6 tháng đầu năm 2018: Tăng trưởng ấn tượng

Nguyên Khánh 03/07/2018 07:35

Ngày 2/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp trực tuyến với tất cả các địa phương trên cả nước, bàn về tình hình kinh tế - xã hội. Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau”.

6 tháng đầu năm 2018: Tăng trưởng ấn tượng

Nông nghiệp là điểm nhấn trong sự tăng trưởng 6 tháng đầu năm.

Vượt qua thách thức

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng chỉ ra 3 vấn đề còn khó khăn, thách thức trong lĩnh vực xã hội gồm: Thiên tai, vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác. Theo đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân, tạo môi trường đầu tư ổn định để đất nước phát triển đúng hướng.

Đối với các vấn đề xã hội bức xúc, Thủ tướng cho biết, thời gian qua có nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến phản ảnh về tình trạng an toàn giao thông, lừa đảo, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trong trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ… “Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành”.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bổ sung những động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới. Phải đào sâu suy nghĩ, tìm giải pháp để đi lên phía trước, để thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng. Những gì cản trở người dân, doanh nghiệp cần tiếp tục gỡ bỏ.

Theo Thủ tướng, 4 nguyên nhân dẫn đến trì trệ đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường, kỉ cương phép nước chưa được thực hiện nghiêm túc. Tham nhũng, tiêu cực lợi ích nhóm xảy ra trầm trọng. Bệnh quan liêu xa dân, khiến huy động sức dân, đi từ nhân dân còn khó. Thủ tướng đề nghị phải khắc phục những nguyên nhân này để phát triển tốt hơn.

Về gỡ bỏ các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, chặn những điều kiện kinh doanh gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Theo Thủ tướng cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính là nhiệm vụ quan trọng nhưng quan trọng vẫn là khâu cán bộ. Vì nếu cán bộ cứ ôm vào mình những quyền lợi không chính đáng sao đất nước phát triển được. Thủ tướng chỉ rõ, hiện đã xuất hiện tình trạng một số cán bộ có sức ì lớn, cản trở môi trường đầu tư kinh doanh. Chúng ta không dung túng cho cán bộ thờ ơ với việc của dân, cứ sợ, cứ ngại trách nhiệm, né tránh trách nhiệm làm sao đất nước phát triển được.

Con tàu kinh tế đạt tốc độ ấn tượng

Qua 1/2 chặng đường của năm 2018, con tàu kinh tế đã đạt tốc độ đáng khích lệ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011. Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

6 tháng đầu năm 2018: Tăng trưởng ấn tượng - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Nói về những thành tích tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nền kinh tế đạt được những thành tích nổi bật là nhờ sự kế thừa thành quả của năm 2017. Chúng ta cũng phát huy tốt nhất yếu tố khách quan của thế giới chớp lấy cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Đặc biệt, sự quyết liệt, đúng thời điểm, tăng cường giám sát kiểm tra của Chính phủ, chúng ta đã giao ngay chỉ tiêu cho các bộ, ngành địa phương tự đăng ký kịch bản tăng trưởng, vì thế 6 tháng có bức tranh tăng trưởng 7,08%. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp đã có những điểm nhấn tích cực, đã thu hút được lực lượng đầu tư vào khu vực nông nghiệp rất lớn. Tái cơ cấu khu vực nông nghiệp đã tập trung vào những yếu tố vốn là điểm yếu trước đây đó là công nghiệp chế biến. Việc ngành rau quả có 8 nhà máy chế biến nông sản khánh thành góp phần giảm tình trạng ế thừa của nông sản khi nông sản được mùa.

Tháo gỡ các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các địa phương đưa ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ các thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…). Chính phủ sớm có hướng dẫn, tháo gỡ các quy định về kết nối, chia sẻ các dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ban, ngành. “Đề xuất Chính phủ cho thành phố Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số các lĩnh vực khác. Và nếu được đồng ý mỗi năm, thành phố trước mắt sẽ thu được trên 300 tỷ đồng”- Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Trần Tử Quỳnh- Chủ tịch UNDN tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chính phủ cho phép Bắc Ninh thành lập khu công nghệ cao thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời đề nghị, chính phủ cho phép thí điểm thuê đất công ích và đất dự phòng, để phát triển các khu công nghiệp ứng dụng cao. Với số lượng học sinh tăng nhanh trên địa bàn, Chủ tịch Bắc Ninh đề nghị Chính phủ đồng ý bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh, trước mắt, Bắc Ninh sẽ thực hiện khoán định mức giáo viên trong năm 2018-2019 đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành gỡ khó cho vấn đề giáo dục của địa phương này.

Không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ

Đánh giá về vụ việc gây rối tại Bình Thuận vừa xảy ra, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho hay, việc mất an ninh trật tự vừa qua (ngày 10-11/6) do diễn biến phức tạp trong một bộ phận nhân dân. Một bộ phận người dân đã bị bộ phận xấu lôi kéo, kích động tụ tập đông người, đập phá… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Sau khi vụ gây rối xảy ra, tình hình trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng được ổn định. Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan công an nghiên cứu, củng cố các chứng cứ để xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trước pháp luật. Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cho hay, hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hơn 32 đối tượng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị các địa phương chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải quyết những yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Tăng cường đối thoại với nhân dân, rà soát những bức xúc có thể hình thành những điểm “nóng” trên cơ sở giải quyết dứt điểm, bảo đảm hài hoà lợi ích, không để xảy ra phức tạp.

Ngân hàng Nhà nước chủ động các phương án điều hành tỷ giá

Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, ngày 2/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định NHNN luôn chủ động các phương án để điều hành tỷ giá và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung - cầu thị trường có vấn đề, đảm bảo thị trường ngoại tệ được thông suốt.

“Trong 6 tháng đầu năm lãi suất ổn định, đặc biệt mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,5% góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng”- Thống đốc thông tin.

Xung quanh nội dung điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, theo người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, đến cuối tháng 6, thị trường ngoại tệ vẫn hoạt động ổn định, tỷ giá 6 tháng đầu năm tăng xấp xỉ 1%, tất cả các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng và thị trường hoạt động thông suốt.

T.Hằng

Nguyên Khánh