Gieo chữ gặt nhân tâm
Vốn là một nhà giáo, rồi cuộc đời đã chọn ông trở thành một nhà báo. Nhiều năm làm trưởng đại diện cơ quan Đài tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên, Uông Ngọc Dậu gắn bó và am hiểu Tây Nguyên, như một người được sinh ra từ đó.
Chuyển ra Hà Nội, ông phụ trách Hệ phát thanh dân tộc. Tiếp tục mở ra biên độ mới, không phải chỉ là Tây Nguyên, mà là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong khắp cả nước. Nhất là với vùng cao phía Bắc. Nơi ông viết thành những mẩu chuyện “Cái lý người vùng cao” cực kỳ dí dỏm, mà cũng khá chua chát.
Nhưng có lẽ đối với thính giả cả nước, thì những bản tin thời sự phát vào những khung giờ quan trọng trong ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam, kể từ khoảng cuối những năm 2000 trở đi, mới là lúc tên nhà báo Uông Ngọc Dậu được biết đến rộng rãi nhất. Cả ở vị trí một người chịu trách nhiệm nội dung của chương trình thời sự, cả ở vị trí tác giả của những bài bình luận – ông là Giám đốc Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1).
Nhà báo Uông Ngọc Dậu.
PV:Thưa ông, từng là người đứng đầu một hệ phát thanh quan trọng của Đài Tiếng nói Việt Nam, bây giờ có dịp lùi lại để nhìn, ông muốn nói gì về công việc mình đã làm?
Nhà báo Uông Ngọc Dậu: Tôi có khoảng thời gian thiếu 3 tháng tròn 9 năm được giao làm giám đốc Hệ Thời sự-Chính trị-Tổng hợp, bây giờ là Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam...
Đây là giai đoạn rất đáng nhớ, với nhiều sự kiện thời cuộc mang tính lịch sử mà báo giới can dự tích cực.
Thành ra đây cũng là khoảng thời gian tôi làm việc với hơn một trăm phần trăm sức lực, trí tuệ, đầy hứng khởi, sáng tạo và hiệu quả. Trước đây và cả bây giờ nhìn lại, đấy vẫn là giai đoạn đỉnh cao trong cuộc đời làm báo của mình.
Một quãng thời gian nói như vậy, có thể hiểu là hoàn toàn thuận lợi về nghề nghiệp không?
- Không bao giờ có việc gì lại toàn những xuôn xẻ. Với cá nhân tôi, đây là khoảng thời gian nhiều khó khăn, đầy áp lực, có những thời điểm tưởng chừng không thể hóa giải.
Nhưng rồi mọi chuyện, nói như ông bà mình thường hay nói, “cùng tắc biến”, “biến tắc thông”.
Nhưng có lẽ, không chỉ riêng tôi, mà hầu hết những đồng nghiệp từng làm việc cùng tôi đều cảm thấy hài lòng với những công việc mình đã làm trong thời gian đó, tự hào về những chương trình, tiết mục đổi mới, sáng tạo thành công, về hàng loạt tác phẩm đoạt giải thưởng báo chí quốc tế, quốc gia hàng năm, về sự quan tâm, mến mộ, tin yêu của thính giả...
Nhiều anh chị ở Đài kể về buổi làm việc cuối cùng rất xúc động của ông?
- Hôm cuối tháng 8 năm ngoái, 2017, cụ thể là sáng ngày 28, thứ 2, trong buổi chào cờ và giao ban ngày đầu tuần cuối cùng với toàn Hệ, tôi nói lời chia tay với anh chị em.
Tôi cảm ơn đồng nghiệp của tôi trong suốt gần 9 năm qua đồng cam cộng khổ, vượt qua rất nhiều áp lực, bền bỉ lao động sáng tạo, biến những điều tưởng không thể thành có thể.
Tôi nhắc tới những chiến dịch thông tin tuyên truyền về các sự kiện lớn, về những chương trình phát thanh trực tiếp có tính mở, kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, ở đó thính giả không chỉ tiếp nhận, hưởng thụ thông tin, mà chủ động sáng tạo, đồng hành cùng những người làm báo phát thanh.
Tôi nhắc về những bài bình luận, xã luận đều đặn phát sóng trong chương trình Thời sự 6h sáng hàng ngày, về Chương trình Theo dòng Thời sự, về Tiết mục Sự kiện-bàn luận, về rất nhiều sản phẩm báo chí ấn tượng...Tôi không ngần ngại khi ví những đồng nghiệp- cộng sự của mình, trong nhiều hoàn cảnh cụ thể, là những chiến binh thực sự!
