Tê tê trước nguy cơ tuyệt chủng
Tê tê là một trong những loài thú có vảy bị săn bắt nhiều nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, có 2 loài tê tê phân bố là tê tê java Manis javanica và tê tê vàng Manis pentadactyla. Tê tê vàng có ở Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng… Thời gian qua nhiều vụ buôn bán, vận chuyển tê tê, vảy tê tê đã bị phát hiện, nhiều cá thể tê tê đã được thả về tự nhiên.
Mẹ con tê tê trước khi được thả lại về môi trường tự nhiên.
1. Trung tuần tháng 6 vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã bàn giao 74 cá thể tê tê cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương chăm sóc. Trước đó, vào 17h30 ngày 13/6, trên Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tổ công tác của Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 dừng xe ôtô BKS 36C-117.26 để kiểm tra. Phương tiện do ông Nguyễn Văn Mạnh, sinh năm 1989, thường trú tại xóm 1, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An điều khiển, chở trên xe động vật rừng nhưng không xuất trình được giấy tờ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về nguồn gốc số động vật rừng này.
Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 phối hợp các phòng chuyên môn thuộc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, chính quyền địa phương, Công an phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa và người điều khiển phương tiện kiểm tra cụ thể được 74 cá thể, tổng trọng lượng 339 kg.
Ông Lê Chí Chiều - Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động số 1 cho biết, căn cứ hình dạng các cá thể động vật rừng vận chuyển trên xe, đối chiếu với hình ảnh, mô tả tại sách các loài động vật được bảo vệ ở Việt Nam, phối hợp Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam, lực lượng chức năng nhận định: 74 cá thể động vật rừng trên là tê tê java, thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Cùng với việc bàn giao 74 cá thể tê tê cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương chăm sóc, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã bàn giao vụ việc cho Công an huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra, xử lý.
Trước đó, một vụ vận chuyển vảy tê tê cũng đã được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, ngày 3/5, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 thuộc Cục Hải quan TP HCM phát hiện 3,3 tấn vảy tê tê nhập khẩu trái phép từ Châu Phi. Số hàng này được cất giấu rất tinh vi bằng cách dùng các bao tương tự các bao chứa hạt điều, sau đó để các bao vảy tê tê vào phía trong cùng của container và dùng các bao hạt điều bao bọc xung quanh, chất kín từ đầu đến cuối container để tránh bị phát hiện.
Ngược dòng thời gian, ngày 27/4/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 cũng đã phát hiện và bắt giữ gần 4 tấn vảy tê tê cất giấu trong các khúc gỗ hộp, nhập khẩu từ Congo (Châu Phi).
2. Tê tê hay còn gọi là trút, xuyên sơn, là các loài động vật có vú thuộc Bộ Tê tê (Pholidota). Bộ Tê tê hiện nay chỉ còn một họ Manidae, có ba chi Manis, Phataginus và Smutsia. Chúng là loài thú ăn kiến sinh sống ở miền nhiệt đới châu Á và châu Phi. Tê tê thích hoạt động về đêm, chúng dành cả ngày cuộn tròn trong tổ và khám phá thế giới dưới ánh trăng. Loài động vật đơn độc này thường kén ăn, và nhiều khi sẽ chờ đợi để có được đúng thứ chúng thích hơn là ăn tạm một thứ không thích.
Các loài tê tê có chiều dài từ 30 đến 100 cm. Con cái thường nhỏ hơn con đực. Chúng làm ổ trong những hốc cây rỗng hay đào hang sâu dưới đất.
Theo các chuyên gia về động vật hoang dã, tê tê là một trong những loài vật đẹp đẽ và vô cùng thú vị, là động vật có vú duy nhất trên thế giới có vảy. Các móng vuốt lớn và dài của chúng cho phép chúng đào hang dưới lòng đất để trú ngụ và đào ổ kiến, mối mọt để ăn, đồng thời cũng giúp xới lên và tạo độ thoáng khí cho đất. Điều này cải thiện chất lượng dinh dưỡng của đất và hỗ trợ cho quá trình phân hủy, cung cấp một lớp đất nền tốt cho thảm thực vật tươi tốt phát triển.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết, tất cả 8 loài tê tê đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong 4 loài tê tê châu Á có 2 loài nằm trong Danh lục Đỏ IUCN ở mức cực kỳ nguy cấp (EN). 4 loài tê tê châu Á đều giảm 50-90% trong 3 thế hệ gần đây (khoảng 21 năm). Báo cáo của IUCN cho thấy tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép tê tê đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới. Nguyên nhân chính đe dọa sự sống còn của loài tê tê là do thịt tê tê được coi là một thực phẩm cao cấp, vảy được dùng như một thành phần trong các loại thuốc truyền thống châu Á.
Tại Việt Nam có 2 loài tê tê phân bố là tê tê java Manis javanica và tê tê vàng Manis pentadactyla. Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007, tê tê java có thân cỡ trung bình, dài 0,4-0,65m, trọng lượng 6-8kg. Môi trường sống của chúng là trong rừng già, rừng thứ sinh, rừng hỗn giao tre nứa gỗ, ở hang dưới các gốc cây to, cây mục nát, hoặc vách đất đá trong lùm cây rậm rạp. Tê tê java phân bố chủ yếu ở các vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Tây Ninh.
Còn tê tê vàng có ở các vùng Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng... Loài này có vùng phân bố rộng, nhưng là mặt hàng rất có giá trị, nên bị săn bắt nhiều, bên cạnh đó do mất sinh cảnh sống nên số lượng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng buôn bán trái phép tê tê ở Việt Nam gia tăng góp phần đẩy tê tê đến bờ vực tuyệt chủng.
Mặc dù các loài tê tê phân bố tại Việt Nam được pháp luật bảo vệ ở mức cao nhất, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các chế tài xử phạt hành vi săn bắt, buôn bán trái phép còn thấp, chồng chéo, khó áp dụng; chưa có quy định xử lý hình sự đối với các loài tê tê không phân bố ở Việt Nam.
Khó khăn là vậy nhưng đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm các quy định, cam kết quốc tế về bảo tồn, phát triển loài tê tê và các loài động vật hoang dã nguy cấp khác. Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để cùng các nước, các tổ chức chung tay đối phó với các vấn nạn buôn bán, khai thác bất hợp pháp tê tê cũng như các loài động vật hoang dã có tính chất xuyên quốc gia như hiện nay.
Tê tê trong tiếng Anh là “pangolin” trong tiếng Mã Lai có nghĩa là “cuộn tròn lại”. Cái tên này xuất phát từ cơ chế phòng vệ của loài tê tê: Chúng cuộn tròn cơ thể lại thành một khối cầu khi gặp nguy hiểm. Thật không may, chính đặc điểm này khiến loài tê tê dễ bị săn bắt hơn bởi người thợ săn chẳng cần tốn sức để bắt chúng. Ngoài con người, kẻ thù chính của tê tê là sư tử, hổ và báo. Tuy nhiên, khi đối mặt với những loài vật này, tê tê chỉ cần cuộn tròn người lại. Ngay cả sư tử với bộ hàm chắc khỏe, cũng không làm gì nổi lớp vảy cứng của tê tê. Bộ vảy của loài tê tê có thành phần chính là keratin, tương tự như móng tay của con người, sừng tê giác hay móng các loài chim... Bộ vảy sừng chiếm đến 20% trọng lượng của loài vật này. |