Đổ bệnh do nắng nóng
Những ngày qua, nắng nóng kéo dài, khiến người già, nhất là những người mắc bệnh mãn tính rất dễ bị đột quỵ, tim mạch, viêm phổi… Còn trẻ em thì mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa. Vậy làm gì để phòng bệnh do nắng nóng?
Trẻ em nhập viện do nắng nóng tăng nhanh.
Trẻ nhập viện vì viêm đường hô hấp
Tại Bệnh viện Nhi trung ương những ngày cao điểm nắng nóng số trẻ em nhập viện tăng nhanh đáng kể. Không khí ngột ngạt khiến những đứa trẻ được đưa đến khám quấy khóc hơn. Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày bệnh viện đón gần 3.000 trẻ đến khám, nhiều trẻ phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Hầu hết số trẻ đến khám đều do mắc các bệnh liên quan đường hô hấp, tiêu hóa hoặc bị sốt virút. Đặc biệt, thời gian qua, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trẻ mắc sởi, thủy đậu, viêm não.
Còn tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, lượng bệnh nhi cũng tăng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là có nhiều trẻ bị sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân là do trẻ được đưa ra, đưa vào phòng điều hòa liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn nên đổ bệnh.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo, người dân, nhất là trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng liên quan tổn thương hệ thần kinh trung ương (co giật, lý bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời nhằm tránh những di chứng về thần kinh có thể xảy ra.
Theo các bác sĩ khi nền nhiệt lên cao, các bé thường ở trong nhà với nhiệt độ khoảng 25 - 26 độ. Tuy nhiên khi ra ngoài, sự chênh lệch nhiệt độ đến 10 độ C khiến cơ thể bé không kịp thích nghi, phế quản dãn nở không đều gây ra bệnh viêm đường hô hấp.Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp trên trong mùa hè mà cha mẹ cần lưu ý là thói quen ăn uống. Nhiều trẻ trời nóng muốn giải nhiệt nhanh nên uống nước lạnh, nước đá quá nhiều, là một trong những nguyên nhân làm bé bị viêm họng ảnh hưởng đến đường hô hấp non yếu của trẻ.
Cha mẹ cũng cần lưu ý là trẻ nhỏ thường ra mồ hôi rất nhiều sau khi chạy nhảy, vận động, mồ hôi toát ra sẽ ngấm ngược vào trong cơ thể, gây tình trạng nhiễm lạnh. Đặc biệt lúc người trẻ nhiều mồ hôi mẹ tuyệt đối không nên tắm ngay cho trẻ vì rất nguy hiểm.
Đặc biệt nắng nóng cũng khiến thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân chính gây các bệnh về đường tiêu hóa.
Người có tiền sử tim mạch, tai biến phải cẩn thận
Trong đợt nắng nóng này, Bệnh viện Bạch Mai luôn trong tình trạng quá tải khi mỗi ngày có hơn 3.000 người đến khám, chữa bệnh, thậm chí có ngày có hơn 4.000 người đến khám. Còn tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp đón hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến khám, trong đó có nhiều bệnh nhân huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch bị tai biến phải điều trị nội trú.
Thường khi bước vào mùa hè, số người bị tai biến mạch máu não tăng nhanh, số ca bị nặng cũng nhiều hơn mức trung bình.
Có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai từ rất sớm, bà Nguyễn Thị Hoa, ở Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết bà có tiền sử bị bệnh tai biến mạch máu não nên mấy hôm nay trời nắng nóng, ăn ngủ kém, sức khỏe giảm sút, thở khó hơn nên người nhà phải đưa vào đây để các bác sĩ khám và điều trị cho yên tâm hơn. Ngồi cùng bà Hoa, hầu hết là các bệnh nhân cao tuổi, có tiền sử bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp. Ngoài ra, một số người nhập viện vì kiệt sức do nắng nóng. Các mức độ từ nặng đến nhẹ với biểu hiện khát nước nhiều, mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn, choáng ngất.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong những ngày nắng nóng này cùng với lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch, đã ghi nhận những trường hợp bị tai biến, đột quỵ nặng do nguyên nhân thời tiết. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 40-50 ca bệnh nặng như suy tim, viêm phổi, tai biến mạch máu não… Có trường hợp, bệnh nhân vừa mới được xuất viện đã lại phải tái nhập viện do khó thở, mất nước.
Theo các bác sĩ, nắng nóng khiến tình trạng mất nước thông qua việc đổ mồ hôi của cơ thể dễ dẫn đến sự lồi lõm của mạch máu, độ kết dính trong máu tăng cao hình thành các cục máu đông - nguyên nhân chủ yếu gây ra tử vong vì đột quỵ. Với người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính về huyết áp, tim mạch, nhất là người cao tuổi, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột trong thời tiết nóng nực mùa hè cũng làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ, tai biến mạch máu não.
Phòng bệnh thế nào?
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ cần phải uống đủ nước, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng. Cần phải chú ý thường xuyên bổ sung nước, đề phòng máu tăng đặc dẫn tới hình thành huyết khối (cục máu đông), tập thói quen “khi không khát cũng uống nước”. Sáng sớm sau khi ngủ dậy hãy uống một cốc nước nóng ấm, mỗi ngày ngoài hấp thu lượng thuỷ phần kèm theo các bữa cơm, còn nên uống chí ít là 1.000ml nước đun sôi để nguội hoặc nước chè loãng.
Đặc biệt, cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Theo các chuyên gia, những người có nguy cơ cao bị đột quỵ như người cao tuổi, người cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu (mỡ máu cao), xơ vữa động mạch, người hút thuốc lá… nên áp dụng sớm những biện pháp phòng ngừa. Ngoài thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, năng tập thể dục, còn phải kiểm soát tốt huyến áp, mỡ máu, đường huyết…
Người cao tuổi nếu đột nhiên cảm thấy hơi đau đầu, váng đầu, tê nửa người, ngáp vặt liên tục... thì chớ có chủ quan, bởi đây rất có thể là triệu chứng báo trước khả năng phát sinh đột qụy (tai biến mạch máu não), phải đề cao cảnh giác và đi khám bác sĩ ngay.
Đột quỵ do nắng nóng Ngoài số bệnh mùa nắng nóng, thì đột quỵ do nắng nóng cũng cần phải cảnh giác. Một số nguy cơ làm tăng đột quỵ do nắng nóng, đó là nhóm đối tượng trẻ em và người già; một số người có đáp ứng kém hay kém thích nghi với nhiệt độ cao; phải làm việc hoặc tập luyện quá lâu ở môi trường nắng nóng; tiếp xúc đột ngột với môi trường nắng nóng; thiếu các trang bị bảo hộ ngăn ngừa nắng nóng; người đang sử dụng một số thuốc như thuốc lợi tiểu gây mất nước, điện giải, người đang có các bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, người béo phì, người cơ thể không được khỏe hoặc ăn uống không đầy đủ. |