Thẳng thắn và quyết tâm
Tại Hội nghị Đoàn chủ tịch UBTƯ MTTQ lần thứ 14, khoá VIII, vừa được tổ chức tại TP. Vinh, Nghệ An, bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chia sẻ rằng, mỗi lần đến Mặt trận là một lần được lắng nghe những ý kiến thẳng thắn và tâm huyết. Đó cũng là những ý kiến quan trọng đã và đang góp phần hoàn thiện một số văn kiện quan trọng để trình Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Tâm huyết và thẳng thắn- không chỉ là lời nhận xét mà còn là khẳng định của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, Quốc hội mỗi khi bước vào ngôi nhà chung Mặt trận để lắng nghe tiếng nói của nhân dân.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Trong chặng đường 88 năm hình thành và phát triển, ở diễn đàn Mặt trận không chỉ những cá nhân tiêu biểu, trí thức có điều kiện được nói lên tiếng nói của mình mà là một nơi mà bất cứ người dân nào cũng có điều kiện để tạo nên tiếng nói. Tiếng nói trong Mặt trận là tiếng lòng của dân.
Giữa cái nóng hơn 40 độ C, nghị trường Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 14 cũng “nóng” không kém bởi những tiếng lòng nhân dân đặt ra cho người Mặt trận những thách thức mới để làm tốt hơn sứ mệnh của mình. Nhất là trong bối cảnh Đại hội UBMTTQ các cấp tiến tới Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX đã cận kề.
Việc đầu tiên, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, bài học kinh nghiệm cần đề cập trong dự thảo báo cáo chính trị Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX chính là bài học về lòng dân.
Làm sao hiểu được lòng dân, làm sao để lòng dân yên - câu hỏi của ông Vũ Trọng Kim cũng chính là thử thách. Đó là trong cách làm phải gần dân, hiểu dân, học dân, “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”- phương pháp của Mặt trận, dù không mới nhưng luôn cần thiết và quan trọng là có làm được hay không.
Bằng tâm huyết của một người cán bộ có nhiều năm gắn bó với công tác Mặt trận, ông Vũ Trọng Kim – nguyên Phó Chủ tịch – Tổng thư ký UBTW MTTQ Việt Nam đặt vấn đề, cần xây dựng triết lý về niềm tin, về sự gắn bó Mặt trận với nhân dân. Thiết chế của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư là cần chú ý nâng cao chất lượng của khu dân cư.
Ông Vũ Trọng Kim thẳng thắn cho rằng, chúng ta thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm này, những nhiệm vụ trọng tâm khác nhưng không nghe dân nói, không làm dân tin thì công tác Mặt trận không có hiệu quả.
“Đó là bài học kinh nghiệm lớn nhất mà chúng ta phải rút ra”, ông Vũ Trọng Kim khẳng định.
Muốn hiểu lòng dân thì phải coi trọng giải quyết những bức xúc của dân. Trách nhiệm này thuộc về Mặt trận- nhấn mạnh quan điểm này, ông Đỗ Duy Thường, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, một trong những nguyên nhân gây bức xúc cho dân là việc giải quyết chính sách còn chậm trễ.
Ngay cả những sự lãng quên trong việc thực hiện chính sách cho người nước ngoài có công với cách mạng Việt Nam như Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương đau đáu chia sẻ, cũng là điều mà lòng dân còn trăn trở, ở đó có trách nhiệm của người Mặt trận - bởi việc Tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng là việc mà Mặt trận từng triển khai có hiệu quả.
Trong khi đó, thời gian qua, một số “điểm nóng” đã xảy ra ở 11 tỉnh thành, đã có những hành động quá khích, đã có những người do không hiểu chuyện mà bị xúi giục kích động từ đó báo hiệu những “lỗ hổng” trong quản lý dân cư, trong việc hiểu lòng dân, làm thế nào để lòng dân yên.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trong nhiều lần dự các cuộc họp Chính phủ hàng tháng, hay trong báo cáo cử tri trình bày trước mỗi kỳ họp Quốc hội đều nói lên những mong mỏi của lòng dân.
Một thành phố phát triển đến mấy mà người dân bước ra đường nơm nớp với nạn cướp giật, thanh toán nhau đẫm máu của các băng nhóm “xã hội đen”, những bữa ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang đầu độc từng ngày, những con đường kẹt xe trong ô nhiễm, khói bụi…Những điều giản dị ấy thoạt nghe thì rất dễ nhưng để đạt cho được luôn là một thách thức.
