Đổi mới cơ chế, chính sách giảm nghèo
Ngày 25/6 Bộ LĐ-TB&XH; đã tổ chức hội thảo chuyên đề Đổi mới chính sách hỗ trợ giảm nghèo thông qua hoạt động đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Phát biểu tại hội thảo ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, nhiều đồng bào khi được hỗ trợ bò giống nhưng “miễn cưỡng” nhận vì được nhận quá nhiều. Điều này cho thấy chính sách “cho không” giờ đã không còn phù hợp và cần thiết phải đổi mới.
Toàn cảnh hội thảo.
Hỗ trợ giảm nghèo cùng với Chương trình Mục tiêu Quốc gia bền vững đã tạo điều kiện để người nghèo nói chung và người nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn khoảng 6,72% năm 2017. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ giảm nghèo chưa thực sự bền vững, đặc biệt là đối với DTTS, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS tái nghèo hàng năm vẫn xảy ra, chênh lệch giàu nghèo vùng DTTS với các vùng miền, nhóm, khu dân cứ khác vẫn còn khá lớn, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân do chính sách hỗ trợ giảm nghèo còn dàn trải, mức hỗ trợ thấp, một số phương thức hỗ trợ không còn phù hợp với thực tiễn, một bộ phận người nghèo còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Trên thực tế hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là nội dung, nhiệm vụ xuyên suốt cả Chương trình MTQGGN bền vững giai đoạn 2016-2020. Các chính sách, chương trình giảm nghèo đã giành nguồn lực ưu tiên hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, với nội dung, quy mô và loại hình phong phú, phù hợp với điều kiện của người nghèo, đã tận dụng được điều kiện sinh thái và lợi thế tự nhiên, xã hội của từng vùng miền; phát huy được vai trò, tính chủ động, sáng tạo của địa phương, cơ sở, của cộng đồng và của chính bản thân người nghèo trong hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ thực hiện các mô hình giảm nghèo; đặc biệt đã khơi dậy được sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn trong việc giúp nhau sản xuất.
Theo các đại biểu việc đổi mới cơ chế, chính sách rất cần thiết.
Qua tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, sự phối hợp đồng thuận, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, Chương trình đã tranh thủ được sự hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả của các đối tác phát triển; tạo sự đồng thuận, liên kết giữa người dân, đặc biệt là người nghèo với cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, của các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ giảm nghèo chưa thực sự bền vững, đặc biệt là đối với vùng dân tộc và miền núi, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tái nghèo hàng năm vẫn xảy ra; chênh lệch giàu - nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng, miền, nhóm dân cư khác vẫn còn khá lớn, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới; vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ, chưa thật sự tự giác, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác giảm nghèo trong tình hình mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hỗ trợ giảm nghèo, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường và đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Trong đó ngoài các chính sách đảm bảo an sinh xã hội thường xuyên như hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi…
Ngoài ra chương trình, chính sách giảm nghèo cần tạo trung hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, theo hướng hạn chế hỗ trợ cho không, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, có đối ứng khi tham gia thực hiện, có thời hạn thu hồi, luân chuyển giao cho cộng đồng đề xuất, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.