TS Lê Viết Khuyến: 'Cơn sốt' vào lớp 10 sẽ còn dai dẳng

Hương Lê 13/07/2018 14:00

Tổ chức một kỳ thi tốn kém với nhiều áp lực dồn lên những đứa trẻ mới 14 tuổi. Phụ huynh thì chạy đôn chạy đáo. Tại sao cơn sốt vào lớp 10 trường công ở các thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lâu nay khó hạ nhiệt? Theo TS Lê Viết Khuyến, dù đã có rất nhiều giải pháp nhưng người ta đã làm không đến nơi đến chốn, thế nên áp lực vào học lớp 10 sẽ còn kéo dài dai dẳng.

TS Lê Viết Khuyến: 'Cơn sốt' vào lớp 10 sẽ còn dai dẳng

TS Lê Viết Khuyến.

Tư tưởng đổi mới giáo dục đang đi ngược lại cuộc sống

PV: Thưa ông, câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung thời gian qua đã cho thấy rõ hơn sự bất cập trong tuyển sinh đầu cấp. Rõ ràng chúng ta đang đổi mới toàn diện nền giáo dục, cải tiến thi cử, giảm tải chương trình phổ thông kia mà, tại sao việc học thi của học sinh sao khổ quá?

TS Lê Viết Khuyến: Bây giờ nếu đặt vấn đề phổ cập giáo dục bậc THPT thì khó, nhà nước phải bao cấp. Nhưng nhà nước lấy tiền đâu ra. Cho nên phải hạn chế vào các trường công, và sinh ra chuyện phải chen nhau để có suất vào học.

Nhưng chúng ta cũng đã có hướng để giải quyết chuyện này. Cụ thể Nghị quyết 29- đổi mới cơ bản toàn diện nền giáo dục (từ năm 2013) đưa ra đến nay đã gần 5 năm rồi, nhưng nhiều tư tưởng cơ bản của nghị quyết không đi được vào cuộc sống. Và thực tế lại đang đi ngược lại cuộc sống.

Một trong những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 29 là: Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng…

Nếu mà sau THCS phân luồng tốt, sẽ không có tình trạng khốn khổ như hiện nay. Ở các nước người ta đều phân luồng học sinh, nhưng ở Việt Nam không thực hiện được.

Vậy ông có thể chỉ ra rõ hơn những bất cập trong công tác phân luồng lâu nay?

- Tôi lấy đơn cử, sau THCS hiện nay có 2 hướng: Một là vào THPT, hai là vào hệ trung cấp, giáo dục nghề nghiệp.

Thế nhưng giáo dục nghề nghiệp chỉ vào hệ trung cấp - có thời gian đào tạo kể từ 1- 2 năm, và học sinh sau khi có Bằng trung cấp thì có những vấn đề sau phát sinh.

Thứ nhất các em không đủ độ tuổi lao động vì mới 16, 17 tuổi. Thứ hai tâm lý người học và cả phụ huynh mong muốn con em họ còn được học lên nữa.

Nhưng hệ trung cấp theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục là không được học lên.

Muốn học lên CĐ- ĐH thì phải có bằng THPT, hoặc là như là luật quy định phải học đủ khối kiến thức còn thiếu của THPT để tương đương với trình độ THPT- khi đó anh mới được vào học hệ học lên, mới có cơ hội học lên.

Như vậy rõ ràng người ta không muốn học trung cấp mà không có tương lai như vậy nên người ta không muốn vào. Cho nên đa số học sinh của mình vẫn sống chết là phải học tiếp lên THPT.

Theo ông, bây giờ phân luồng nên như thế nào là hợp lý?

- Tôi phải nhắc lại thế này, sau cơn sốt chạy đua vào lớp 10, là cơn sốt chen chân vào ĐH (chứ không phải học nghề). Tình trạng này kéo dài liên miên, nhiều năm nay.

Trong khi các nước làm chuyện này rất khác. Do yêu cầu về công nghệ cao, trình độ cao, điều kiện lao động cao… nên người ta đào tạo tất cả lực lượng lao động đều đào tạo sau THPT. Có nghĩa là người ta phổ cập THPT và nhà nước bao cho chuyện đó. Nhưng ở những quốc gia như Việt Nam- như đã nói là nhà nước không thể làm được việc đó nên phải phân luồng sau THCS.

Nhưng phân luồng thế nào?

- Thường thì với những trình độ như Việt Nam hiện nay phân luồng chỉ cần độ 30- 50% vào THPT, còn khoảng 60-70% vào trung học nghề, chứ không phải trung cấp.

