Nhà thơ Phan Huyền Thư: Tấm huy chương nặng dần phía mặt trái
Tôi thấy, cho đến thời điểm hiện tại, nghĩa là khoảng 7, 8 năm sau vụ bê bối đó, đồng nghiệp đàn anh của tôi cũng không tạo được dấu ấn gì đặc biệt trong nghề nghiệp ngoài hai cái danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Nhà nước được anh ta xoay xở được một cách đáng nể ngay cả sau khi anh ta đã nghỉ hưu.
Nhà thơ Phan Huyền Thư.
PV: Thưa chị, là một đạo diễn đạt nhiều huy chương, giải thưởng qua các kỳ liên hoan phim với chị đó có phải là điều thuận lợi cho việc được phong danh hiệu?
Nhà thơ Phan Huyền Thư: - Thế nhân đãi kẻ khù khờ chăng? Tôi chưa bao giờ làm phim với tâm thế thi thố hay hướng tới các giải thưởng và cũng chưa bao giờ làm hồ sơ xét danh hiệu nên không cảm nhận được thật sự rằng đó là một lợi thế.
Nhưng, tôi biết chắc chắn đó là một tiêu chuẩn mang tính cơ sở để xét duyệt các danh hiệu NSUT, NSND theo hệ thống quản lý nhà nước.
Vì vậy mà các giải thưởng và huy chương bỗng nhiên có giá trị kép. Nó không những là định danh nghệ thuật, nó đồng thời định giá cho cả thành tích cống hiến, và vì thế nó đã trở thành mục tiêu, mục đích phấn đấu của cuộc đời làm nghệ thuật. Tấm huy chương tự nhiên lại nặng dần ở phía mặt trái...
Dường như qua các liên hoan, tấm huân chương là rất quan trọng? Có tiêu cực gì xảy ra khi để có tấm huy chương không?
- Điều đáng buồn là không những có mà càng ngày càng nhiều vấn đề xoay quanh chuyện cơ cấu giải thưởng, chạy giải, mua huy chương... Ở đời, phàm cái gì “ban phát” được thì sẽ “mua” được kể cả “mua ba vạn, bán ba đồng”.
Miễn là họ thấy cần thiết để thoả mãn cái tôi danh diện của người nghệ sĩ. Cá nhân tôi nghĩ, người thực tài, bản lĩnh họ không bám vào mấy thứ phao huy chương ngớ ngẩn ấy.
Kỷ nguyên số này, nên nghĩ lại về cách thức của phong trào và thành tích thời bao cấp. Nếu có điều kiện, nên bày ra cuộc vui khác, hay ho hơn. Bám mãi vào các kỳ Liên hoan nghệ thuật toàn quốc để kiếm huy chương mãi làm gì.
Huy chương là điều kiện cần cho việc phong tặng danh hiệu thưa chị?
- Rất tiếc, không những là điều kiện cần mà hiện nay nó đang là tiêu chuẩn chính trong hệ thống xét duyệt.
Điều đó đã ngầm đẩy nhiều nghệ sĩ ngoài hệ thống quản lý nhà nước ra ngoài câu chuyện danh hiệu của cả đời làm nghề, cống hiến cho người thưởng thức chỉ vì họ không được ghi nhận trong hệ thống mà bơ vơ ngoài quy trình, cơ cấu...
Tôi cũng trộm nghĩ, các giải thưởng bình chọn cho nghệ sĩ trẻ có lượng người xem kỷ lục trên môi trường số, cấp khu vực, châu lục có được xem như thước đo của lao động nghệ thuật không?
Các sự vinh danh hàng năm của sự bình chọn mang tinh quảng đại như Giải Cống hiến, Giải Mai Vàng, Làn sóng xanh, Bài Hát Việt… có phải là sự ghi nhận của đông đảo các tầng lớp khán giả không? Rõ ràng là có một sự khoanh vùng nghệ nghĩ trong và ngoài hệ thống quản lý nhà nước.
Là một nghệ sĩ trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân theo chị có quan trọng không?
- Tôi chẳng hiểu các nghệ sĩ khác thế nào, riêng tôi thì không có nhiều xúc động lắm khi nghĩ về điều này.
