầu tư giao thông, điện, đường, trường, trạm y tế khang trang. Đời sống của một bộ phận người dân cũng được nâng lên đáng kể.

Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả thu được từ xây dựng NTM, vẫn còn một bộ phận người dân tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh của huyện Năm Căn chưa được tiếp cận và hưởng lợi từ chủ trương này. Vì vậy, một số nơi người dân chưa thật sự mặn mà với phong trào xây dựng NTM. Cụ thể là khu vực ven biển, do cuộc sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần, họ đều là người làm thuê, làm mướn để mưu sinh.

Ông Nguyễn Trung Đức, 48 tuổi, ngụ xã Tam Giang Đông, bộc bạch: “Gia đình tôi có 6 người, hằng ngày phải chật vật chạy ăn từng bữa. Đầu tắt mặt tối để kiếm sống. Hàng ngày, khi trời nhá nhem tối, tôi cùng vợ và người con trai lớn vào rừng bắt ba khía đến khuya mới về, thời gian đâu mà để ý tới các phong trào của địa phương”.

Theo lời ông Đức, hôm nào “vô mánh” thì cũng kiếm được vài trăm ngàn, nhưng chỉ bắt được những lúc tối trời, còn khi sáng trăng thì ba khía rất nhát nên không bắt được. “Lâu nay tôi cũng nghe địa phương tuyên truyền, vận động và trên loa phát thanh nói rần rần về xây dựng NTM nhưng suốt ngày vào rừng kiếm sống nên tôi cũng không bận tâm lắm”, ông Đức chia sẻ.

Huyện Năm Căn gặp khó trong xây dựng nông thôn mới - 1

Người dân tích cực tham gia xây dựng NTM.

Ông Lê Văn Khởi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết: “Thời gian qua, công tác xây dựng NTM đã được huyện triển khai cho các địa phương thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở và người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng NTM của địa phương còn nhiều khó khăn. Bởi địa bàn huyện Năm Căn tương đối rộng, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM thì huyện rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành”.

Huyện Năm Căn có điểm xuất phát xây dựng NTM rất thấp, việc xây dựng hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất văn hóa (Trung tâm văn hóa, trụ sở sinh hoạt ấp…) của huyện còn thiếu và khó mà đáp ứng được trong khi nguồn vốn lại hạn hẹp. Những năm qua, dù đã được triển khai xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn nhưng do địa bàn rộng nên địa phương chưa có nguồn kinh phí đủ lớn để đầu tư, xây dựng. Hiện huyện Năm Căn còn khoảng 336.014 km đường giao thông nông thôn cần nâng cấp. Trong đó, trục ấp, liên ấp là 206.954 km; trục nhánh xóm, ấp là 129.060 km; đường chưa hoàn thiện, chưa có lộ đất đen là 192.290 km.

Được biết, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của địa phương hiện còn cao, chiếm hơn 8%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực thành thị là 4,12%, cận nghèo là 4,18%. Đối với vùng nông thôn thì tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo phân hóa tương đối rõ rệt. Cụ thể, số hộ nghèo chiếm 5,35%, hộ cận nghèo là 2,80%.

Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết: “Địa bàn huyện Năm Căn hiện rất khó khăn, hàng năm, triều cường dâng cao, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân địa phương, đường sá bị ngập, hư hỏng”.

Ông Phương còn chia sẻ, theo phân cấp thì đường giao thông nông thôn huyện phải lo xây dựng. Tuy nhiên, với nguồn lực của địa phương hiện nay thì mỗi năm ngân sách của huyện hỗ trợ cho xã đầu tư cho giao thông nông thôn chưa được 1 tỷ đồng. Do đó, khi xây dựng được đường mới thì đường cũ đã xuống cấp, hư hỏng. Chưa kể là trên địa bàn, có những xã dính vào đất lâm nghiệp, muốn làm lộ thì phải có đất nhưng đất rừng thì tuyệt đối không được đụng đến. Vì còn vướng mắc như vậy nên rất khó để triển khai xây dựng.

“Đường ô tô về xã trước đây là do tỉnh đầu tư, vốn được Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, tuyến đó không đi qua khu dân cư. Do vậy, muốn đấu từ trục đường này đến khu dân cư thì địa phương phải hao tốn nguồn kinh phí lớn gấp đôi”, ông Phương nêu quan điểm.

Hiện huyện Năm Căn đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xây dựng NTM. Khó khăn lớn nhất vẫn là công tác xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, việc phóng tuyến, mở đường vào khu dân cư thì không thể vận động “chay” được. Địa phương sẽ phải bồi hoàn thành quả lao động cho người dân. Vì vậy, Năm Căn hiện rất cần sự hỗ trợ đầu tư từ các cấp, các ngành trong xây dựng NTM…¬¬

Khái Trân