Chủ động tạo cơ chế, chính sách cho nông thôn mới phát triển
Ngày 23/6, Đoàn công tác UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới thăm và làm việc với tỉnh Phú Thọ nhằm nắm bắt tình hình xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh và tặng quà cho các gia đình chính sách tại huyện Hạ Hòa, nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2018).
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ; ông Trần Phù Tiêu, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cùng đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam và đại diện các Sở, ngành tỉnh Phú Thọ.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Khi mới triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm của tỉnh còn khá thấp (năm 2001 bình quân đạt 6,5 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 51 xã đạt dưới tiêu chí; có 26 xã đạt tiêu chí về thu nhập, 36 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo).
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chương trình từ Trung ương còn hạn chế, trong khi khả năng huy động nguồn lực của tỉnh cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 25,9%, không có xã đạt dưới 6 tiêu chí.
Trong đó, huyện Lâm Thao được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, đây là huyện đầu tiên của khu vực miền núi phía Bắc đạt chuẩn nông thôn mới.
Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 13 tiêu chí/xã, tăng 6,5 tiêu chí /xã so với năm 2011.
Quang cảnh buổi làm việc.
Đáng chú ý, về công tác huy động nguồn lực. Tổng huy động nguồn lực thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2017 đạt 9.736,8 tỷ đồng. Trong đó, phải kể tới nguồn vốn cộng đồng dân cư và các huy động khác là 1.067,5 tỷ đồng, chiếm 11%.
Về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quy hoạch, dồn đổi tích tụ ruộng đất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hàng hoá; sản xuất theo chuỗi doanh nghiệp, hợp tác xã đến hộ dân.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao lợi nhuận, thu nhập góp phần cải thiện đời sống cho người dân.
Xây dựng các chương trình đề án, nhân rộng các mô hình ản xuất nông nghiệp có ảnh hưởng rộng, tính ứng dụng cao, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: chè, cây ăn quả... Chú trọng nhiệm vụ giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn.
Riêng tại huyện miền núi Hạ Hoà, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Người dân Hạ Hoà đã chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới trên quê hương của mình, hiện có 4 xã đạt chuẩn nông thông mới (Gia Điền, Hiền Lương, Y Sơn, Mai Tùng), 3 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (Ấm Hạ, Vụ Cầu, Chuế Lưu), 19 xã đạt 10-14 tiêu chí và 6 xã đạt 9 tiêu chí. Bình quân toàn huyện đạt 11,96 tiêu chí/xã (tăng 5,94% tiêu chí/xã so với năm 2011).
Giá trị tăng thêm bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 24,5 triệu đồng/người/năm, tăng 11,2triệu đồng/ người/ năm so với năm 2011.
Hiện huyện Hạ Hoà đang chỉ đạo xã Ấm Hạ hoàn thiện các nội dung cần thiết, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào quý IV năm 2018, đồng thời tập trung chỉ đạo xây dựng 28 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhận định, từ kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ cho thấy sự nỗ lực của toàn tỉnh và sự đồng thuận, tự nguyện của nhân dân trong việc hoàn thiện 19 tiêu chí NTM.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng lưu ý tỉnh Phú Thọ khi xây dựng NTM cần phải đưa ra các giải pháp xây dựng quy mô sản xuất lớn hơn, tổ chức liên kết sản xuất, thấy được sự kết nối, hình thức phát triển HTX tại mỗi địa phương và khắc phục tình trạng được mùa mất giá và tập trung đẩy mạnh theo hướng mỗi địa phương một sản phẩm tiêu biểu.
“Phú Thọ là vùng đất giàu giá trị văn hoá truyền thống. Do đó, xây dựng nông thôn mới phải làm nổi bật lên nét đặc thù về văn hoá địa phương, phát huy được giá trị truyền thống và niềm tự hào của người dân với mảnh đất này. Tiêu chí văn hoá phải có những đột phá”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Hoàng Dân Mạc phát biểu tại buổi làm việc.
