Doanh nghiệp đứng ngoài...
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tại thời điểm này Việt Nam thu hút được gần 26.000 dự án với tổng vốn đạt 326 tỷ USD, trong đó có 84% số dự án là nhà đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Việt Nam nỗ lực “trải thảm” thông qua chính sách về đất đai, thuế…
Nhờ chính sách hỗ trợ rất ưu đãi nên doanh nghiệp (DN) FDI trở thành thành phần kinh tế hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp nhiều cho hoạt động xuất khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước…
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho thấy, 10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì có đến 7 đồng của FDI. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực phát huy từ nguồn vốn FDI, một số kỳ vọng của Chính phủ chưa hiệu quả, DN trong nước không cảm nhận được sự lan tỏa về công nghệ của FDI, đồng thời khó tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam nhận định, sau 30 năm thu hút vốn FDI tính lan tỏa, liên kết từ khối doanh nghiệp này chưa đạt như kỳ vọng. DN nội cung ứng sản phẩm cho FDI vẫn đếm trên đầu ngón tay.
Theo Samsung, sắp tới có khoảng 200 DN nước ngoài tham gia chuỗi giá trị của Samsung. Trong khi đó, theo mục tiêu của Samsung đến năm 2020 có 50 DN Việt cung ứng sản phẩm cho đơn vị này.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có 21% DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tỷ lệ này ở Thái Lan là 30%, Malaysia 46%. Giải thích cho thực trạng không như kỳ vọng trên, đại diện một số DN FDI khẳng định, FDI có chính sách hỗ trợ để DN trong nước tham gia chuỗi giá trị chung, song việc này không đơn giản. Đa phần DN Việt có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ nên khó khăn về nguồn vốn đầu tư công nghệ là có thật.
Ngoài ra, các yêu cầu quản trị DN, nguồn nhân lực gặp nhiều khó khăn. Yêu cầu đặt ra hiện nay, muốn cung ứng sản phẩm, linh kiện cho doanh nghiệp FDI đòi hỏi DN phải có năng lực nội tại mạnh như: quản trị tốt, vốn đầu tư cao, công nghệ hiện đại,… hướng đến sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng, là chính sách của Việt Nam cởi mở, không bắt buộc DN FDI chuyển giao công nghệ, mà chủ yếu khuyến khích FDI hỗ trợ DN trong nước.
Thiết nghĩ, DN trong nước phải chủ động phát triển với kế hoạch cải tiến máy móc, trang thiết bị theo hướng hiện đại, nâng cao mô hình sản xuất, quản trị hiệu quả, nhân lực tay nghề cao,… Trường hợp hội tụ đủ nền tảng trên DN Việt sẽ hợp tác được nhiều đối tác khác, chứ không riêng một đơn vị FDI cá biệt nào đó.