Một lớp dân tộc nội trú có 2 nữ sinh đạt 9,5 điểm Ngữ văn
Lớp 12C1, Trường Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An có 27 em dự thi THPT quốc gia thì có tới 22 em có điểm 8 môn Ngữ văn trở lên. Trong đó có 2 nữ sinh đạt 9,5 điểm môn Ngữ văn ở kỳ thi này.
Lớp 12C1, Trường Dân tộc nội trú THPT số 2 tỉnh Nghệ An có 22/27 thí sinh đạt điểm 8 trở lên môn Ngữ văn.
Thông tin trên được cô Bùi Thị Lệ Thu - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1, Trường Dân tộc nội trú THPT số 2, tỉnh Nghệ An thông tin với PV Dân trí. Kỳ thi vừa qua, lớp 12C1 có 27 thí sinh tham gia thì có tới 22 em có điểm môn Ngữ văn đạt từ 8 điểm trở lên, trong đó có 2 em 9,5 điểm, 1 em đạt 9,25 và 2 em đạt 9 điểm. Ở môn Địa lý cũng có 1 thí sinh đạt 9,75, 1 thí sinh đạt 9,5 và 1 em đạt 9,25 điểm.
“Cả lớp có 27 em dự thi có có 5 em có điểm xét tuyển đại học khối C từ 26-26,75 điểm (chưa bao gồm điểm ưu tiên); 16 em có điểm xét tuyển từ 24 đến 25,75 điểm; 2 em có điểm xét tuyển trên 19 điểm. Đối với các em trường dân tộc nội trú, phải sống xa gia đình, thiếu sự chăm sóc của bố mẹ thì đây là một kết quả hết sức bất ngờ. Nếu như các em trường khác nỗ lực 100% thì ở đây, các em phải nỗ lực đến 200% để có được kết quả như hôm nay”, cô Bùi Thị Lệ Thu chia sẻ.
Vi Hồng Hà Sương - thí sinh có điểm xét tuyển đại học khối C cao nhất Trường DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An.
Có điểm xét tuyển khối C cao nhất là em Vi Hồng Hà Sương với 26,75 điểm. Cụ thể Ngữ văn đạt 8,75 điểm, Lịch sử 8,25 điểm và Địa lý 9,7. Sương từng đạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Văn tỉnh Nghệ An và là Bí thư Chi đoàn 12C1.
Với số điểm này, Sương đăng ký xét tuyển vào Học viện Báo chí và tuyên truyền để trở thành phóng viên như em mơ ước. Nữ sinh này vừa hoàn thành bài thi năng khiếu của Học viện và đang chờ kết quả xét tuyển chính thức.
“Em rất bất ngờ với kết quả của mình. Sau khi hoàn thành kỳ thi, em đã tự chấm được kết quả môn Lịch sử và Địa lý, nhưng vẫn chưa dám khẳng định chắc chắn. Ngoài ra, môn Văn là môn tự luận nên em cũng hi vọng là mình đạt điểm thi tốt thôi. Có kết quả này, em xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các thầy cô giáo và đặc biệt là cô Thu chủ nhiệm đã tận tình dạy bảo, yêu thương, chăm sóc và lo lắng cho chúng em như một người mẹ”.
Em Lô Thị Tĩnh (Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn chưa hết bất ngờ với kết quả thi THPT quốc gia của mình. Nữ sinh từng giành giải Nhất cuộc thi Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh xuất sắc giành 26,25 điểm xét tuyển khối C (chưa bao gồm điểm ưu tiên), trong đó Ngữ văn 9,5 điểm, Địa lý 9 và Lịch sử 7,75 điểm.
Lô Thị Tĩnh đạt điểm 9,5 môn Ngữ văn và có điểm xét tuyển đại học khối C là 26.25 điểm.
“Môn Địa lý và Lịch sử thì thi xong, em dò đáp án và tự chấm điểm nên kết quả 2 môn thi này không có gì bất ngờ. Riêng môn Ngữ văn, thì thực sự là em rất bất ngờ, dù hôm thi em đã cố gắng hết sức mình nhưng không nghĩ là kết quả cao đến thế. Thực sự là em rất bất ngờ và rất vui”, Tĩnh chia sẻ.
Hà Thị Vân - cô sơn nữ của huyện biên giới Quế Phong là một trong 2 thí sinh đạt điểm 9,5 môn Ngữ văn của Trường DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An.
Hà Thị Vân - nữ sinh đến từ xã nghèo Nậm Nhóong (Quế Phong, Nghệ An) cũng xuất sắc giành 9,5 điểm môn Ngữ văn, 8,75 điểm môn Lịch sử và 7,75 điểm môn Địa lý. Với tổng điểm xét tuyển khối C là 26 điểm (chưa cộng 2,75 điểm ưu tiên), Vân sẽ đăng kí vào khoa Quản trị Du lịch, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn.
“Khi biết mình được 9,5 điểm môn Ngữ văn, em không dám tin đây là sự thật vì quá bất ngờ. Thực ra thì em cũng không có bí quyết gì nhiều. Ngoài việc học kỹ các tác phẩm trong sách giáo khoa qua bài giảng của cô thì em đọc thêm bài văn mẫu”, Hà Thị Vân cho biết.
Nữ sinh lớp 12C1 chụp ảnh lưu niệm cùng cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Lệ Thu.
Theo cô Lệ Thu, do đặc thù trong công tác quản lý học sinh của trường dân tộc nội trú nên các em không được thoải mái lên mạng Internet để tìm kiếm thông tin, tư liệu, không được ra ngoài thường xuyên do vậy kiến thức xã hội của các em không nhiều. Trong khi đó, xu hướng ra đề thi những năm gần đây có những câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức về xã hội mới có thể làm tốt bài thi của mình.
“Ngoài việc trang bị cho các em kiến thức trong sách giáo khoa, các giáo viên trong trường phải nắm bắt thông tin về tình hình kinh tế xã hội, các vấn đề nóng để trang bị cho các em. Vào thời điểm cuối năm học, nhà trường mới cho các em sử dụng máy tính vào mạng Internet thu thập thông tin cũng như thư giãn, chuẩn bị tâm lý thoải mái cho kỳ thi quan trọng này”, cô Thu cho biết thêm.