Chia sẻ về quyết tâm của toàn tỉnh trong việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM, ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ cho biết, là một tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, nguồn lực đầu tư còn khó khăn nhưng Phú Thọ luôn xác định xây dựng nông thôn mới là tạo điều kiện để tỉnh phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
“Trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh xác định khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình nhưng theo hướng kinh tế tập thể, hợp tác xã và đầu tư vào hộ doanh nghiệp vì tập trung phát triển kinh tế chính là xây dựng nông thôn mới, kinh tế phát triển thì đời sống của người dân mới được cải thiện”, ông Hoàng Dân Mạc nhấn mạnh.
Ghi nhận nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong xây dựng NTM, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, mặc dù là tỉnh miền núi, nhưng hiện nay với quyết tâm của toàn tỉnh, hệ thống đường giao thông đã được đảm bảo, sản xuất trên địa bàn phát triển, đời sống người dân được nâng lên, an ninh trật tự, môi trường vệ sinh, trình độ dân trí và sức khỏe của nhân dân được cải thiện, đây chính là minh chứng cho quá trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào thực chất.
Tuy nhiên, điều Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trăn trở đối với quá trình xây dựng NTM trên toàn tỉnh Phú Thọ là việc sản xuất của người nông dân chưa được tập trung thành chuỗi liên kết, người dân vùng đồng bào dân tộc vẫn sản xuất theo xu hướng nhỏ lẻ, không tập trung, nguồn lực đầu tư và kết cấu hạ tầng vẫn còn hạn chế,..
Để hoàn thành mục tiêu 124/247 xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới theo hướng phù hợp với điều kiện của xã, huyện, tỉnh để từ đó nhân dân thấy được nông thôn mới là chăm lo cho nhân dân thông qua phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
“Xây dựng NTM không được chạy theo thành tích, không có hiện tượng nợ đọng mà xây dựng NTM phải đảm bảo phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng lên”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ.
Cùng với đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng tỉnh cần tiếp tục ưu tiên phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thông qua việc cập nhật ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích người dân chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó đảm bảo sản phẩm nông nghiệp cung cấp đủ cho địa bàn, đồng thời có điều kiện giao thương và xuất khẩu.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác đến thăm trang trại trồng cam tại xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa.
“Tỉnh cần đảm bảo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm người nông dân làm ra, chuỗi sản xuất phải gắn với nhu cầu của thị trường để thu nhập của người dân được đảm bảo, tránh hiện tượng được mùa mất giá. Phải chủ động tạo ra cơ chế, chính sách cho nông thôn mới phát triển và tạo động lực cho người dân quyết tâm thực hiện”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Song song với việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến đảm bảo môi trường cảnh quan “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, phải tập trung chăm lo cho dòng điện, dòng nước, dòng đường thông suốt tại mỗi khu dân cư để đảm bảo điều kiện sống cho người dân.
Đối với việc xét duyệt các danh hiệu, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị tỉnh phải từng bước đổi mới, việc xét duyệt phải tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng, gia đình văn hóa phải là gia đình không có các tệ nạn xã hội. Mỗi địa phương phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm trong việc xét duyệt các danh hiệu.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao tặng nhà Đại đoàn kết và quà cho các hộ chính sách trên địa bàn huyện Hạ Hòa.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị toàn tỉnh cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đề đời sống người dân được nâng lên, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đồng thời chú trọng vào việc đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới để xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào thực chất hơn.
Cũng trong dịp này, hướng tới kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách và trao tặng 5 căn nhà đại đoàn kết cho bà con trên địa bàn xã Hiền Lương, Vô Tranh, Vân Khê, huyện Hạ Hòa. Tại xã Hiền Lương tới thăm và tặng quà gia đình bệnh binh Nguyễn Văn Niệm; gia đình chính sách bà Nguyễn Thị Bích tại xã Hiền Lương, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe và đời sống của gia đình, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp to lớn của các thương bệnh binh, người có công, gia đình chính sách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng mong muốn các gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, lãnh đạo cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để hỗ trợ các gia đình chính sách để mỗi gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm trong sản xuất lao động. Mong rằng, phong trào Đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ thương binh, gia đình có công với cách mạng... ngày càng được toàn xã hội các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quan tâm nhiều hơn nữa. |