Cụ thể hơn, thưa ông, thì với cộng sự của mình, ông đã từng làm việc theo nguyên tắc nào?
- Nguyên tắc đầu tiên là lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ, phóng viên. Nghề nào đó có thể giấu dốt kể cả những người giữ cương vị lãnh đạo, chứ nghề báo hay dở bày hết ra mặt báo, đồng nghiệp, độc giả, thính giả “đọc” được hết. Mà người có năng lực báo chí thật sự, thường tự trọng, hiếm nịnh nọt, chạy chọt.
Tôi là người duy tình hơn duy lý. Thành ra trong công việc quản lý đơn vị, tôi chủ trương nhân trị, sau đó mới là pháp trị. Có đồng nghiệp chê tôi làm lãnh đạo mà không có thủ đoạn và cũng không biết che giấu thủ đoạn! Tôi cấm cãi, vì họ chê quá đúng. Một nguyên tắc xuyên suốt, bậc trí giả truyền dạy, “tam ngu thành hiền”. Tôi chưa bao giờ ngộ nhận thủ trưởng thì tài giỏi hơn mọi người và mọi ý tưởng, quyết định hay nội dung điều hành, chỉ đạo của mình là tuyệt đối sáng suốt, đúng đắn. Một nguyên tắc, tôi tuân thủ nhất quán: Tất cả mọi thành công trước hết thuộc về cá nhân và tập thể trực tiếp lao động sáng tạo ra nó; tất cả mọi sai sót, khuyết điểm hay sự cố báo chí, trước hết người đứng đầu phải nhận trách nhiệm. Tôi khinh thường ra mặt những ai thấy thành tích thì vơ vào, thậm chí chiếm câu ăn phần, mà khi có sai sót khuyết điểm thì hất hết vào anh em cấp dưới.
Hỏi thế này thì không tế nhị, nhưng tôi vẫn tò mò muốn biết ai đó trong số những đồng nghiệp, những cộng sự đã làm ông rất hài lòng?
- Hầu hết những đồng nghiệp của tôi đều thạo việc, biết phát huy năng lực, sở trường và trong môi trường làm việc ở một hệ thời sự họ đều trưởng thành rất nhanh.
Tôi đánh giá cao những ai biết cãi, đương nhiên đừng cãi cùn, lộ hết cái dốt, và khi cần, kiểu như làm cái việc đột phá khẩu, dẫn chương trình khó, thử nghiệm chương trình, tiết mục mới, họ xung phong “lĩnh ấn tiên phong”. Không ít đồng nghiệp, cộng sự dưới quyền khiến tôi hơn cả hài lòng là cảm mến, tôn trọng, khi họ dám cãi, biết cãi, và biết hành động.
Ảnh minh họa.
Về việc này thì tôi có thể chia sẻ thêm là anh em trong làng báo đúng là đánh giá rất cao tính chuyên nghiệp của các anh chị phóng viên thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông có thể kể về một việc nào đó khó quên trong thời gian quyết định cho những bản tin thời sự lên sóng vào những khung giờ vàng hàng ngày?
- Chuyện làm báo thời sự, mà lại thời sự báo phát thanh, sự kiện cứ trôi đi theo từng giờ từng phút.
Chậm một phút là thông tin không còn là thông tin nữa. Nhưng vì nhanh và “hút” thính giả mà đưa thông tin không đúng thời điểm, thì lợi bất cập hại. Lỡ chân sơ sẩy còn sửa được. Lỡ miệng thì ‘tứ mã nan truy”, dễ mắc sai lầm, khuyết điểm.
Dân làm báo, chị biết đấy, có những giai đoạn, thời điểm những thông tin liên quan đến Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa hay cuộc chiến chống xâm lược biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc thuộc hàng nhạy cảm, báo chí rất dè dặt.
Nhưng nếu mình biết hoá giải, biết cách biến cái nhạy cảm thành cái không nhạy cảm, thì Ok. Vấn đề là tìm góc khai thác, góc tiếp cận thông tin ngay ngắn, kín kẽ, chững chạc.
Vấn đề là nắm chắc quan điểm không được quên lãng lịch sử, là đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, là tránh kích động chiến tranh, thù hằn dân tộc...