Được công nhận rồi tôn vinh thì ai chẳng muốn nhưng được thừa nhận một cách đương nhiên với việc phải xoay xở, xin xỏ để được người khác công nhận là hai cảm xúc khác nhau, hai phương thức khác nhau và đương nhiên, hai thang giá trị khác nhau.
Nhưng có nhiều đồng nghiệp vất vả vì lo chạy đủ số lượng huy chương theo thâm niên công tác để lọt vào danh sách xét tặng danh hiệu làm tôi thấy ái ngại cho khán giả và cho nghệ thuật là chính.
Vậy không danh hiệu và có danh hiệu do nhà nước trao tặng, có ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của nghệ sĩ không, thưa chị?
- Tôi chưa có danh hiệu nào để trải nghiệm sự khác biệt này!
Nhưng tôi quan sát và cảm nhận rất rõ về sự thay đổi trước và sau khi có danh hiệu, thậm chí tôi đã vô tình bị kéo vào một cuộc va chạm không đáng có trên truyền thông với một đồng nghiệp đàn anh về điều này.
Tôi thấy, cho đến thời điểm hiện tại, nghĩa là khoảng 7, 8 năm sau vụ bê bối đó, đồng nghiệp đàn anh của tôi cũng không tạo được dấu ấn gì đặc biệt trong nghề nghiệp ngoài hai cái danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Nhà nước được anh ta xoay xở được một cách đáng nể ngay cả sau khi anh ta đã nghỉ hưu.
Quan hệ với cá nhân tôi thì không còn gì ngoài một sự thù hận, chống phá dai dẳng trên tất cả các mối quan hệ chung, thậm chí trên mọi ngoc ngách nghệ thuật tôi rón rén nhón gót vào...
Vậy chẳng phải là một sự thay đổi đáng sợ, một sự bộc lộ bản chất đến thảm hại hay sao?
Nhiều nghệ sĩ cả đời mình tận hiến cho nghệ thuật, được công chúng mến mộ, tuy nhiên, nhiều người không đủ tiêu chuẩn huy chương để được phong tặng danh hiệu theo quy định, chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi chẳng nghĩ gì đâu. Thật đấy! À, mà tôi thấy rằng người cần nghĩ ở đây không phải là nghệ sĩ mà là người làm quản lý và có trách nhiệm với việc “sắc phong” này.
Vinh danh và tri ân người cống hiến khác với thi đua lập thành tích theo phong trào để mà đạp đổ nhau ngoi lên.
Tôi cũng chẳng đạo đức giả để cao ngạo nói tôi không cần. Vì tôi không cần thì nghệ sĩ khác sẽ cần.
Vấn đề thật lòng là chúng tôi cần sự vinh danh ngước lên chứ không phải sự khen ngợi cúi xuống xoa đầu. Lâu nay hội đồng vẫn tưởng đồng thuận là nhìn từ trên ban phát xuống nên mới lộn xộn như vậy.
Quyền lợi của các danh xưng là cũng khá “bí hiểm”.
Khi bạn là Nghệ sĩ Nhân dân, chẳng biết có ai xem tác phẩm của bạn hay xem bạn biểu diễn hay không, đồng nghiệp có phục tài bạn không nhưng bạn vẫn có “cửa” nhảy vào các hội đồng thẩm định kịch bản, duyệt tác phẩm, xét duyệt danh hiệu của các đồng nghiệp khác cho đến tận khi bạn… tắt thở, nếu bạn còn sức và giỏi xoay xở.
Mà khó gì đâu, danh hiệu NSND bạn xoay được thì việc chen chân vào hội đồng chuyên môn hay Ban giám khảo nọ kia là chuyện vặt. Đó là nơi thanh lý nốt những “ân oán” danh vị và nghề nghiệp khi bạn còn đương “chiến đấu” cho giải thưởng trước đây.
Vì thế, xin lỗi là rất bẽ bàng về các câu chuyện bi hài liên quan đến việc phong tặng danh hiệu cho nghệ sĩ.
Theo chị, là một nghệ sĩ, điều gì quan trọng nhất?
- Tôi sợ nhất mình hết lửa, mất hứng với đam mê của mình. Còn điều quan trọng nhất là tôi đừng bất tài. Cái danh, khi đã không thực tài thì không những bạc mà còn rất ác. Tôi thấy thế!
Xin trân trọng cảm ơn chị!