Tiếng ồn, bụi, phải được quan tâm giải quyết
Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trong buổi làm việc với Nhà máy giấy Lee&Man; tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang chiều ngày 4/7.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm và làm việc tại nhà máy giấy Lee&Man (Hậu Giang).
Tham gia cùng đoàn có ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội, đại diện Công ty TNHH Giấy Lee&Man thông tin, Nhà máy giấy Lee&Man là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư hơn 300 triệu USD cho dây chuyền sản xuất giấy bao bì cao cấp từ nguyên liệu giấy tái chế với công suất 420.000 tấn/năm, ngoài ra còn có các công trình phụ trợ đi kèm, như: trạm phát điện; nhà máy cấp nước, hệ thống công nghệ xử lý nước thải; cảng và kho thành phẩm.
Nhà máy giấy Lee&Man đã đi vào hoạt động được hơn 1 năm. Tổng số lao động của Công ty hiện nay là 1.016 nhân viên, trong đó 90% nhân viên là người địa phương, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 95% cán bộ nhân viên là người Việt Nam. Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại công nghệ của Cộng hòa LB Đức công suất 20.000 m3/ngày đêm, nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn, trước khi xả thải ra sông Hậu…
Sau khi thị sát hoạt động của nhà máy và khu xử lý nước thải, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Qua báo cáo của địa phương và doanh nghiệp đây là một trong những dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên của tỉnh Hậu Giang. Mặc dù sản xuất giấy không phải xu thế của thời đại công nghệ 4.0, nhưng với những nước đang phát triển thì vẫn rất cần thiết. Vấn đề ở đây là công nghệ sản xuất, quy trình xử lý nước thải, xử lý môi trường. Nhà máy với công xuất 439.000 tấn/năm, đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn công nhân lao động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nhà máy vừa quan tâm lợi nhuận nhưng cũng chăm lo đến đời sống của công nhân.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi thấy nước thải sau khi xử lý của nhà máy qua hồ sinh học cá có thể sống được, nước có thể dùng được là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Vấn đề bây giờ là tiếng ồn, bụi, phải được quan tâm giải quyết. Nhà máy nằm ở vị trí đặc biệt của khu vực, nếu có vấn đề gì về môi trường sẽ tác động lớn đến khu vực ĐBSCL và những nơi khác. Trên sông Hậu cũng có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nên các địa phương phải hết sức quan tâm trong vấn đề bảo vệ môi trường, công nghệ đầu tư, các quy trình quản lý theo dõi. Vấn đề là quản lý đồng bộ của địa phương, không chỉ ở nhà máy này mà cả những nhà máy khác. Giai đoạn 1 đã thành công rồi thì giai đoạn 2 cũng sẽ thuận lợi và chúng tôi hoan ngênh nhà đầu tư tiếp tục đầu tư giai đoạn 2”.