Mà trung học nghề là một hướng phân luồng THCS theo hướng học văn hóa là chính. Còn trung cấp nghề là phân luồng theo hướng hướng nghiệp và thời gian đào tạo 3 năm.

Và người tốt nghiệp THPT sau 3 năm chưa có nghề (phải học tiếp lên ĐH- CĐ), còn trung học nghề thì gia nhập vào thị trường lao động. Nếu muốn học tiếp lên thì vào ĐH- CĐ theo hướng nghề nghiệp ứng dụng.

Cần sớm có hệ trung học nghề

Vậy theo ông, làm thế nào khắc phục được những bất cập như đã phân tích?

- Nguyên nhân do khuynh hướng cục bộ. Bây giờ nếu nói như tinh thần của Nghị quyết 19- Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý ở các đơn vị sự nghiệp công lập- trong đó nói về giáo dục, theo đó thì chỉ có một nơi chỉ đạo hệ thống giáo dục.

Lẽ ra giáo dục đào tạo phải liền khối. Nếu theo hướng trung học nghề thì người học phải học cả văn hóa là 50/50 (văn hóa- nghề nghiệp).

Nhưng ở ta phần kiến thức văn hóa do Bộ GD&ĐT quản lý. Phần giáo dục nghề nghiệp lại do Bộ LĐTB&XH quản lý. Hai bộ này không ngồi lại được với nhau để ra trung học nghề.

Vì thế chúng ta mới không có hệ trung học nghề như các nước, mà phải đẻ ra một bên là giáo dục phổ thông, một bên là cái gọi là trường trung cấp. Do đó dẫn tới trớ trêu (như đã phân tích ở trên). Chừng nào chưa giải quyết được mâu thuẫn ở trên, thì sẽ chưa hết cơn sốt vào trường THPT công lập như hiện nay.

Trước thực trạng này, tôi nghĩ ta có cái sai là phải sửa, sửa từ trên xuống. Vừa rồi chúng ta sửa lại Luật Giáo dục, nhưng cứ động đến sửa, nhiều bộ/ngành lại có ý kiến này nọ. Như vậy làm sao mà đổi mới được.

Tôi xin nhắc lại, bây giờ lực lượng lao động của ta, cái mà ta cần là lao động có trình độ bậc trung- chính là trung học nghề. Mà bây giờ chúng ta không đào tạo trung học nghề, người ta đẻ ra trung cấp nghề - học sinh học không thấy có tương lai nên người ta không học trung cấp nghề là vì thế.

Đơn cử thực tế như đã thấy là các cháu ở nông thôn, ở vùng sâu vùng xa không muốn vào học THPT, không muốn học lên cao hơn, nên các trường THPT công lập ở đó cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều cháu học hết THCS là nghỉ ở nhà, lao động. Vậy tại sao lại không mở trung học nghề cho các cháu.

Cần công bằng giữa trường công- tư

Thưa ông, bên cạnh giải pháp phân luồng thì xã hội hóa giáo dục, mở trường ngoài công lập được kỳ vọng là góp phần giảm tải cho các trường công lập. Vậy tại sao lâu nay người ta vẫn chuộng trường công?

- Nhằm chia sẻ gánh nặng với nhân sách nhà nước nên sinh ra việc xã hội hóa giáo dục, từ bậc học thấp nhất. Từ đó sinh ra nên mới sinh ra trường công- trường tư. Nhưng hãy xem trường tư, hiện cũng tồn tại 2 vấn đề. Thứ nhất là chất lượng giáo dục còn thấp. Thứ hai, bởi trường công học phí thấp, còn trường tư học phí cao. Bây giờ họ không quy định ngưỡng học phí với trường tư, nên họ thu thế nào là do họ.

Thưa ông, đặt vấn đề thế này có hơi quá không khi nói rằng hiện đang tồn tại tâm lý kỳ thị giữa học sinh học trường công và trường tư? Như vậy xã hội hóa giáo dục còn có ý nghĩa gì không?

- Theo tôi nhà nước cần có sự đối xử rất công bằng với hai hệ thống giáo dục công- tư. Có nghĩa là nhà nước phải trợ giúp cho cả công và tư. Chỉ khác là trường công nhà nước bỏ tiền ra xây dựng cơ sở vật chất, trường tư thì các mạnh thường quân bỏ tiền ra xây dựng trường.

Nhưng để vận hành trường học, nhà nước phải công bằng, vận hành công – tư phải công bằng. Chỉ có như thế thì mới dần khắc phục được tâm lý học sinh không thích học trường tư.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hương Lê