Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT: Thêm căn cứ để tiếp tục đổi mới

Nguyên Khánh-Minh Quang 28/06/2018 07:00

Sáng 27/6, các thí sinh đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) với 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục Công dân. Đây cũng là ngày thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018. Tuy vẫn có những ý kiến nhìn nhận khác nhau, song nhiều người cho rằng đề thi THPT quốc gia năm nay có độ phân hóa cao hơn hẳn so với năm trước. Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, chiều 27/6, Bộ GDĐT đã tổ chức họp báo.

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT: Thêm căn cứ để tiếp tục đổi mới

Kỳ thi THPT 2018 được cho là diễn ra suôn sẻ.

Đề thi bao quát 4 cấp độ

Đề thi dài là nhận định đầu tiên về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay.

Cụ thể đề thi môn Toán, môn Sinh, môn Sử quá dài so với thời gian làm bài theo quy định.

Còn đề Văn tuy mở, nhưng lại có tác phẩm nằm ngoài SGK nên cũng là một thách thức với các thí sinh không học khá môn Văn.

Riêng trong buổi sáng ngày 27-6, kết thúc bài thi tổ hợp KHXH, hầu hết các thí sinh đều lo lắng với môn Lịch sử, tự tin “ăn chắc” điểm giỏi với môn Giáo dục công dân và đánh giá môn Địa lý vừa sức.

Trong đó, theo đánh giá thì môn Địa lý và Giáo dục công dân có kiến thức thực tế. Môn Lịch sử có tính phân loại học sinh, nên sẽ khó đạt điểm cao.

Giải đáp những băn khoăn về độ khó của đề thi năm nay, liên quan tới mục tiêu “kép” vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH liệu có đạt được hay không?

Ông Sái Công Hồng- phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) giải thích, cả kỳ thi chỉ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn lại trắc nghiệm, mỗi vòng thi có 24 mã đề thi.

Nội dung của đề thi năm nay đều nằm trong chương trình lớp 12 và 11. Lớp 12 chiếm 80-85%.

Như vậy, đề thi không vượt quá chương trình các em học. Cấu trúc đề thi giữ nguyên không thay đổi so năm 2017. Vẫn là 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao.

“Dù là nâng cao vẫn không vượt khỏi chương trình”- theo ông Hồng. Với các bài thi dù là tự luận hay môn Văn cũng có cấp độ dễ đến khó.

Luôn có 4 cấp độ (dễ, trung bình, khó và rất khó).Với cấp độ nhận biết, học sinh chỉ cần đọc hiểu văn bản liệt kê trả lời là có điểm.

Đề trắc nghiệm cũng vậy, câu hỏi dễ thành từng nhóm phía trên lần lượt phía dưới là câu hỏi khó.

Năm 2018 đề thi tốt nghiệp THPT tăng cường phân hóa, tăng cường độ phân loại với các thi sinh, vì vậy phải có câu hỏi tăng độ khó lên.

Tuy nhiên ông Hồng cũng nhận định so với kỳ thi năm 2017, đề thi 2018 độ khó đã tăng lên.

Trước những băn khoăn của dư luận về đề thi “mở” môn Ngữ văn, việc chấm thi sẽ thế nào, đặc biệt là với các bài phản biện?

Ông Mai Văn Trinh- cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho hay, ngay trong ngày 27/6 Bộ GDĐT công bố đáp án các môn thi.

Riêng với môn Văn, đề mở đáp án sẽ mở, nhưng yêu cầu tư tưởng cơ bản của câu hỏi phải trả lời được.

Trả lời câu hỏi phải có những kiến giải riêng, mới mẻ, nhưng không được trái thuần phong mỹ tục, không trái pháp luật, không phải mở không có kiểm soát, không có căn cứ.

Về việc chấm thi, theo ông Trinh, một trong những đổi mới năm nay là chuyện bảo mật bài thi, niêm phong bằng tem chuyên dụng, ngoài chữ ký của người coi thi phải có chữ ký của phó chủ tịch Hội đồng thi, phải xác định tình trạng niêm phong của bài thi mới xác định là tập bài thi hợp lệ.

Với đề thi Ngữ văn, quá trình làm phách cán bộ phải được cách ly, trong chấm thi tự luận có hai vòng độc lập, mỗi vòng ở hai phòng khác nhau. Chênh lệch vòng 1 và 2 ghi rõ trong quy chế.

