Gia Lai: Phân luồng học sinh sau giáo dục THCS
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo về công tác phân luồng học sinh sau giáo dục trung học cơ sở tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dự Hội thảo có Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm khảo sát tình hình, chuẩn bị cho việc triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018 - 2025”.
Gia Lai hiện có gần 400.000 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 45%.
Gia Lai hiện có gần 400.000 học sinh, trong đó học sinh DTTS chiếm gần 45%, chủ yếu là dân tộc Jrai, Bahnar. Trước nhu cầu thực tế của học sinh dân tộc thiểu số sau khi học xong lớp 9, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã có các hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học đối với các bậc học cấp học, trong đó yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tuyển sinh học sinh sau trung học cơ sở vào học các chương trình giáo dục thường xuyên. Một số trung tâm giáo dục thường xuyên đã đa dạng các loại hình đào tạo, kết hợp với các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề trên địa bàn trong và ngoài tỉnh mở các lớp giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp với học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
Năm 2017 - 2018, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 1.200 học sinh DTTS được phân luồng học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Tính đến nay, kết quả phân luồng học sau trung học cơ sở đối với học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra là đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau trung học cơ sở được phân luồng.
Theo ông Phạm Quốc Đăng, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, kết quả phân luồng học sinh thấp hơn so với chỉ tiêu là do nhận thức của người dân, xã hội đối với giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp chưa đúng mức; xu hướng và tâm lý xã hội vẫn còn chạy theo bằng cấp, vị trí việc làm sau tốt nghiệp đại học. Mặt khác, thị trường lao động hiện nay khắt khe với người lao động có trình độ thấp. Ngoài ra, hệ thống trường nghề, cơ sở chính sách phân luồng chưa hấp dẫn người học, chưa có sự liên kết giữa các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp với các doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động trong tỉnh để xác định nhu cầu vị trí việc làm.
“Cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp, đồng thời đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông. Bên cạnh đó, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên tích cực tuyển sinh, liên kết đào tạo các ngành nghề đáp ứng được nhu cầu việc làm của thanh niên tại địa phương”, ông Đăng đưa ra các giải pháp định hướng phân luồng.
Trước đó, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đi khảo sát tình hình phân luồng sau giáo dục trung học cơ sở vùng đồng bào DTTS tại 3 huyện: Mang Yang, Đăk Đoa, Đức Cơ, nơi có nhiều học sinh dân tộc thiêu số của tỉnh Gia Lai.