Bởi lẽ ai trong chúng ta cũng đều mong ước một cuộc sống ấm no, yên bình.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng từng viết trong Bình Ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Yên dân chắc chắn là một bài học có giá trị vĩnh cửu của mọi quốc gia dân tộc và như một mục tiêu có tính đột phá để phát triển.
Để đất nước phát triển một cách hài hoà về kinh tế, xã hội, tại hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 14, ông Lù Văn Que, nguyên Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc của Mặt trận đã nhắc tới vai trò trung tâm phải là con người. Do đó Mặt trận phải quan tâm đến việc xây dựng con người Việt Nam, tuyên chiến với những biểu hiện xuống cấp về đạo đức.
Năm 2018 được xem là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Chính phủ nêu ra phương châm hành động năm 2018 là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, trong đó, kỷ cương là yếu tố phải đưa lên hàng đầu để không xảy ra tình trạng lộn xộn, “trên nóng dưới lạnh”, cán bộ không lo lắng, sốt ruột vì dân.
Còn nhớ, tại Hội nghị UBTW MTTQ Việt Nam lần thứ 8, khoá VIII diễn ra vào hồi đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ rằng, sau nhiều lần tham gia sinh hoạt ở khu dân cư ông thấy rất rõ vai trò của cán bộ Mặt trận ở cơ sở vì Mặt trận nói là dân tin, dân nghe.
Và vì thế “ Chính phủ luôn nghe ý kiến của Mặt trận”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Lo cho dân, vì dân đều là mục tiêu chung của Mặt trận và Chính phủ. Nhưng vì dân thì phải làm điều thiết thực cho dân. Theo người đứng đầu Chính phủ, giám sát là việc cần thiết để xây dựng hệ thống chính trị tốt hơn, để lo cho dân.
Thông qua giám sát phản biện, Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng Mặt trận phải là nơi để mọi người dân có thể phản ánh, tố giác mọi biểu hiện suy thoái đạo đức. Đồng thời, Mặt trận phải đóng góp vào việc khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, loại bỏ những băng nhóm ‘xã hội đen’, kiên quyết trừng trị việc đó để người dân yên tâm.
Từ Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đều tập trung nói đến vai trò của Mặt trận trong triển khai các chương trình giám sát, phản biện xã hội các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Mặt trận đã nỗ lực hết mình để đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong quá trình xây dựng phát triển đất nước và đáp ứng được yêu cầu của Đảng trong quá trình xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Và như vậy, Mặt trận ngày càng khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt và duy nhất của mình.
Đó là khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, làm tốt hơn công tác an sinh xã hội, chăm lo người nghèo và không để tình trạng người nghèo cùng cực xảy ra ở Việt Nam cho đến hàng loạt các chương trình giám sát phản biện.
Điều đó cho thấy, bên cạnh trách nhiệm vận động nhân dân ở tầm vĩ mô, ở những phong trào có tính chất chính trị xã hội thì Mặt trận đã và đang đi thẳng vào những vấn đề của con người.
Hành trình gian khó đó chính là sứ mệnh của người Mặt trận. Bởi nói như Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, hiện nay, có nhiều vấn đề xã hội, quản lý xã hội chưa được giải quyết hiệu quả, một bộ phận nhân dân chưa được hưởng trọn vẹn sự công bằng trong xã hội.
Những hạn chế này Mặt trận cần nhận thức sâu sắc và nghiên cứu, đánh giá, đưa vào Báo cáo của Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX để đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Để hoàn thiện được một báo cáo như Trưởng ban Dân vận Trung ương kỳ vọng - mang hơi thở của nhân dân, sự truyền cảm, thuyết phục và lay động mạnh mẽ- thì báo cáo chính trị của Mặt trận cần đề cao tinh thần dân tộc, nhân nghĩa, khoan dung, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Từ đó góp phần tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại đoàn kết là sứ mệnh tiên quyết của Mặt trận, trách nhiệm này hơn ai hết đang thuộc về những người đứng đầu Mặt trận các địa phương.
Tại Hội nghị Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố năm 2018 cũng vừa diễn ra tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã khẳng định vai trò quan trọng của người đứng đầu Mặt trận các địa phương - những người tiên phong đang hết lòng hết sức trong công tác Mặt trận.
Hội nghị được tổ chức tại Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do vậy, trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh đến tinh thần học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu gắn với việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá ” trong nội bộ...để góp phần hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình.