Nhà báo Vũ Viết Đoàn – báo Nhân dân: Phải rõ ràng, minh bạch thông tin
Tôi vẫn nghe đâu đó anh em báo chí hay nói rằng biết mười đưa năm bảy thôi, phần còn lại để “thủ” nhưng tôi nghĩ nếu đưa như vậy thì dẫn đến tình trạng bạn đọc sẽ bị thiếu thông tin, không hiểu rõ được vấn đề đôi khi sẽ bị hiểu sai lệch vấn đề. Khi mà đã hiểu bán chất của vấn đề, đối tượng mình đưa ra là ai thì cần phải thẳng thắn, không nên vòng vo lập lờ về thông tin.
Nhà báo Vũ Viết Đoàn.
PV: Vì sao anh lựa chọn viết về mảng khó khăn và gai góc là điều tra?
- Đối với thể loại điều tra, tôi dám chắc rằng ai làm báo cũng muốn viết về thể loại này. Ngay khi còn học trong trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi đã may mắn gặp và đi theo một số được coi là “bậc thầy” cho những thể loại này.
Ban đầu, tôi khá tò mò, thấy vậy, các “bậc thầy” ấy đã chỉ cho tôi khá cặn kẽ. Dần nó cũng trở thành một thói quen khi thực hiện các đề tài báo chí.
Tôi nhớ khi đó muốn được chỉ bảo cặn kẽ hơn, tôi đem những đề tài ra chọc tức mấy “bậc thầy” và như vậy họ mới bật ra ý hay, chỉ cho tôi đi thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều người cũng hỏi và trong nhiều cuộc nói chuyện thì tôi luôn coi mảng đề tài này đơn giản là vấn đề chuyên sâu. Bởi nhìn nhận vào thực tế thì với bất kỳ tác phẩm báo chí nào thì phóng viên cũng phải điều tra, tìm hiểu thông tin rồi mới viết thành bài được.
Trước khi tiến hành một đề tài điều tra, anh thường chuẩn bị những gì và làm gì để thu thập được tài liệu/ chứng cứ/ số liệu tốt nhất?
- Theo tôi nghĩ trong tất cả các bài viết thì thông tin ban đầu rất quan trọng, nó tạo ra những định hướng để thực hiện đề tài. Với bất cứ bài viết nào cũng phải hiểu bản chất của nó là gì, người cung cấp thông tin cho tôi với mục đích gì, từ đó mới căn cứ vào tài liệu để tìm hiểu, điều tra. Từ những tài liệu cứng thì tôi tìm hiểu thực tế để so sánh, đối chiếu thông tin giữa nguồn tin và thực tế như thế nào rồi sau đó mới thực hiện bài viết.
Anh gặp những khó khăn gì khi tác nghiệp?
- Có lẽ khó khăn nhất trong tác nghiệp là bị chặn nguồn tin. Thường khi các đối tượng mình muốn tìm hiểu và họ phát hiện mình điều tra về họ thường tìm mọi cách để che đậy nguồn tin bằng rất nhiều cách khác nhau. Thậm chí họ còn hù dọa, tìm đến các cấp lãnh đạo trên mình để xin xỏ, mua chuộc gây khó dễ cho quá trình thu thập thông tin, tài liệu.
Khi vạch, chỉ ra những sai phạm, tiêu cực đang tồn tại, những cái tên cá nhân và tổ chức bị nêu ra, anh luôn phải đối mặt với những điều gì?
- Thường hầu hết các bài báo sau khi đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, tôi luôn đặt cái chung lên làm đầu, phân tích cặn kẽ đến từng chi tiết.
Do đó, khi bài báo đã được đăng thì những đối tượng tôi đưa ra thường chỉ có đến giải thích chứ ít khi bị phản ứng một cách thái quá.
Họ cũng biết mình làm vì cái chung chứ không phải bị tác động từ người này, người kia hay vì kinh tế. Khi họ hiểu được mục đích tôi thể hiện trong nội dung bài báo hoàn toàn đúng đắn nên thường họ chấp nhận và tôi đã tìm được rất nhiều bạn bè sau mỗi bài báo.
