Nghề nguy hiểm?
Sau vấn nạn bạo hành bác sĩ, thời gian gần đây đến lượt giáo viên - một nghề vẫn được xem là cao quý - đang phải đối mặt với tình trạng bạo hành ngày càng gia tăng.
Gần đây nhất, ngày 28/6, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai (21 tuổi), giáo viên cơ sở mầm non Sen Hồng (thuộc thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã làm đơn tố cáo ông Phan Minh Thuận về hành vi côn đồ đánh người gây thương tích nghiêm trọng.
Theo trình bày của cô giáo này, vào khoảng 17h30 ngày 21/6, cô Mai và các cô giáo viên khác đang trả trẻ thì ông Phan Minh Thuận (bố đẻ của cháu Phan Thị Minh Thảo học sinh của cơ sở) đưa cháu đến hỏi ai đánh con ông khiến háng cháu Thảo bị tím bầm. Sau khi xem vết thâm ở háng cháu Thảo, các giáo viên nhận định có thể do cháu ngồi xe đạp chứ các cô không ai đánh cháu.
Sau đó, ông Thuận đưa cháu Thảo về nhưng một lúc sau đưa con quay lại cùng một vài người khác. Khi cô Mai từ trong lớp chạy ra thì ông Thuận hỏi cô Mai đúng không rồi lao vào đánh, đá, tát tới tấp vào mặt, hai bên má, đầu, lưng của cô Mai mà không cần hỏi đầu đuôi câu chuyện, khiến nữ giáo viên này ngã xuống đất, ngất xỉu phải đưa vào bệnh viện cấp cứu… Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Trước tình trạng bạo hành giáo viên xảy ra liên tiếp, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn đặt câu hỏi: “Trường học có phải là cái chợ không? Đương nhiên không phải chợ, nhưng tôi có cảm giác nó đang giống cái chợ”.
Ông cũng cho rằng rất bất hợp lý khi ở Việt Nam, tất cả mọi người đều có thể ra vào trường học một cách dễ dàng, việc giám sát an ninh quá lỏng lẻo, dẫn đến việc phụ huynh xông vào tận lớp đánh đập giáo viên. Có lẽ, nghề giáo đã trở thành nghề nguy hiểm, khi vấn đề an ninh trường học đang ở mức báo động? Cách đặt vấn đề có vẻ cực đoan nhưng cũng rất đáng suy nghĩ.
Công bằng mà nhìn nhận, giáo viên tức giận và dùng biện pháp mạnh với học sinh nhiều khi cũng là điều bất đắc dĩ. Bạn tôi, một giáo viên có thâm niên trong nghề dạy trẻ chia sẻ: Thử hình dung xem, cả lớp đã yên giấc nhưng vài học sinh không nghe lời, nói chuyện, chạy nhảy gây ồn ào; chắc chắn, trước khi mạnh tay, giáo viên đã nhắc nhở nhiều lần.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chỉ nhìn sự việc, nghe một chiều nên đã vội vàng có hành động lỗ mãng với giáo viên. Vì sao ư? Vì họ luôn biết giáo viên dù phạt roi trẻ với bất cứ lý do gì cũng sẽ bị kỉ luật nếu để gia đình làm lớn chuyện...
Gần đây, chuyện giáo viên bị phụ huynh đánh, hành hung, chửi rủa, mạt sát không phải là hiếm; đôi khi, chỉ vì nhắc nhở học sinh việc học hay la rầy khi các em vi phạm nội quy; không ít gia đình kéo theo dăm bảy người, sát khí đùng đùng, hùng hổ xông thẳng vào lớp học xử lý. Có không ít giáo viên chỉ dùng roi quất một cái vào mông học trò đã bị chính phụ huynh em học sinh ấy tát thẳng tay vào mặt trước hàng trăm cặp mắt ngơ ngác của học trò.
Dân tộc ta có truyền thống Tôn sư, Trọng đạo. Tôn sư là đề cao, tôn vinh, coi trọng người thầy. Người thầy dạy chữ, dạy kiến thức cho ta, đem đến cho ta những hiểu biết để ta sống tốt hơn, có ích hơn. Người thầy lại dạy ta đạo lí, nhân cách để ta biết làm người trong xã hội. Hãy tôn vinh nghề cao quý ấy chứ đừng nó biến thành nghề nguy hiểm.