Báo động rác thải nhựa
Hiện trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.
Rác thải nhựa ngày càng đáng báo động.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, hầu như các loại chất thải được dồn chung với nhau và được thu gom bởi các xe chở chất thải. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa được tạo ra; trong đó, 48.000 tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%; còn lại hơn 200.000 tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Đáng nói là công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp. Trong khi đó thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Tại lễ phát động chương trình ‘Ngày Trái Đất 2018 Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa’ mới đây nhiều đại biểu cũng cho rằng, để giảm thiểu tối đa rác thải nhựa, việc điều đầu tiên là phải tuyên truyền cho người dân hạn chế sử dụng các loại vật dụng có nguồn gốc từ nhựa, nilon như: Hạn chế dùng các loại nước đóng trong chai nhựa, hạn chế sử dụng các loại cốc, bát ăn, thìa dĩa, hộp xốp sử dụng một lần; hạn chế sử dụng túi nilon trong hoạt động hàng ngày, nhất là để đựng thực phẩm, đi chợ... Đối với mỗi gia đình, cần phân loại rác triệt để từ nguồn, phân loại riêng các loại chất thải tái chế như vỏ chai, hộp nhựa, vỏ lon bia, giấy cũ, kim loại... tránh bị lẫn vào các loại chất thải sinh hoạt khác. Điều này giúp công tác tái chế chất thải được dễ dàng và triệt để hơn.
Để hạn chế việc sử dụng rác thải nhựa đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, Bộ đã đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai một số nội dung, giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đồng thời tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên, đặc biệt, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu…