Tình yêu tiếng Việt

Đỗ Anh Vũ 02/07/2018 16:06

Mỗi quốc gia, dân tộc trên hành tinh này đều mang niềm tự hào sâu sắc về những giá trị văn hóa – giá trị tinh thần của đất nước mình. Nếu như giá trị vật chất là những thứ luôn biến đổi, vận động không ngừng theo từng ngày từng giờ thì giá trị tinh thần lại là thứ sâu lắng hơn, có khả năng trầm tích và ngưng đọng, bất chấp sự trôi chảy và tàn phá của thời gian. Một trong những giá trị tinh thần hàng đầu mà hầu hết cộng đồng, dân tộc nào cũng có, đó chính là ngôn ngữ. Đối với người Việt Nam, tiến

Tình yêu tiếng Việt

Một người Việt Nam bình thường, sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi lại trở về với đất mẹ ngay trên chính quê hương của mình, có lẽ chưa chắc đã nghĩ nhiều về tình yêu tiếng Việt. Họ sử dụng tiếng Việt một cách tự nhiên như cơm ăn nước uống, như hít thở không khí tự trời xanh. Thế nhưng khi những biến cố xảy đến ở phạm vi xã hội hoặc đời sống cá nhân thì đó chính là lúc tình yêu tiếng Việt trỗi dậy một cách tha thiết, mạnh mẽ, cháy bỏng.

Nhận xét về phong trào Thơ Mới 1932- 1945, trong tiểu luận nổi tiếng Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh đã viết: “Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng”. Mấy chữ “bi kịch ấy” mở đầu cho đoạn trích trên, chính là muốn nói tới sự thiếu vắng một niềm tin đầy đủ nơi tâm hồn người trí thức trong bối cảnh mất nước. Thế nhưng, tinh thần dân tộc, tình cảm dân tộc thì không bao giờ mất đi được. Có những thi sĩ lãng mạn đã thể hiện tình cảm dân tộc bằng cách lấy luôn tiếng Việt làm đề tài cho tác phẩm: Nằm trong tiếng nói yêu thương/Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời/Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi/ Hồn thiêng đất nước cùng ngồi bên con/Tháng ngày con mẹ lớn khôn/ Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha/ Đời bao tâm sự thiết tha/ Nằm trong tiếng nói lòng ta thuở giờ (Nằm trong tiếng nói – Huy Cận). Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết nên nhạc phẩm Tình ca mà ngay từ những câu mở đầu đã bày tỏ tình yêu thẳm sâu nồng nàn với thứ tiếng mẹ trao thuở lọt lòng: Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo vận nước nổi trôi, nước ơi. Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi. Tôi yêu tiếng ngang trời. Những câu hò giận hờn không nguôi. Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi. Vững tin vào mộng đẹp ngày mai.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, tình yêu tiếng Việt vẫn hiện lên nồng nàn trên những trang văn của Nguyễn Tuân. Trong tùy bút Về tiếng ta viết năm 1966, Nguyễn Tuân đưa nhiều ví dụ để chứng minh về sự giàu đẹp, phong phú và tinh tế của tiếng Việt như những diễn đạt về sự chết, về di truyền nòi giống, về sức gợi cảm của một câu thơ trong Chinh phụ ngâm hay Truyện Kiều… Nhà văn cảm thấy mình “chịu ơn rất nhiều đối với quê hương ông bà đã truyền cho tôi thứ tiếng nói đậm đà tôi hằng nói từ những ngày mới ra đời. Mà rồi cho đến cái phút cuối cùng không được chứng sống nữa, thì cái câu cuối đời của tôi cũng vẫn lại cứ nói lên vẫn chỉ bằng cái thứ tiếng nói ruột thịt tủy xương đó mà thôi (…) Có những lúc lại lẩn thẩn nghĩ dại dột rằng bây giờ tự nhiên mình lại mất trí, mà quên hết mà bay hết khỏi đầu mình chỗ kho tàng tiếng nói Việt Nam này, thì có lẽ mình… mình sẽ phải chết mất. Nhưng không, không thể nào quên được cái tiếng Việt Nam hữu cơ, cái tiếng nói Việt Nam linh diệu ấy được. Có đến chết cũng không quên được. Có chết, càng vẫn nhớ”. Và đối với một nhà văn chuyên viết tùy bút như Nguyễn Tuân, sự cầu kỳ, chăm chút, công phu, cẩn thận khi chọn từ chọn chữ để diễn đạt ý tình luôn là một điều được thực hiện vô cùng kỹ lưỡng: “Có những tiếng những chữ mỗi lần vác từ trong kho dân tộc ra mà dùng, cần phải gieo nó xuống, cần phải gõ nó lên mà đo lại cả những vòng ngân vang hưởng của nó”.

