MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc: Quyết liệt giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm
Thực hiện Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đến 100% các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, khu dân cư.
Hiện tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều cơ sở sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bằng sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống Mặt trận đã có 7.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm cam kết không vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai sâu rộng đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân. Sau 2 năm triển khai, tại tất cả các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, khu dân cư đã chủ động tổ chức tuyên truyền vận động, tự kiểm tra giám sát và tổ chức ký cam kết không vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Song song với việc tuyên truyền vận động, MTTQ tỉnh đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở Y tế, Sở Công thương, NN&PTNT chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thành lập các đoàn thanh, kiểm tra đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Trong năm 2017, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động triển khai các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, liên ngành vào các đợt cao điểm với gần 5000 cơ sở. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 85% số cơ sở được kiểm tra đạt tiêu chuẩn, 15% là không đạt tiêu chuẩn. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP, bước đầu ngăn chặn được việc sử dụng chất cấm Salbutamol, vàng ô trong chăn nuôi. Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật giảm đáng kể.
Đặc biệt sau sự việc kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã Đại Đình (huyện Tam Đảo), UBND tỉnh cùng ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã chỉ đạo xử lý quyết liệt đối với các trường hợp vi phạm nhằm lập lại trật tự và làm gương cho các cơ sở kinh doanh, giết mổ trong tỉnh không để làm ảnh hưởng đến uy tín của người làm ăn chân chính.
Để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn của nhân dân, MTTQ tỉnh đã phối hợp cùng các sở, ngành tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia thực hiện tốt các quy trình sản xuất, phát triển những mô hình sản xuất thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Trong hai năm qua, MTTQ các cấp đã kiến nghị xây dựng cơ chế hỗ trợ đối với các mô hình về sản xuất an toàn thực phẩm như HTX rau an toàn Vân Hội ở Tam Dương, cơ sở chăn nuôi Phúc Đạt (Phúc Yên), mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại Lập Thạch…
Trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, MTTQ tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý các vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Trong năm 2018, MTTQ tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền vận động, giám sát qua hình thức giám sát nhân dân, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, tự phát, mang tính thời vụ. Thông qua giám sát, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng, sản xuất và sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.