Ngành tài chính và hội nhập 4.0
Giới chuyên gia cho rằng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ khiến nền tài chính phải hướng tới xây dựng hệ thống chính sách tài chính- Ngân sách Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
Thời gian tới Bộ Tài chính sẽ triển khai kiến trúc Chính phủ số ngành tài chính.
Có thể thấy rằng, CMCN với ứng dựng công nghệ số sẽ tác động ngắn hạn làm tăng tỷ lệ thất nghiệp do lao động sẽ di chuyển từ các ngành truyền thống sang các ngành mới. Song đổi lại, sẽ yêu cầu về chất lượng lao động, phát triển nguồn nhân lực sẽ cao hơn, đòi hỏi nguồn lực cho đào tạo lao động. Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam cho hay: CMCN 4.0 có 2 đặc trưng là thông minh và kết nối. Nếu soi vào ngành tài chính thì có 2 vấn đề, kết cấu của nền kinh tế thế nào, ảnh hưởng đến thu chi ra sao?
Đặc trưng của CMCN 4.0 làm nảy sinh một số ngành mới gắn với trí tuệ nhân tạo, những ngành này sẽ có đóng góp về thuế, về nguồn lực phát triển. Vì vậy, cần phải điều chỉnh, xem xét sự chuyển đổi của ngành mới như thế nào, ngành cũ sẽ biến đổi ra sao, kết cấu kinh tế thay đổi, ảnh hưởng tới nguồn thu – chi. Ngoài ra, xuất phát từ đặc trưng kết nối, các bộ, ngành, cơ quan cần kết nối nhiều hơn trong hoạch định chính sách, chia sẻ dữ liệu và dự báo tầm nhìn trung hạn.
Tại một cuộc hội thảo CMCN 4.0 tác động tới ngành tài chính, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) thì tầm quan trọng Chính phủ số là bước phát triển cao hơn tiếp theo sau Chính phủ điện tử. Một trong những điểm khác biệt là Chính phủ điện tử tập trung cung cấp dịch vụ truyền thống qua kênh trực tuyến trong khi Chính phủ số chú trọng chất lượng dữ liệu trực tuyến, áp dụng internet vạn vật… để hỗ trợ quản lý của Chính phủ.
Do vậy, theo ông Nguyễn Việt Hùng, định hướng đến năm 2025 sẽ triển khai kiến trúc Chính phủ số ngành tài chính và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, nhằm thực hiện công khai thông tin, dữ liệu về tài chính, ngân sách cho người dân và doanh nghiệp. Cung cấp dịch vụ truy vấn dữ liệu theo yêu cầu người sử dụng; thúc đẩy việc giám sát của người dân trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của Chính phủ, đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng từng lên kế hoạch tới năm 2020, 100% thủ tục hành chính được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến và hoàn thành hệ thống “đám mây Bộ Tài chính” (MOF-Cloud). Tới năm 2025, 50% dữ liệu ngành tài chính sẽ được công khai tới người dân, doanh nghiệp trong đó tập trung lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán. Ngoài ra, theo kế hoạch, 100% dịch vụ công trực tuyến sẽ được cung cấp dưới hình thức các ứng dụng di động (Mobile Apps).
Cơ quan tài chính cũng lên kế hoạch có 50% các đề xuất, dự thảo chính sách được xây dựng ban hành trên cơ sở “định hướng dữ liệu.” Trong thời gian tới, khi cơ sở dữ liệu đươc tập hợp, số hóa đầy đủ, các cơ quan có thể đánh giá được tác động của chính sách ngay khi ban hành.