Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968: Tầm vóc và bài học lịch sử

H.Vũ 04/07/2018 22:19

Ngày 4/7, Bộ Quốc phòng tổ chức buổi họp báo giới thiệu hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968: Tầm vóc và bài học lịch sử”. Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 9/7, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ban Tổ chức cho biết đến nay đã có 69 bài tham luận gửi đến Hội thảo.

Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968: Tầm vóc và bài học lịch sử

Quang cảnh buổi họp báo.

Đại tá Trương Mai Hương - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, mục đích của cuộc Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định và làm rõ sự lãnh đạo chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương; sự kịp thời linh hoạt và kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch, nghệ thuật chỉ huy tác chiến đối với các lực lượng vũ trang, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí sáng tạo của các lực lượng tham gia chiến dịch.

Theo đại tá Hương, Hội thảo cũng tiếp tục khẳng định làm rõ âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, bản chất hiếu chiến ngoan cố của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong việc thiết lập phòng tuyến Đường 9-Khe Sanh nhằm ngăn chặn nguồn chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam qua tuyến vận tải Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bên cạnh đó Hội thảo cũng nêu cao tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, sự phát triển của nghệ thuật quân sự, phát huy, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hội thảo sẽ tập trung làm rõ chủ trương chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch Đường 9-Khe Sanh 1968; Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy các địa phương trên địa bàn chiến dịch; Diễn biến, nghệ thuật chỉ đạo, điều hành, phối hợp hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng, công tác tổ chức, bảo đảm tạo sức mạnh tổng hợp trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch.

Trả lời báo chí về việc tại sao kỷ niệm 50 năm không tổ chức ở Quảng Trị mà tổ chức ở Nghệ An, đại tá Hương cho biết, lúc đầu Viện có tham mưu cho Bộ Quốc phòng, có công văn gửi tỉnh Quảng Trị nhưng tỉnh gửi công văn cho biết trong năm nay tỉnh tổ chức nhiều lễ kỷ niệm nên không đảm bảo điều kiện để tổ chức sự kiện này. Do đó Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã tham mưu trở lại với Bộ Quốc phòng, được sự nhất trí của Bộ nên Viện đã liên hệ với tỉnh Nghệ An và được tỉnh nhất trí.

“Thực ra Quảng Trị mới là nơi quyết liệt khắc nghiệt nhất nên nếu làm ở Quảng Trị sẽ có ý nghĩa lan tỏa hơn nhưng vì khách quan nên phải tổ chức ở Quân khu 4 tại Nghệ An”- đại tá Hương cho hay.

Theo đại tá Lê Xuân Sang - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, cần tăng cường tuyên truyền tin bài về các nhân chứng lịch sử để giáo dục cổ vũ lòng tự hào dân tộc, nghệ thuật quân sự, các kinh nghiệm bài học lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc về chiến thắng Đường 9- Khe Sanh năm 1968.

H.Vũ