Lạc đường ở Moscow
Thủ đô Moscow của Nga nổi tiếng với hệ thống giao thông hiện đại và đa dạng. Dù vậy với nhiều du khách đến với nước Nga, họ vẫn cảm thấy bối rối trong việc tìm đường, tìm địa điểm mà mình cần đến. Sự cách biệt về ngôn ngữ, những địa danh có tên gọi na ná nhau, là những nguyên nhân chính khiến không ít du khách cảm thấy mất phương hướng tại nước Nga
Để tạo nên kỳ World Cup thành công, Nga đã đổ rất nhiều tiền để xây mới, nâng cấp sân bay, bến tàu diện ngầm, đương… cũng như bố trí dày đặc lực lượng tình nguyện viên, cảnh sát giao thông… làm nhiệm vụ hướng dẫn cho khách du lịch, CĐV các nước đổ về xem bóng đá.
Tuy nhiên, có đến Nga, đặc biệt là Moscow, mới thấy là thành phố này quá rộng lớn, và chuyện đi lại ở đây thực sự là một nỗi ám ảnh, không chỉ là câu chuyện tắc đường.
Nhà ga Leningradsky, đầu mối di chuyển từ Moscow đi Saint Petersburg, cũng như nhiều nơi khác tại thủ đô nước Nga, luôn có hàng nghìn người tìm kiếm, hỏi thông tin các chuyến tàu. Các CĐV nước ngoài rất cẩn thận trong việc tìm địa chỉ chính xác mình cần đến. Không cẩn thận không được, vì mới vài ngày trước thôi, đã có 1 nhóm CĐV Thụy Sỹ đã rất bất ngờ trong việc phát hiện ra mình đặt khách sạn ở Rostov Veliky – một vùng ngoại ô Moscow thay vì Rostov sông Đông, một trong những thành phố tổ chức trận đấu.
Tiếng Nga nhìn thoáng qua rất giống nhau, rất khó phân biệt được địa chỉ, tên đường, thậm chí là tên thành phố. Để chuẩn bị cho World Cup, nước chủ nhà Nga đã lắp mới nhiều biển báo giao thông bằng tiếng Anh. Tuy nhiên vẫn không đủ thay thế hết cho các biển báo cũ chỉ được ghi bằng tiếng Nga.
Ngay ở quảng trường Đỏ, một địa danh du lịch nổi tiếng và quen thuộc với du khách, việc tìm đường chẳng hề dễ dàng với cô gái đến từ Nhật Bản mà chúng tôi quen.
CĐV Satako – một CĐV xinh đẹp của đội bóng xứ Mặt trời mọc chia sẻ: “Tôi không thể hiểu rõ được hết mọi thứ tại nước Nga, nó rất khác so với những gì tại Anh, Nhật Bản hay Việt Nam. Vì vậy tôi đang bị lạc đường tại đây, sử dụng bản đồ cũng không khá hơn là bao”.
Một CĐV người Brazil có tên là Marcelo cũng nói về nỗi lo lắng của mình trong những ngày di chuyển tại Nga: “Điều khó nhất để tìm đường ở đây là sự khác biệt về ngôn ngữ. nhiều biển báo đều không ghi tiếng Anh, người dân ở đây cũng ít sử dụng tiếng Anh, nên việc giao tiếp rất khó”.
Năm nay có 11 thành phố tại nước Nga đăng cai World Cup, nhưng để ghi nhớ chính xác từng thành phố này chẳng hề dễ dàng với du khách. Một trong những thành phố đăng cai World Cup là Volgograd với tượng đài Mẹ Tổ quốc nổi tiếng. Do nhầm lẫn một chút, nhiều du khách đã mua vé tàu đi Vologda – thành phố nằm ở phía Bắc nước Nga cách xa thành phố bên dòng sông Volga tới cả… 1.500 km.
Không chỉ có những địa danh nghe hao hao giống nhau, nhiều du khách đến với nước Nga còn bối rối với việc sử dụng song song nhiều cách gọi đối với các thành phố tại đây. Điển hình như Saint Petersburg, nhiều người Nga vẫn gọi nó bằng cái tên cũ là Leningrad, ngay cả bến xe, tàu điện, quảng trường vẫn dùng những cái tên cũ.