Liên quan tới việc Bộ GDĐT sẽ sử dụng, cân bằng đề thi và ngân hàng câu hỏi thi tới đây sẽ ra sao?

Ông Mai Văn Trinh cho biết: Năm nay là năm thứ 2 sử dụng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Chúng ta phải học tập kinh nghiệm quốc tế, bởi các nước đi trước đã tổ chức từ lâu, họ đã có kinh nghiệm.

Bộ GDĐT sẽ cố gắng cập nhật, tập huấn nâng cao dần năng lực ra đề.

Còn theo ông Sái Công Hồng: Đề thi mà tất cả thí sinh làm được cũng không phải tốt vì như vậy sẽ không đánh giá được năng lực của các em.

Ngược lại, đề thi mà không em nào làm được cũng tệ. Vì vậy, cần có cả câu hỏi dễ và khó trong một đề thi để phân loại học sinh.

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT: Thêm căn cứ để tiếp tục đổi mới - 1

Thanh niên tình nguyện giúp đỡ thí sinh.

Tiếp tục thi chung “2 trong 1”

Tại cuộc họp báo chiều 27-6, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra xung quanh mục tiêu kỳ thi “2 trong 1” được áp dụng từ năm 2015 tới nay.

Trước băn khoăn có nên tiếp tục gộp 2 kỳ thi làm 1 hay không, ông Mai Văn Trinh khẳng định, hiện nay tổ chức thi chung là phù hợp, trước khi có chương trình SGK mới, sẽ có căn cứ phù hợp tiến hành đổi mới.

Theo Bộ GDĐT, năm nay việc tổ chức thi đã có sự phối hợp tốt. Các tỉnh đều có phương án dự phòng, nhưng rất may đã không dùng tới.

Với các địa phương vùng mưa lũ như Lai Châu, Hà Giang… chính quyền đã nỗ lực huy động, trợ giúp thí sinh đến trường thi, điểm thi. Chỉ có 13 thí sinh không đến được điểm thi do mưa lũ.

Đây là những trường hợp không dự thi được do điều kiện khách quan.

Quy định đã nêu rõ, trong trường hợp bất thường có thể xét đặc cách.

Các thí sinh ở Lào Cai, Hà Giang, Bộ GD ĐT sẽ thành lập Hội đồng xét đặc cách.

Về những lo lắng liên quan tới đề thi môn Vật lý, Lịch sử xuất hiện trên mạng khi thời gian thi chưa kết thúc, vậy có tình trạng lọt, lộ đề hay không? Ông Trinh cho biết: Nếu đề ra ngoài trước khi làm bài là lộ đề.

Thực tế, đề được đưa lên mạng khi giờ làm bài thi môn đó đã kết thúc, không phải lộ đề, nên không ảnh hưởng kết quả kỳ thi.

Tại cuộc họp báo, ông Mai Văn Trinh cũng dẫn lại văn bản Nghị quyết 29 nói về mục đích của kỳ thi THPT quốc gia.

Theo ông Trinh, hiện Bộ đang làm tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết này, trong đó việc đánh giá về kỳ thi cũng là một nội dung và Bộ sẽ sớm đưa ra trong thời gian tới.

Tỉ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99%

Theo Bộ GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 diễn ra an toàn. Trong cả kỳ thi chỉ có 77 thí sinh vi phạm Quy chế thi (73 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 cảnh cáo; 1 khiển trách).

Kỳ thi có 925.753 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi; huy động gần 45.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 ĐH, học viện; trường ĐH, CĐ tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi.

Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74,3% (năm 2017 là gần 75%).

So với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%. Tỷ lệ thí sinh tới dự thi, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99,55%; Toán 99,52%; Vật lí: 99.34%; Hóa học: 99.22%; Sinh học: 99.35%; Ngoại ngữ: 99.63%; Lịch sử: 99.35%; Địa lí: 99.44%; GDCD: 99.56%).

Phòng thi chỉ 1 thí sinh duy nhất trong buổi thi cuối cùng

Ngày 27/6, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đã cùng Đoàn công tác kiểm tra công tác tổ chức buổi thi cuối cùng tại các điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Nam.

Ghi nhận cho thấy tại điểm thi Trường THPT B Duy Tiên, có phòng thi chỉ có duy nhất 1 thí sinh dự thi. Tuy nhiên, theo đúng quy chế, điểm thi vẫn bố trí đầy đủ 2 giám thị coi thi đối với thí sinh này.

Nguyên Khánh-Minh Quang