Sớm thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử
Tại kì thi THPT quốc gia 2018, điểm trung bình môn Lịch sử thấp hơn hẳn so với những năm trước, chỉ 3,79 điểm.
Trong khi đó, vào năm 2016 là 4,49 điểm còn năm 2017 là 4,6 điểm. Tại sao có tới 83% thí sinh có điểm môn Lịch sử dưới trung bình? Tổ giáo viên Khoa học xã hội - Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra phân tích:
Thứ nhất, đề thi “không chấp nhận” những thí sinh chỉ học thuộc lòng và nhớ máy móc mốc sự kiện, ngày tháng. Những điều chỉnh của đề thi năm 2018 so với trước đây (chuyển từ việc kiểm tra việc tái hiện kiến thức sang việc đánh giá mức độ vận dụng kiến thức) khiến những học sinh có thói quen học vẹt, học thuộc lòng, không kết nối, vận dụng được kiến thức sẽ không làm được bài thi.
Thứ hai, khi bài thi có thêm kiến thức lớp 11, phạm vi kiến thức rộng hơn thì cũng sẽ ảnh hưởng đến độ khó cùa đề (mặc dù về dung lượng đề thi nhìn sơ bộ thì đề 2018 có vẻ ngắn hơn so với đề thi năm 2017).
Thứ ba, trong các năm trước đây, điểm môn Lịch sử cũng không cao so với các môn thi khác. Các năm gần đây điểm môn Sử thấp có thể phản ánh cách dạy và học ở trường phổ thông với môn Lịch sử hiện nay: Giáo viên chưa thực sự đổi mới về cách dạy, học sinh cũng vẫn quen với lối học cũ, không có sự đầu tư và tạo đam mê với môn học này.
Thứ tư, khá nhiều học sinh chỉ chọn thi môn Lịch sử cho việc xét tốt nghiệp dẫn đến việc học sinh có thể bỏ không làm các câu khó, hoặc khoanh bừa dẫn đến việc có nhiều bài thi điểm thấp.
Thực tế trên đã đặt ra những vấn đề và cần phải thay đổi trong việc dạy và học môn Lịch sử không chỉ nhằm đáp ứng với kì thi mà quan trọng là khiến học sinh yêu thích cũng như có cảm hứng hơn với môn học này. Quan trọng hơn nữa là để đem lại những kết quả tốt hơn trong tương lai, tạo nên những dữ liệu lịch sử được lưu giữ trọn vẹn, không méo mó, xô lệch trong mỗi công dân trưởng thành.
Cụ thể, đề thi môn Lịch sử những năm trước đây tập trung kiểm tra việc ghi nhớ các mốc sự kiện, tái hiện diễn biến các sự kiện. Các vấn đề lịch sử trong đề rời rạc, thiếu liên kết, chặt khúc; Dạng câu hỏi trình bày, phân tích; Chỉ kiểm tra được một lượng kiến thức nhỏ. Còn năm 2018, đề thi môn Lịch sử tiếp cận theo hướng năng lực, phẩm chất: yêu cầu hiểu bản chất, nắm được các thuật ngữ lịch sử; Chú trọng các mối liên hệ lịch sử Việt Nam - Thế giới (yếu tố không gian), giữa các giai đoạn lịch sử (yếu tố thời gian); Dạng câu hỏi so sánh, rút ra quy luật; Gần như vắng bóng câu hỏi về ghi nhớ mốc sự kiện.
Do đó, cần phải sớm thay đổi việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông. Về cách học, yêu cầu: Học hiểu bản chất, nắm được “key word” (các từ khóa mô tả khái quát nhất, đặc thù nhất của các thời kì lịch sử; các giai đoạn, sự kiện lịch sử); Kết hợp học trong sách vở và học qua thực tế đời sống; Sách giáo khoa là căn bản nhưng phải tìm hiểu thêm các tài liệu tham khảo để thu nhận thông tin, làm giàu vốn kiến thức. Đặc biệt lưu ý việc ghi nhớ các mốc sự kiện lớn.
Còn về cách dạy, không cần đi quá chi tiết về diễn biến các sự kiện, chiến dịch; Dạy học sinh hiểu bản chất sự kiện, chú trọng lồng ghép và giải thích các thuật ngữ lịch sử; Dạy kiến thức SGK nhưng phải kết hợp liên hệ thực tế; Chú trọng sơ kết, tổng kết vấn đề cho học sinh; Hướng dẫn học sinh cách học từ các nguồn tài liệu tham khảo; Kết hợp, tích hợp các phương tiện, công cụ trong giảng dạy giúp học sinh lưu giữ được kiến thức một cách tự nhiên và có chiều sâu.