Khắc phục tình trạng 'nhờn' luật
Ngày 3/7 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Diễn đàn pháp luật “Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật và cải cách tư pháp”.
Phát biểu tại đây, ông Đặng Thanh Sơn- Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: Tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, triệt để diễn ra tương đối phổ biến trong đời sống xã hội; thậm chí diễn ra ngay trong chính đội ngũ công chức, viên chức, đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Hệ quả là nhiều đạo luật dù tư tưởng, tinh thần có tiến bộ, nhưng đi vào cuộc sống rất chậm, rất khó do thiếu các điều kiện cơ bản đảm cho việc thực hiện.
Theo ông Sơn, sở dĩ có thực trạng trên do công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa thực sự được cơ quan có thẩm quyền, tổ chức và người dân nhìn nhận, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu.
“Qua theo dõi nhận thức, ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức thi hành pháp luật còn thấp, vì thế tình trạng tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng phổ biến trong xã hội, thậm chí ngay trong đội ngũ cán bộ công chức có nhiệm vụ chính là thực thi pháp luật”- ông Sơn cho biết.
Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu cũng cho biết, theo Điều 99 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm “tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật”.
Đây là quy định mang tính cơ bản, đặt nền móng cho công tác tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam. Tuy nhiên sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa có chuyển biến thực sự.
Thực tiễn triển khai thi hành pháp luật cho thấy, còn nhiều lãnh đạo các ngành, các cấp chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của công tác tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật. Trong nhiều trường hợp, việc triển khai chỉ mang tính hình thức, đối phó với kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên mà chưa thực sự hướng đến mục tiêu, ý nghĩa, hiệu quả thật sự của công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Từ những hạn chế trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết: Để cụ thể hóa các nhiệm vụ trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022, trong đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần triển khai thực hiện nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; Từng bước khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.
“Hoàn thiện pháp luật, chính sách là việc khó, nhưng thực thi chính sách, pháp luật càng khó. Nhưng để có được hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất hiệu quả khả thi thì việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật là hết sức cần thiết và cấp bách”-Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Nói về định hướng trong đổi mới, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần phải kiện toàn về thể chế, tổ chức, bộ máy, hoạt động của các cơ quan tổ chức thi hành pháp luật ở Trung ương và địa phương trên tinh thần bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó tổ chức thi hành pháp luật cần phải được đặt trong tinh thần của Hiến pháp năm 2013…
Đồng tình với quan điểm của Bộ Tư pháp, nhưng Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành cho rằng, để có thể đưa pháp luật vào đời sống thì khi xây dựng luật phải đảm bảo “đưa cuộc sống vào luật”- tức là luật phải phù hợp với cuộc sống và xử lý, giải quyết được những yêu cầu mà đời sống xã hội đặt ra. Để làm được điều này cần phải xác định đúng nhu cầu điều chỉnh quan hệ xã hội, từ đó quyết định chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội.