Quyết tâm hành động
Như vậy, sau chuyến khảo sát, kiểm tra của Ủy ban Châu Âu (EC) về việc khắc phục thẻ vàng IUU đối với ngành thủy sản của Việt Nam, thay vì sẽ rút thẻ vào tháng 6 vừa qua, EC lại tiếp tục kéo dài thêm thời gian thử thách đối với các doanh nghiệp thủy sản nước ta.
Liên minh châu Âu (EU) đã ghi nhận những kết quả Việt Nam đạt được trong việc khắc phục “thẻ vàng”.
Theo đó, đến 1/1/2019, nếu những yêu cầu về việc khai thác hải sản có trách nhiệm vẫn chưa được thực thi theo đúng những quy định phía EC đưa ra, thì “án phạt thẻ vàng” sẽ được EU áp dụng.
Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam (VASEP), lý do dẫn đến việc EC tiếp tục cảnh báo thẻ vàng với hải sản Việt Nam là việc truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhưng đáng quan ngại hơn là việc tái diễn tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép tại vùng biển một số nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia). Ngoài ra còn một số lý do khác nữa như hệ thống giám sát tàu cá chưa đầy đủ, chế tài xử lý vi phạm chưa hợp lý...
Mặc dù trong 10 ngày sang giám sát và xem xét, kiểm tra tại Việt Nam, phía Liên minh châu Âu (EU) đã ghi nhận những kết quả Việt Nam đạt được trong việc khắc phục “thẻ vàng”, song, theo EU, việc trang bị các hệ thống giám sát của Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa. Thực tế hiện nay, Việt Nam có khoảng 133.000 tàu cá trong đó có gần 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất 90CV trở lên, nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar. EU cho rằng, do thiếu thiết bị này, việc kiểm soát các tàu cá trong quá trình khai thác hải sản có vi phạm vùng đánh bắt không là rất khó.
Về điểm này, trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận một thực tế rằng, để có thể trang bị đầy đủ thiết bị giám sát cho lực lượng tàu thuyền khai thác của chúng ta với số lượng lớn lên tới 133.000 tàu thuyền là không dễ dàng. Hơn thế nữa, việc phải thay đổi tập quán sản xuất, ở đây là tập quán đánh bắt tự nhiên sang hình thức khai thác trách nhiệm (có khai báo sổ sách, ngư trường) cũng là câu chuyện không đơn giản, không phải một sớm một chiều có thể thay đổi ngay được. Ngoài ra, những bất cập về cơ sở hạ tầng từ bến cảng, khu neo đậu, bến cá… còn hàng loạt các rào cản, khó khăn mà chúng ta rất cần đầu tư cả về thời gian và nhân lực, vật lực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu lên quyết tâm, dù khó đến mấy cũng sẽ phải làm quyết liệt hơn nữa để có thể gỡ được thẻ vàng như kỳ vọng.
Thực tế, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên bị EU “tuýt còi” rút thẻ vàng. Trước đây, đã từng có nhiều quốc gia trên thế giới phải nhận thẻ vàng, thậm chí thẻ đỏ từ EU, do đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Cụ thể, theo VASEP, đến nay đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ từng bị EU áp dụng biện pháp phạt thẻ; trong đó có 6 quốc gia đã phải nhận thẻ đỏ. Trong khu vực ASEAN, Campuchia đã nhận thẻ đỏ từ EU từ tháng 3/2014, Philippines nhận thẻ vàng vào tháng 6/2014. Ngoài ra, cũng do đánh bắt cá trái phép tràn lan, Thái Lan cũng nhận thẻ vàng từ EU vào tháng 4/2015. Và để vượt qua được án phạt đó, các quốc gia đã phải mất khá nhiều thời gian, công sức, không thể khắc phục được ngay trong một sớm một chiều. Chính bởi vậy, đối với Việt Nam, 6 tháng qua, toàn ngành thủy sản đã tập trung, nỗ lực để thay đổi cũng đã là một sự cố gắng quyết tâm lớn.
Khả năng gỡ được thẻ vàng trong 6 tháng tới đây là rất khó vì thời gian quá hạn hẹp trong khi chúng ta còn có quá nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, giới chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, nếu chúng ta nỗ lực, làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc thì việc xóa được thẻ vàng là hoàn toàn khả thi. Từ những khuyến nghị mà EC đưa ra, có thể thấy, phía đối tác đang nhấn mạnh đến những quy định về bảo tồn, về kiểm soát IUU của quốc tế chứ không chỉ “khoanh vùng” riêng khu vực châu Âu. Trong đó, khuyến nghị rất đáng chú ý là truy xuất nguồn gốc hải sản từ cảng cá. Do đó, ngoài việc đầu tư trang thiết bị giám sát cho đội tàu, công tác truy xuất nguồn gốc cũng là vấn đề cần được chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới.
Trở lại với quyết định gia thêm thời hạn thử thách của EU, một trong những lý do khiến Đoàn thanh tra của EU không “xóa án” ngay cho thủy sản Việt Nam từ tháng 6/2018, một phần là do Việt Nam vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh tại một cuộc họp báo liên quan đến vấn đề này diễn ra mới đây. Theo ông Tuấn, có một vấn đề Đoàn công tác của EC phản hồi là họ đã điều tra và thấy rằng, nếu như Trung ương hành động rất quyết liệt bằng việc sửa đổi luật, ban hành các nghị định liên quan… thì ở dưới địa phương vẫn rất bị động.
Quả thật, trong khoảng thời gian hơn 6 tháng qua (kể từ thời điểm EU áp thẻ vàng IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam), các nhà quản lý, cộng đồng DN đã rất nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp để khắc phục thẻ vàng. Một trong những nỗ lực đó phải kể đến việc cơ quan chức năng đã ngay lập tức xây dựng, ban hành Luật Thủy sản 2017 và hiện nay là hoàn thiện những văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, nhiều DN thủy sản đã đăng ký cam kết khai thác thủy hải sản đảm bảo sự bền vững theo đúng quy định phía EU đưa ra… Tuy nhiên, những nỗ lực này từ phía các bộ, ngành trung ương chưa đủ mà cần sự quyết liệt của cả các địa phương mới có thể đẩy lùi được nguy cơ thẻ vàng “đổi màu” thành thẻ đỏ. Bởi vậy, các địa phương cần có sự đầu tư và triển khai mạnh mẽ hơn các giải pháp.
Nói như ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, trước hết, các địa phương cứ triển khai tốt các nội dung, giải pháp nêu ra trong Luật Thủy sản, các Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước đó chỉ đạo về vấn đề tháo gỡ “thẻ vàng”. Làm tốt được những điều này sẽ tạo dựng nền tảng tốt cho việc EC cử đoàn sang kiểm tra lại vào tháng 1/2019 tới.