Có những tiếng những chữ mỗi lần vác từ trong kho dân tộc ra mà dùng, cần phải gieo nó xuống, cần phải gõ nó lên mà đo lại cả những vòng ngân vang hưởng của nó”

Nguyễn Tuân

Từ 1975, đất nước bước sang một kỷ nguyên mới của hòa bình, thống nhất. Lịch sử dân tộc sang trang và lịch sử văn học cũng sang trang. Viết về tình yêu tiếng Việt trong giai đoạn này, nổi bật lên thi phẩm Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, được sáng tác những năm đầu của thập niên 80. Bài thơ dài tới 60 câu, mang dáng dấp của một trường ca về tiếng Việt, mang trong đó những hơi thở hào hùng như một pho sử thi về tiếng nói của cha ông. Tất cả những thanh âm của quê hương, của bao lớp người lần lượt hiện lên qua những dòng thơ. Từ tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm đến tiếng kéo gỗ nhọc nhằn, từ tiếng gọi đò trên sông vắng đến tiếng lụa xé đau lòng, từ tiếng nước lũ dập dồn đến lời cha dặn… Tiếng Việt dường như mang trong nó những vẻ đẹp vừa đối lập tương phản lại vừa thống nhất nhịp nhàng: Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/Óng tre ngà và mềm mại như tơ. Vẻ đẹp của một ngôn ngữ giàu thanh điệu cho ta những biểu cảm độc đáo về mặt thanh âm mà những ngôn ngữ Tây phương không bao giờ có được: Dấu huyền trầm dấu ngã chênh vênh/Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy. Và Lưu Quang Vũ đã qua tiếng Việt mà đánh thức sự quay về nguồn cội, đánh thức sự hàn gắn của những con người còn ở bên kia chiến tuyến. Có phải càng xa quê hương, thì cái tình với tiếng Việt càng cháy bỏng cồn cào hơn lúc nào hết. Và vượt lên mọi cách ngăn về địa lý, về chính trị, thi sĩ tin rằng muôn người Việt có thể trở về đoàn tụ bên nhau trong tình yêu thứ tiếng ngàn đời. Tám câu thơ khép lại tác phẩm đã chạm vào nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn của mỗi chúng ta: Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?/ Ai ở phía bên kia cầm súng khác/Cùng tôi trong tiếng Việt quay về/Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/Quên nỗi mình áo mặc cơm ăn/ Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá/Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình. Gần 20 năm sau khi bài thơ ra đời, nhạc sĩ Lê Tâm đã chắp cánh để bài thơ có thêm một đời sống khác, đời sống của một tác phẩm âm nhạc với giai điệu dìu dặt mang đậm âm hưởng dân gian, chất dân ca của mượt mà của đồng bằng Bắc Bộ.

Cùng trong một cảm hứng âm nhạc với đề tài tiếng Việt, bài hát Thương ca tiếng Việt (Nhạc: Đức Trí, Lời: Hà Minh Quang) cũng đã gây được một hiệu ứng mạnh mẽ trong lòng công chúng nghe nhạc. Những lời ca tâm tình thủ thỉ mà sâu lắng như lời hẹn thề, ước nguyện trong mỗi trái tim: Tiếng Việt còn trong mỗi người, người Việt còn thì còn nước non. Giữ tiếng Việt như ngày nào, hào hùng xưa vọng mãi ngàn sau. Tiếng Việt còn trong mọi người, hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn. Giữ tiếng Việt cho nối đời, lời quê hương ấy lời sắt son.

Và rồi cho đến những thập niên đầu của thế kỷ 21, tình yêu tiếng Việt còn hiện về trong những câu thơ của một nhà thơ từng khoác áo lính – thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm. Khi không cần nói thêm một lời nào cả, thì sự im lặng ấy cũng là một vẻ đẹp của tiếng nói cha ông, bởi sự xúc động đã dâng trào, bởi cả quá khứ, hiện tại và tương lai cùng hòa vào một khoảnh khắc: Lắm khi tiếng Việt bay đi đâu cả/Tôi ngồi uống bia cùng gã ăn mày/”Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại”/Tiếng tự ngàn đời sao vẫn đắm say/Ngôn ngữ nồng nàn muối mặn gừng cay/Con chữ lặng im khi vừa chợt tỉnh/Tôi nhớ những người từng mang áo lính/Con đường khét lẹt, loài hoa gì đây? (Bên dòng thời gian).

Đã hơn nửa thể kỷ trôi qua kể từ mùa xuân năm 1966, khi cố thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cùng với bao thăng trầm và đổi thay của đất nước, của đời sống, tiếng Việt luôn khẳng định được sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt của mình, khẳng định được sự giàu đẹp vốn có của nó. Tiếng Việt vẫn thắp trên môi chúng ta mỗi ngày, là thước đo tâm hồn người Việt, là dòng chảy bất tận trong những tác phẩm văn chương, trong những lời ca tiếng hát. Và nhạc phẩm mới nhất của nhạc sĩ Nhị Độ trong những ngày đầu của tháng 5/2018 là minh chứng rõ ràng cho cảm hứng bất tận về tình yêu với tiếng nói ngàn đời của cha ông: Tiếng Việt ngọn nguồn sữa trong, lời ru vành nôi bỗng nói cười. Nghe kể chuyện xưa làm thơ, gọi sáo diều đêm vi vu. Tiếng đồng dao giăng lên mây, gọi mưa xuống trên muôn hoa bay. Dấu nặng lời hịch núi sông, lời cha dặn luôn dấu ngã lòng. Dấu hỏi lòng mẹ bao dung để dấu huyền chị thương nhớ. Thanh bằng lòng em bên anh, để thanh sắc vương trong xuân xanh… (Tiếng Việt chảy mãi).

Đỗ Anh Vũ