Có những trường hợp sau khi báo đăng, một giám đốc doanh nghiệp đã nói thẳng: “Chú đánh anh đau quá, sau loạt bài báo thì liên tục cả năm phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra” và sau đó anh em thường xuyên gặp nhau trao đổi thông tin hoặc gặp ăn bữa cơm trưa với nhau. Giờ đây, người giám đốc đó đã nghỉ hưu nhưng vẫn thường xuyên giữ liên lạc.
Đọc các loạt phóng sự điều tra của anh, dài nhiều kỳ và hàng ngàn chữ, nhưng mỗi chữ anh viết đều hết sức cẩn trọng và nghiêm ngặt?
- Đối với mỗi tác phẩm báo chí khi đã hiểu được bản chất của vấn đề thì cứ dựa vào đó mà làm.
Theo tôi, không chỉ thể loại này mà tất cả các bài báo, vấn đề đưa ra phải rất cặn kẽ, đi đến cùng.
Tôi vẫn nghe đâu đó anh em báo chí hay nói rằng biết mười đưa năm bảy thôi, phần còn lại để “thủ” nhưng tôi nghĩ nếu đưa như vậy thì dẫn đến tình trạng bạn đọc sẽ bị thiếu thông tin, không hiểu rõ được vấn đề đôi khi sẽ bị hiểu sai lệch vấn đề. Khi mà đã hiểu bán chất của vấn đề, đối tượng mình đưa ra là ai thì cần phải thẳng thắn, không lên vòng vo lập lờ về thông tin.
Nếu không được rõ ràng, minh bạch thông tin thì đối với những loạt bài viết sẽ rất dễ bị bẻ gẫy. Theo tôi nghĩ, mình làm báo chỉ là người đưa thông tin và kết quả thế nào còn phụ thuộc vào độc giả và cơ quan chức năng. Do đó, quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa được thể hiện ngay trên mặt bài báo.
Anh mất rất nhiều thời gian để theo đuổi đề tài?
- Như đã nói ở trên, tôi coi đây là những mảng đề tài chuyên sâu, làm kỹ do đó thời gian thực hiện khá dài. Có những đề tài phải theo dõi, tìm hiểu thông tin, đi cơ sở hàng chục lần với thời gian cả năm mới thực hiện được.
Tuy nhiên, thông thường khoảng ba tháng hoặc nhanh khoảng một tháng là có thể thực hiện được.
Nhưng theo tôi nghĩ với bất kỳ đề tài nào nó còn phụ thuộc vào cơ duyên, thời điểm đăng bài có phù hợp hay không.
Cơ duyên ở đây tôi thấy rằng một vấn đề đã tìm hiểu, trong cả quá trình đó không bật ra được ý hay nhưng có khi bỗng dưng gặp một vấn đề nào đó bình thường của cuộc sống hàng ngày mới có thể bật ra được ý hay để mình thực hiện đề tài.
Thực tế, đã có lần phải vài ba tháng loay hay với một đề tài nhưng không thể tìm được hướng ra để thực hiện bài viết.
Phải chăng việc nhanh nhạy nắm bắt đề tài, cũng như triển khai sớm trước, đề tài hay và mang ý nghĩa dân sinh lớn, là đóng góp ban đầu cho những thành công trong nghề báo của anh?
- Tôi nghĩ rằng mình may mắn khi được làm việc ở một môi trường tốt, đã có bề dày lịch sử truyền thống về báo chí cách mạng và trong đó có những người anh, người thầy luôn tận tình chỉ bảo. Anh em rất thẳng thắn với nhau.
Đây chính là động lực để anh em phóng viên yên tâm thực hiện những đề tài chuyên sâu. Chính từ môi trường làm việc ấy đã cho tôi ý thức được cái “tâm” của người làm báo, yêu nghề hơn. Đến nay, mới chỉ là bước đầu và với tôi nghiệp làm báo sẽ còn kéo dài gần 20 năm nữa để mà phấn đấu.
Trân trọng cảm ơn anh!