Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hoá: Tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân

Linh Anh 22/06/2018 08:38

Bên cạnh việc xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp xã như toàn quốc đang triển khai, Thanh Hóa đã chủ trương xây dựng mô hình NTM cấp thôn, bản ở các huyện miền núi, với phương châm có nhiều thôn, bản NTM ắt sẽ có xã NTM.

Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hoá: Tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân

Mô hình trồng rau trong nhà lưới ở thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân.

Từ năm 2014 thực hiện trên diện rộng toàn tỉnh, đồng thời đã ban hành bộ tiêu chí và quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận thôn, bản đạt chuẩn NTM, gồm 14 tiêu chí và xem đây là căn cứ, chuẩn mực, thước đo, công cụ để các thôn, bản rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện.

Để nâng cao năng lực và thống nhất cách thức triển khai thực hiện, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh mở các lớp tập huấn kiến thức xây dựng NTM cho các đối tượng là trưởng thôn, trưởng bản, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã và cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện.

Bên cạnh đó, cử cán bộ tỉnh, huyện trực tiếp xuống địa bàn “3 cùng” với người dân theo hướng cầm tay chỉ việc. Nhằm khuyến khích và động viên kịp thời các thôn, bản khu vực miền núi xây dựng NTM, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi thôn, bản đạt chuẩn NTM; khen thưởng hàng năm và khen thưởng giai đoạn cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào “Chung sức xây dựng NTM” (thưởng 50 triệu đồng/thôn, bản đối với thôn, bản được khen thưởng giai đoạn).

Sở NNPTNT với vai trò là cơ quan thường trực BCĐ, từ năm 2014 đã phân công cho các đơn vị ngành nông nghiệp trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, đỡ đầu thôn, bản xây dựng NTM bằng nhiều hình thức, như: Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề cho lao động, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, hỗ trợ tiền mặt, hiện vật, hỗ trợ xi măng.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, với cách tiếp cận sáng tạo và phù hợp, xây dựng NTM cấp thôn, bản đã tạo được nền tảng, sự lan tỏa sâu rộng và đạt được những kết quả nổi trội cả về số lượng và chất lượng, không những giúp cho người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể và chủ động hơn trong công việc của mình, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước, mà còn tạo ra khí thế thi đua sôi nổi giữa các gia đình, dòng họ, giữa các thôn, bản với nhau, và thu hút được sự quan tâm, đóng góp của con em xa quê.

Điều đáng ghi nhận là, thông qua thực hiện, tư duy sản xuất hàng hóa của người dân được thay đổi; thu nhập của người dân từng bước được nâng lên, so với khi triển khai tăng 2,5-3 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm tương ứng 4-5 lần, điển hình có những thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người 45-50 triệu đồng/năm.

Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã có 01 huyện, 244 xã (42,6%) đạt chuẩn NTM; riêng khu vực miền núi của tỉnh đã có 38 xã và 392 thôn, bản đạt chuẩn NTM.

Theo đà đó, Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 20% tương ứng với 450 thôn, bản miền núi, trên 60% số xã và 5 huyện đạt chuẩn NTM. Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng thôn, xã, huyện NTM, tiếp thu định hướng của Trung ương về việc các địa phương sau khi đạt chuẩn NTM tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Năm 2017 cùng với việc triển khai thực hiện nội dung thi đua theo lời dạy của Bác Hồ, “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, Thanh Hóa đã chủ động triển khai thực hiện thí điểm mô hình thôn NTM kiểu mẫu. Trên cơ sở kế thừa và phát triển bộ tiêu chí thôn, bản NTM, tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Điều phối NTM xây dựng dự thảo bộ tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu gồm 14 tiêu chí, 50 chỉ tiêu cụ thể, theo hướng nâng cao toàn diện các chỉ tiêu, tiêu chí làm cơ sở cho việc rà soát, đánh giá, lựa chọn và triển khai thực hiện xây dựng thí điểm mô hình thôn NTM kiểu mẫu.

Theo đó, đợt 1 đã triển khai ở 3 thôn gồm: thôn 3, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân; thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung; thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân và năm 2018, tiếp tục triển khai xây dựng ở 3 thôn thuộc khu vực miền núi.

Sau gần một năm triển khai thực hiện thí điểm, khoảng thời gian chưa nhiều, song kết quả bao trùm là dáng dấp “mô hình thôn NTM kiểu mẫu” đã cơ bản được hình thành, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, các chỉ tiêu cùng diện mạo nông thôn với 3 không gian: Khu trung tâm, khu dân cư và khu sản xuất đã cơ bản hội tụ được những đặc trưng tốt đẹp nhất.

Việc triển khai thực hiện xây dựng thôn, bản NTM ở các xã miền núi đặc biệt khó khăn thời gian qua đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo, phù hợp và hiệu quả của tỉnh Thanh Hóa, đóng góp quan trọng vào thành công của Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng trong tiến trình xây dựng NTM.

Linh Anh