Toạ đàm về Tôn giáo và pháp quyền ở Việt Nam: Ngày càng đảm bảo quyền tự do tôn giáo

PV 29/06/2018 07:45

Ngày 28/6/2018, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức toạ đàm “Tôn giáo và pháp quyền ở Việt Nam – 12 năm nhìn lại”.

Buổi toạ đàm diễn ra theo 3 phiên với các chủ đề chính: Sự ra đời và phát triển chương trình tôn giáo và pháp quyền ở Việt Nam; Chương trình Tôn giáo và pháp quyền: Những hoạt động chủ yếu trong tiến trình đổi mới đường lối, chính sách tôn giáo ở VN; Chương trình “Tôn giáo và pháp quyền ở Việt Nam và hiệu ứng thực tiễn”.

Theo đánh giá của GS. Cole Durham – Đại học Brigham Young và GS. Đỗ Quang Hưng – Trưởng nhóm Nghiên cứu về Tôn giáo – Pháp quyền, việc ra đời chương trình Tôn giáo và pháp quyền ở Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo theo hướng ngày càng đảm bảo quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Tham dự buổi toạ đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định trong những năm qua, MTTQ Việt Nam đã có nhiều chương trình hoạt động nhằm phát huy giá trị tốt đẹp của tôn giáo trong phát triển xã hội bền vững. “Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo có truyền thống đoàn kết, tương trợ, tôn trọng nhau cùng phát triển. Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đều phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Pháp luật kế thừa và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, của các tôn giáo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tôn trọng sự khác biệt giữa các tôn giáo, phát huy điểm tương đồng, giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” – Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện trên 5 nội dung: Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc; phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phản biện xã hội với các dự thảo văn bản qui phạm pháp luật, qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế- xã hội của Nhà nước liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia tuyên truyền vận động các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Vừa qua Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện trách nhiệm của mình, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo. Triển khai nhiều chương trình như “Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể các cấp và chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo. Chủ động nắm bắt, tập hợp đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, tổ chức và đồng bào các tôn giáo.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, thông qua thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình, Mặt trận Tổ quốc đã góp phần tích cực giải quyết hài hòa các mối quan hệ; Pháp quyền và Tôn giáo, Tôn giáo và Dân tộc, Khác biệt và Đoàn kết, Đạo và Đời, Truyền thống và Hội nhập.

PV