Trên quan điểm mang tính nguyên tắc như thế, vào những dịp “ngày này năm xưa”, chúng tôi vẫn đưa những thông tin vốn được cho là nhạy cảm trên các chương trình Thời sự, chương trình Chuyên đề, tạo hiệu ứng rất tích cực.
Hay một sự kiện cụ thể: Sự kiện Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng sử dụng vũ khí tự chế chống lại đoàn cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản, xảy ra đầu năm 2012. Hồi đó báo chí đưa tin rất dè dặt.
Nhưng ngay sau Tết nguyên đán, tôi cùng Tổng Biên tập báo điện tử VOVNews (nay là VOV.VN) Phạm Mạnh Hùng trao đổi, quyết định cử nhóm phóng viên về Hải Phòng tìm hiểu vụ việc.
Những ngày sau đó, chương trình Thời sự, dưới góc tiếp cận từ vụ án Đoàn Văn Vươn bàn về sửa đổi, bổ sung luật đất đai, liên tục thông tin diễn biến vụ việc, đồng thời mời chuyên gia, luật sư, đại biểu Quốc hội phân tích, bàn luận... Suốt quá trình phát sóng, cấp trên không hề có động thái “thổi còi”, trong khi thính giả rất hoan nghênh.
Vâng, chúng tôi cũng có cùng ông những cảm xúc về những ngày làm báo ấy, mà chúng tôi đã từng gọi là “Những ngày làm báo biển Đông”. Nhưng còn trong rất nhiều sự kiện khác bây giờ nghĩ lại, ông có bao giờ thấy tiếc rằng đáng lẽ hồi ấy nên làm khác đi không?
- Vào thời điểm quan trọng, cần những quyết định tức thì và chuẩn xác, tôi quyết rất nhanh, và rất may, chưa mắc sai lầm bao giờ. Có một vài lần, cấp trên nghe, gọi điện trách cứ vì một vài chi tiết, có khi rất nặng lời, nhưng tôi thấy mình không sai, nên thẳng thắn giải trình bảo vệ.
Làm khác đi có thể hiểu là không làm, không thông tin, thông tin làng nhàng, xào xáo thông tin hoặc thông tin té nước theo mưa...
Làm khác kiểu ấy, tất nhiên, không bao giờ. Nhưng cũng đúng là có nhiều việc mình nghĩ lại thì thấy có thể làm khác cho hay hơn, có chiều sâu hơn, hiệu ứng xã hội tích cực và rộng lớn hơn.
Kể từ khi nghỉ hưu, ông xuất hiện đều đặn với những bài viết trên báo điện tử VietNamNet. Bạn bè, đồng nghiệp không khó để nhận ra một giọng điệu khác, tung tẩy hơn, mạnh mẽ, quyết liệt hơn so với những bài bình luận ông từng viết trên Đài Tiếng nói Việt Nam! Lý do của việc này là gì?
- Những bài viết của tôi trên VietNamNet có giọng điệu khác thật à? Tôi không thấy khác. Vẫn là một giọng điệu, một phong cách đấy thôi. Nhưng mà như chị nhận xét, đúng là có tung tẩy hơn, mạnh mẽ, quyết liệt hơn so với thời ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Lý do? Một là thời ở Đài Tiếng nói Việt Nam, công việc quản lý chiếm hầu hết thời gian, tâm lực, thì giờ dành cho tư duy ý tứ và chăm chút câu chữ cho bài viết không được nhiều.
Hai là yêu cầu bài bình luận phát trong chương trình Thời sự 6h sáng phải ngắn, gọn, thời lượng chỉ khoảng 3 phút rưỡi. Như thế thật khó mà tung tẩy, thể hiện hết phong cách giọng điệu.
Ba là, sản phẩm báo nói, chúng tôi hay nói vui là “phát qua loa”không thể sử dụng ngôn ngữ đa tầng đa nghĩa. Bốn là, ở Đài quốc gia, gì thì gì, luôn tâm thế “ở vào khuôn phép, nói ra mối giường”, có mạnh mẽ, quyết liệt thì cũng nhìn trước ngó sau, chừng mực, vừa độ...
Trừ khi, đó là những bài bình luận, xã luận vào những thời điểm đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt, thì hơn cả mạnh mẽ, quyết liệt, là tính hiệu triệu, không đâu bằng.
Còn bây giờ ở VietNamNet, cụ thể là trang Tuanvietnam, một không gian khác, một tâm thế khác, bối cảnh chính trị xã hội cũng đổi mới hơn, đối tượng phục vụ cũng có phần đổi khác... Đấy là cơ hội để thể hiện phong cách cá nhân qua từng bài viết.
Nhưng có một tâm lý xã hội có thực là thế này: nhiều người khi ở cương vị lãnh đạo thì nói khác, khi về hưu lại nói khác, cứ như sai lầm khuyết điểm là của ai đó, mình thành người vô can. Không biết đối với một “quan báo” thì có hay không tâm lý đã nghỉ hưu rồi thì muốn phán gì thì phán trong những bài viết ấy không?
- Nói gì thì nói, đương nhiệm hay nghỉ hưu, trước hết người cầm bút phải thể hiện trách nhiệm công dân. Không ai cho phép nhà báo nghỉ hưu thì muốn phán gì thì phán.
Nói phải củ cải cũng nghe. Nói nhăng, nói cuội, nói bừa, ai nghe. Nhà báo nghỉ hưu thường là những người có nhiều trải nghiệm, nhiều vốn sống.
Họ có cái nhìn phản biện mạnh và rõ, đôi khi cực đoan. Phản biện để đi gần đến chân lý khác hoàn toàn với phán lác, chém gió, nói cho hả miệng.
Là nhà báo nghỉ hưu, tôi có chạnh lòng. Đương nhiệm đương chức còn không dám phán, thì kẻ nghỉ hưu yếu thế và yếm thế, có mà phán...hai hàm răng giả!
Khi gieo xuống trang báo một chữ, một từ, một ý, tôi nghĩ tới độc giả, xem số đông trong họ có cùng cảm cùng nghĩ như tôi không? Họ có đồng quan điểm cách nhìn như tôi không? Tôi sợ nhất độc giả “còm”: Ông nhà báo về hưu phán như đúng rồi!
Độc giả thấy ông viết về nhiều vấn đề trong thời gian qua. Thực ra vấn đề ông quan tâm nhất, đau đáu nhất với tâm thế của một nhà báo là vấn đề gì của đất nước trong những ngày này?
- Vấn đề an dân. Lòng dân bất an thì nội lực dân tộc sẽ suy yếu. Đảng ta mạnh tay trừ tiêu cực, tham nhũng cũng là để an dân. Phòng ngừa nguy cơ họa ngoại xâm cũng là nhằm an dân.
Từ thực tiễn mình chứng kiến khi đi cơ sở thời còn đi làm và kể từ khi nghỉ hưu thì có điều kiện thời gian để gần gũi với đời sống xã hội hơn, điều tôi cảm thấy lo ngại hiện nay là vấn đề dân chủ cơ sở.
Không hiểu sao, có lẽ là nhà báo thì thường nhạy cảm, tôi cứ cảm thấy rằng có không ít nơi, ít chỗ đang không bình thường thì phải?
Ông có cùng chia sẻ quan niệm là báo chí đứng bên con người để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, thay vì làm cho xã hội bị quan và nghi kỵ lẫn nhau?
- Tôi đồng ý, và phải là CON NGƯỜI viết hoa, con người tử tế. Tôi xin nhấn mạnh thêm: Mỗi bài báo phải là một thông điệp cổ vũ cho sự tử tế, gắn kết xã hội.
Trải nghiệm qua các loại hình báo chí khác nhau, ông thấy thế nào, có lợi thế hoàn toàn của loại hình gì không? Có sự bế tắc hoặc loại trừ lẫn nhau không?
- Có lẽ câu hỏi này dành cho các nhà nghiên cứu về báo chí thì hợp hơn. Tôi thì nghĩ, ở từng giai đoạn, mỗi loại hình báo chí có ưu thế và lợi thế khác nhau.
Một thời là báo phát thanh, ai dám so bì. Một thời là báo giấy, rồi truyền hình, báo điện tử lần lượt chi phối, chiếm lĩnh công chúng. Tồn tại hay không tồn tại sẽ do thị trường - công chúng quyết định.
Xin cảm ơn ông!
Là nhà báo nghỉ hưu, tôi có chạnh lòng. Đương nhiệm đương chức còn không dám phán, thì kẻ nghỉ hưu yếu thế và yếm thế, có mà phán...hai hàm răng giả! Khi gieo xuống trang báo một chữ, một từ, một ý, tôi nghĩ tới độc giả, xem số đông trong họ có cùng cảm cùng nghĩ như tôi không? Lòng dân bất an thì nội lực dân tộc sẽ suy yếu. Đảng ta mạnh tay trừ tiêu cực, tham nhũng cũng là để an dân. |